Ngành học mới: Liệu có ‘sớm nở tối tàn?’

XUÂN ANH 27/02/2022 14:04

Những chuyển động của đời sống xã hội trong thời gian qua đã tác động không nhỏ tới các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong việc mở những ngành mới. Sự chuyển đổi này dễ nhận thấy vào đầu mỗi mùa tuyển sinh. Theo đó, các trường ĐH, CĐ luôn đưa ra những mã ngành mới để thu hút thí sinh, nhiều trường mở 5 - 7 ngành, thậm chí tới 9 - 10 ngành mới. Việc mở ngành mới được các cơ sở đào tạo khẳng định, đều gắn với nhu cầu nguồn nhân lực.

Ở mùa tuyển sinh năm nay, theo đề án tuyển sinh 2022 - 2023 dự kiến mà các trường ĐH công bố cho thấy có nhiều nhóm ngành mới được mở để tuyển sinh và đào tạo.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) mở mới và tuyển sinh 6 ngành mới gồm: Quản trị văn phòng, Kinh tế quốc tế, Công nghệ tài chính, Kiểm toán, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị sự kiện.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng mở thêm 4 ngành học gồm Y học cổ truyền, Sức khỏe răng miệng, Thương mại điện tử và Giáo dục tiểu học. Trường ĐH Hoa Sen mở tới 5 ngành mới gồm Thương mại điện tử, Digital marketing, Phim, Quan hệ công chúng, Kinh tế thể thao, Trí tuệ nhân tạo... Đáng chú ý nhóm ngành mở mới và tuyển sinh của các trường đều hướng đến sự bùng nổ và phát triển của kinh tế số, thương mại điện tử và ứng dụng nền tảng của khoa học công nghệ.

Với khối trường ĐH công lập, nhóm ngành mới các trường mở và tuyển sinh trong năm nay cũng khá đa dạng, đều là những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang có nhu cầu.

Trường ĐH Mở TP HCM tuyển sinh 2 ngành mới là Quản lý công và Kinh tế chất lượng cao. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM) mở ngành Công nghệ điện tử và Tin học (ngành thử nghiệm), Kỹ thuật máy tính, Quản lý tài nguyên và môi trường. Trường ĐH Kinh tế TP HCM mở ngành Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện. Riêng phân hiệu Vĩnh Long của trường bổ sung hai chương trình đào tạo Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Tài chính.

Có thể thấy dường như đã thành một hướng mới, đó là tập trung mở mới nhóm ngành kinh tế - quản lý và công nghệ số, thương mại điện tử. Đại diện các nhà trường cũng đều cho rằng, việc mở những ngành nghề mới là để đáp ứng nhu cầu xã hội, yêu cầu từ thị trường lao động.

Thay đổi, đáp ứng thị trường lao động là việc cần thiết, nhất là trong bối cảnh 4.0 hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là việc “bùng nổ” các mã ngành mới nhưng liệu các nhà trường có chuẩn bị kịp cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để giảng dạy hay không? Đó là chưa kể, giáo trình, hoặc một khi lượng thí sinh trúng tuyển không đủ nhiểu?

Ở một tầm nhìn xa hơn, việc mở mới một ngành nghề đào tạo đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và cả bài toán việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Mỗi đơn vị khi mở và tuyển sinh ngành học mới nếu muốn giữ vững chất lượng đào tạo cùng các cam kết với xã hội thì phải làm tốt công tác hậu kiểm, chuẩn đầu ra chương trình và cả sự đánh giá từ doanh nghiệp.

Quan sát sự nở rộ các ngành mới hiện nay, người ta vui thì ít, lo lắng thì nhiều. Bởi nhận ra ít nhiều có sự “té nước theo mưa”, “sớm nở tối tàn”, “cái nhìn ngắn hạn”… Mà bất cứ sự chạy theo, ăn theo nóng vội nào, đều không tốt, nhất là với ngành giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành học mới: Liệu có ‘sớm nở tối tàn?’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO