Ngành du lịch: Thích ứng an toàn với dịch Covid-19

Gia Bảo 16/10/2021 06:30

Nhằm làm rõ “bức tranh” của ngành du lịch sau gần 2 năm hứng chịu những tổn thất nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ngày 15/10, báo Nhân Dân tổ chức Tọa đàm “Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19”.

Du lịch đã khó khăn lại càng khó khăn hơn

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết: Từ năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 du lịch bị tổn thất nặng nề. Có người nói rằng du lịch đã “chạm đáy”, có người nói rằng du lịch đã bắt đầu về lại con số 0, có người nói du lịch thật ảm đạm và khó để phục hồi. Ở góc độ tiếp cận nào đó cũng phù hợp với tình hình nhưng sâu xa hơn, chúng ta phải đi tìm căn nguyên, xem xét cả yếu tố chủ quan, khách quan và bình tĩnh nhìn nhận thế nào.

Dựa trên cơ sở khảo sát, các con số cho thấy du lịch của chúng ta đã khó khăn lại càng khó khăn. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm 80% mà trước đó nhờ lượng khách quốc tế này đưa vị thế du lịch Việt Nam lên top đầu của châu Á. Năm 2021, chúng ta giảm đến 90% khách du lịch quốc tế (10% là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao). Về khách nội địa, năm 2020 có 85 triệu lượt khách nhưng sang năm 2021 chúng ta hầu như đóng băng. Quý 1, chúng ta có được một số lượng khách nhất định nhưng không bảo đảm thường xuyên.

Chúng ta phải tính toán đến một loại hình trong vấn đề du lịch là cơ sở lưu trú. Thường cơ sở lưu trú quyết định đóng góp cho toàn ngành, theo thống kê đóng góp 46-50% cho hoạt động du lịch thì 90% các cơ sở lưu trú đều phải đóng cửa và không hoạt động, công suất hoạt động phòng khách sạn không có, chỉ sử dụng 10% là tối thiểu. Việc làm trong ngành bị đứt gãy do không có khách nên buộc phải cắt giảm lao động, buộc phải giãn cách dẫn tới người lao động không có việc làm. Các doanh nghiệp phải rút giấy phép, xin ngừng hoạt động liên tục tăng. Hiện chỉ còn lại một phần rất ít doanh nghiệp còn trụ vững, giữ thương hiệu để chờ thời điểm phục hồi.

“Các số liệu giúp chúng tôi có nhận định như vậy và nhận định này phù hợp nhận định chung quốc tế. Họ nhận định, do tác động dịch bệnh Covid-19, du lịch rất khó để phục hồi. Phải đưa ra cảnh báo để có nhận thức đúng, nếu không chúng ta sẽ mơ về ngày như ngày xưa thì rất khó, chúng ta phải thích ứng với điều kiện mới. Chúng ta nên nghiên cứu dự báo để xác định hướng đi không toàn màu hồng, cũng không toàn màu xám xịt” - theo ông Hùng.

Chuẩn bị cho du lịch an toàn

Để vực dậy ngành du lịch, các địa phương đang có những kế hoạch cụ thể. Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam: Sở đang tham mưu UBND tỉnh kế hoạch mở cửa hoạt động, đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam trong tình hình mới, gồm các giai đoạn cơ bản.

Giai đoạn 1, dự kiến vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021 khi tất cả lao động các khu, điểm, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch được tiêm mũi 1 vaccine sau 14 ngày. Giai đoạn 2, dự kiến vào ngày 1/12/2021 khi tất cả lao động các khu, điểm, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch được tiêm mũi 2 vaccine sau 14 ngày. Giai đoạn 3, dự kiến từ tháng 1/2022, mở rộng đón khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng… từ các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19. Giai đoạn 4, dự kiến bắt đầu từ tháng 6/2022 sau khi Phú Quốc đón thí điểm khách quốc tế thành công bằng các chuyến bay thuê bao chuyến và được cơ quan có thẩm quyền cho phép đón khách quốc tế…

Để thực hiện việc mở cửa hoạt động, đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam trong tình hình mới, Sở đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp về Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch xanh Quảng Nam, giai đoạn 2022 - 2025; Quyết định ban hành tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực du lịch;… Ngoài ra là đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương khác.

Còn tại Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh cho biết: Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.

Tính từ ngày 1/10/2021 đến nay, Sở Du lịch Khánh Hòa đã phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp nhận, thẩm định các cơ sở kinh doanh du lịch đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí cơ bản đã bao gồm các tiêu chí đối với khách du lịch, đối với việc di chuyển, lưu trú, tham quan tại các điểm tham quan nhằm bảo đảm an toàn du khách đối với: 3 cơ sở kinh doanh, khu, điểm du lịch quy mô lớn; 12 cơ sở lưu trú quy mô 4-5 sao,... 10 doanh nghiệp lữ hành xây dựng phương án hoạt động đáp ứng Bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch. Ngoài ra hiện nay, Sở Du lịch tiếp nhận hơn 20 đơn vị xây dựng phương án hoạt động và thông báo đi vào hoạt động từ sau ngày 15/10/2021.

Ngành du lịch Khánh Hòa cũng phối hợp các ngành địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ công tác truyền thông bằng các biện pháp phù hợp, thiết thực, tăng cường truyền thông chủ đề “Việt Nam an toàn”, “Nha Trang biển gọi”. Trong đó, khẳng định Khánh Hòa là điểm đến an toàn.

Để thống nhất chung trên toàn quốc về các tiêu chí hoạt động đón, phục vụ khách du lịch, ngành du lịch Khánh Hòa đề xuất nên nguyên cứu ban hành chung Bộ tiêu chí đối với cơ sở lưu trú; đối với doanh nghiệp lữ hành, đối với các khu điểm du lịch áp dụng trên toàn quốc. Việc này nếu được áp dụng sẽ không gây khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch. Du khách có những thông tin đầy đủ trước mỗi chuyến đi, không phải bỡ ngỡ trước quy định khác nhau từ mỗi địa phương như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL đang được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Trong đó, nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch - dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng. Vì vậy, Bộ đang tiếp cận theo hướng phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, phù hợp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành du lịch: Thích ứng an toàn với dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO