Ngành bán lẻ Việt Nam ngày càng khốc liệt, ông lớn vốn ngoại cũng ‘bật bãi’ như thường

Vân Giang 05/10/2021 13:00

Trong vòng 5 năm trở lại đây, những cái tên đời đầu của thị trường bán lẻ hiện đại như Metro, Big C, Fivmart hay Viễn thông A đều không còn hiện diện dưới nhiều cách thức khác nhau.

Thương hiệu Big C sẽ dần biến mất trên thị trường ngành bán lẻ Việt Nam

Tập đoàn Central Retail Việt Nam (đơn vị quản lý vận hành Hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market) vừa thông báo từ ngày 1/10, siêu thị Big C Hà Đông và BigC Nguyễn Xiển sẽ được đổi tên thành Tops Market. Dù động thái này đã được Tập đoàn thông báo trước đó trong công cuộc tái cấu trúc cho giai đoạn mới, tuy nhiên việc Big C lần lượt biến mất cũng khiến thị trường không khỏi hụt hẫng, khi thương hiệu đã gắn liền với người tiêu dùng nhiều năm liền.

Trước đó, đầu tháng 3/2021, Central Retail cũng đã hoàn tất việc chuyển đổi 3 siêu thị Big C tại TP HCM thành Siêu thị Tops Market. Được biết, đây là chiến lược tái định vị thương hiệu của Tập đoàn, theo kế hoạch 4 siêu thị Big C tại Hà Nội (The Garden, Hà Đông, Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn) cũng sẽ hoàn tất việc chuyển đổi và nâng cấp thành Tops Market vào quý 3/2021.

Trước BigC, 19 trung tâm Metro Cash & Carry trên cả nước của Metro AG (Đức) sau 14 năm hoạt dộng tại Việt Nam cũng đã vào tay Tập đoàn bán lẻ Thái lan - TCC Holdings. Sau khoảng 1 năm về tay ông chủ người Thái, đầu năm 2017, hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam được đổi tên thành MM Mega Market.

Không chỉ đổi thương hiệu, TCC Holdings còn tiến hành thay đổi cả việc bày trí các trung tâm đến việc phát triển các sản phẩm mới, song song đẩy mạnh kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cũng trong năm 2017, tại lĩnh vực điện máy, Thế Giới Di Động tuyên bố đã thâu tóm Trần Anh và khẳng định sẽ chuyển đổi toàn bộ cửa hàng sang thương hiệu mới trong tương lai. Ngay sau khi về tay Thế giới Di động, website trananh.vn cũng lập tức ngừng hoạt động và khách hàng khi truy cập sẽ được chuyển hướng đến website của Điện Máy Xanh.

Trong khi đó, thương vụ thâu tóm đình đám nhất ngành bán lẻ không thể không gọi tên Vingroup – tay chơi nội với loạt thương vụ đình đám giai đoạn 2014-2017. Từ viên gạch đầu tiên là mua lại 70% cổ phần của Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương – Ocean Retail vào năm 2014 và lập hệ thống Vinmart, Vinmart+, Vingroup liên tiếp nhận100% vốn chuỗi Maximark (tháng 10/2015), thâu tóm chuỗi siêu thị Fivimart (tháng 9/2018), mua toàn bộ 87 cửa hàng tiện lợi của Shop&Go (tháng 4/2019), sáp nhập Queenland Mart (tháng 8/2019).

Đến cuối năm 2019, Vingroup chính thức chuyển giao cho Masan – doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Trong một tiết lộ mới đây, Masan cũng có kế hoạch đổi tên thương hiệu Vinmart/Vinmart+ sang Winmart.

Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, những thương hiệu bán lẻ lớn nhất Việt Nam lần lượt sang tay chủ mới.

Nhận định về ngành thị trường bán lẻ Việt Nam, chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, tuy thị trường bản lẻ Việt Nam là thị trường sôi động, tăng trưởng hàng chục % thời điểm trước dịch bệnh. Tuy thị trường năng động nhưng cạnh tranh cũng rất khốc liệt.

Thực tế cho thấy, một nửa đại siêu thị trong nước đang thuộc về doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan… Doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm hệ thống siêu thị tầm trung và siêu thị mini.

Trong khi các thương hiệu lớn ngành bán lẻ chuyển tay qua các doanh nghiệp ngoại, ông Phú cho rằng, doanh nghiệp nội có một điểm yếu chung là về công nghệ; cùng với đó, 80% nguồn nhân lực trong siêu thị không được đào tạo về bán lẻ.

“Tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn đang tiếp diễn và trong tình trạng báo động, bán hàng đa kênh cũng chưa thật sự phát triển. Chính những điểm yếu này của doanh nghiệp nội lại là điểm mạnh của doanh nghiệp ngoại. Họ mạnh về công nghệ, quen với bán lẻ hiện đại, chăm sóc khách hàng, tập hợp dữ liệu khách hàng rất kĩ và tốt, tạo ra niềm tin cho khách hàng một cách sâu sắc”, ông Phú nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành bán lẻ Việt Nam ngày càng khốc liệt, ông lớn vốn ngoại cũng ‘bật bãi’ như thường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO