Ngành Giáo dục sơ kết học kỳ I: Nóng chuyện thiếu quyền

Thuỷ An 16/01/2017 08:00

Tại Hội nghị sơ kết học kỳ I ngành GD vừa diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo các Sở GD&ĐT đã lên tiếng về việc thiếu quyền của ngành giáo dục. Theo đó, quyền quản lý phân bổ giáo viên thuộc Sở Nội vụ, quyền phân bổ tài chính thuộc Sở Tài chính, Sở GD&ĐT chỉ nắm được chuyên môn.

Ảnh minh họa.

Nghịch lý thừa - thiếu giáo viên

Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đã có những kết quả tích cực trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở nhiều địa phương. Nhưng cũng còn rất nhiều bất cập. Đó là việc thi tuyển viên chức ngành giáo dục không bảo đảm đúng quy định, thậm chí còn có dấu hiệu tiêu cực; vấn đề ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động với hàng loạt giáo viên; giáo viên đã được tuyển dụng nhưng đi làm một năm không được hưởng lương; vấn đề luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm; vấn đề đánh giá giáo viên... đã và đang gây nhiều bức xúc cho các thầy cô giáo và xã hội như ở Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau...

Trong đó, đặc biệt đáng lo ngại là tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông. Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở như: Thái Bình: 1.224, Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742, Quảng Nam: 1.096; các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang: 1.921, Thái Bình: 1.500, Thanh Hóa: 1.405, Nghệ An: 3.328, TP.HCM: 1.195.33, Gia Lai: 1.196..

Tính chung trong toàn quốc, tổng số giáo viên công lập dôi dư: 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông: 2.551). Tổng số giáo viên công lập còn thiếu: 45.058 (trong đó, mầm non: 32.641, tiểu học: 7.824, trung học cơ sở: 2.799, trung học phổ thông: 1.794).

Theo giải thích của ông Trần Kim Tự- Cục trưởng Cục Nhà giáo, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thiếu, thừa cục bộ như: một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục cũng tạo ra nhiều bất cập, tiêu cực; việc điều động, luân chuyển công tác của viên chức giữa các trường còn gặp nhiều khó khăn do bố trí chuyên môn đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm hoặc do chênh lệch về điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý giữa xã đặc biệt khó khăn và các xã khác; nhiều địa phương ký hợp đồng với giáo viên tràn lan, thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ.

Chưa có giải pháp lâu dài

Nói về nghịch lý thừa - thiếu giáo viên, bà Phạm Thị Hằng- Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng, nguyên nhân trước hết là vướng ở cơ chế quản lý: “Các giám đốc Sở vẫn nói đùa với nhau, hai thứ quan trọng là con người và tiền thì do Sở Nội vụ và Sở Tài chính nắm giữ. Còn về chất lượng giáo dục thì Sở GD&ĐT phải chịu trách nhiệm. Cho nên tất cả vướng mắc đó rất khó khăn cho các Sở GD&ĐT”.

Từ năm 2011 đến năm 2016 chỉ tiêu biên chế của Thanh Hóa “đóng băng”, trong khi số lượng học sinh thì biến động tăng giảm- bà Hằng cho biết. Việc Sở Nội vụ làm chưa hết trách nhiệm, chủ tịch huyện hợp đồng sai quy định dẫn đến hiện tại Thanh Hóa có 5.000 giáo viên hợp đồng, thừa giáo viên THCS, thiếu giáo viên tiểu học và mầm non (trong khi Bộ Nội vụ không cho tăng chỉ tiêu biên chế).

Đây là nguyên nhân dẫn đến lạm thu, do kinh phí thường xuyên hầu như dành cho các trường hợp hợp đồng. Để giải quyết tình trạng thừa thiếu, tỉnh này cũng đang chỉ đạo rất quyết liệt việc điều chuyển giáo viên THCS xuống tiểu học và mầm non. Mới đây, các huyện lập danh sách gửi về Sở có hơn 200 giáo viên THCS xuống dạy mầm non. Tuy nhiên, theo bà Hằng, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ông rất chia sẻ với các Sở GD&ĐT về tình trạng này. Ông giải thích, trong một thời gian dài mặc dù đã có nhiều biện pháp quy hoạch, nhưng do nhiều lý do khách quan khác nhau như: biến động về dân số, di cư, các khu công nghiệp, chế xuất mọc lên, đô thị hóa… nên số lượng học sinh ở các bậc học có thay đổi. Việc giải quyết vấn đề thừa thiếu cục bộ như thế nào đang là một câu hỏi lớn đặt ra cho ngành giáo dục. Bộ trưởng xác nhận, đã có một số địa phương sốt ruột và triển khai rất nhanh việc chuyển chỗ thừa vào chỗ thiếu.

“Đây cũng là một biện pháp, nhưng không căn cơ”- Bộ trưởng nói. Ông cho rằng có phần lỗi từ phía ngành giáo dục địa phương, chưa đủ năng lực xây dựng quy định đảm bảo chất lượng giáo dục để kiến nghị với các bộ, ngành. Hiện tại, ông đã chỉ đạo nghiên cứu về chuẩn giáo viên để các địa phương dựa trên cơ sở đó tuyển dụng. Bộ có quyền đưa ra tiêu chuẩn về chất lượng.

Quy hoạch mạng lưới trường lớp đã có đường nét

Bộ GD&ĐT cho rằng, quy hoạch mạng lưới trường lớp là một chỉ đạo “có đường nét” của năm 2016. Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch - Tài chính, mạng lưới cơ sở giáo dục trong năm 2016 tăng nhẹ (0,8%) về số lượng so với năm 2015, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng.

Trong đó, số lượng cơ sở giáo dục tăng tập trung vào giáo dục mầm non với mức tăng là 1,8% do nhiều địa phương tăng cường cơ sở trường lớp học đáp ứng việc phổ cập 5 tuổi. Giáo dục phổ thông tiếp tục giữ vững về số lượng và đi vào ổn định. Đối với các bậc học khác, năm 2016 không có sự khác biệt về số lượng cơ sở đặc biệt là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, đây là năm đầu tiên số lượng cơ sở đào tạo được giữ ổn định phù hợp với định hướng hạn chế thành lập mới cơ sở đào tạo của Bộ.

Mạng lưới cơ sở phổ thông dân tộc nội trú có sự tăng nhẹ nhằm nâng cao trình độ đào tạo và phát triển giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số thông qua thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường dự bị đại học; mạng lưới cơ sở đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên vẫn còn những bất cập như: Mạng lưới cơ sở giáo dục công lập là chủ yếu (chiếm 93,6%); tỷ lệ các trường ngoài công lập có xu hướng giảm dần trong 10 năm trở lại đây, làm tăng nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước. Tình trạng thiếu đất cho xây dựng, mở rộng trường học tại các đô thị; trong khi đó một số chính sách khuyến khích về đất đai không được thực hiện trong thực tế, do quy hoạch giáo dục không được gắn với các quy hoạch khác.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ biểu dương 63 tỉnh, thành đã tham mưu cho chính quyền tổ chức tốt kỳ thi năm 2016 và tiếp tục đổi mới trong năm 2017. Tuy nhiên, khâu phát hiện vấn đề của địa phương để đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo trong thời gian tới cần phải làm tốt hơn.

Bộ trưởng cũng gửi lời mời các giáo sư, các thầy có kinh nghiệm chuẩn bị, phản biện để xây dựng chương trình chuẩn gắn với việc thay đổi chương trình - sách giáo khoa mới, áp dụng trên toàn quốc. Ông cũng lưu ý các trường sư phạm phải bám vào chương trình này để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành Giáo dục sơ kết học kỳ I: Nóng chuyện thiếu quyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO