Ngành tôm đón làn sóng chuyển dịch

Quốc Trung 09/05/2020 08:00

“Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam”- Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 diễn ra tại Sóc Trăng, ngày 8/5.

Ngành tôm đón làn sóng chuyển dịch

Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, mặc dù gặp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành tôm vẫn có những tín hiệu lạc quan. Xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó tôm ước đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ 2019. Nhiều DN đã có đơn hàng đến tháng 8/2020.

Đại diện VASEP kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ để DN thu hút được nguồn lao động (hỗ trợ an sinh cho người lao động, cho DN vay để trả lương); thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến (bãi bỏ quy định việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài tại Nghị định 74/2018; xác lập hàng “chế biến” đối với sản phẩm thủy sản khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; sửa đổi quy định công việc “nặng nhọc độc hại”).

Còn theo Tổng cục Thuỷ sản năm 2020 này, ngành tôm của Việt Nam có lợi thế khi thuế chống bán phá giá tôm của chúng ta vào thị trường Mỹ được hưởng mức 0%; bên cạnh đó Hiệp định AVFTA có hiệu lực trong năm 2020 sẽ góp phần giảm mức thuế cơ bản 12 đến 20% xuống còn 0% đối với tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập vào EU; các thị trường quan trọng đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam có xu hướng phục hồi tốt sau dịch Covid-19; chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu không phụ thuộc vào Trung Quốc nên DN thủy sản tương đối chủ động trong sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu tôm của thị trường thế giới đang quay trở lại đối với các sản phẩm truyền thống hơn là giá trị gia tăng, trong khi Ấn Độ đang bị dịch nên lựa chọn thay thế sẽ là tôm Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngành hàng tôm là một trong những ngành hàng đóng góp lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2020 chúng ta đối mặt với nhiều thách thức khi đại dịch Covid-19 xảy ra cùng lúc với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, gây nhiều khó khăn cho ngành thủy sản trong đó có ngành tôm. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho xuất khẩu tôm Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, EU… khả năng mở cửa lại các nhà hàng, nhu cầu sẽ dần phục hồi; thói quen tiêu dùng thay đổi cũng là lợi thế đối với các sản phẩm tôm chế biến, ăn liền, tiện dụng của Việt Nam sẽ tăng lên.

Để đưa ngành tôm vươn lên phát triển bền vững trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, cần có chính sách hỗ trợ DN chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cơ quan chức năng, tiếp tục quan trắc cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ trên những sông, kênh lớn có nguy cơ xâm nhập mặn vào nội đồng để kịp đưa ra các bản tin cảnh báo và khuyến cáo tới địa phương, cơ sở nuôi để phục vụ sản xuất. Thúc đẩy và hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động của ngành thủy sản, đặc biệt triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống tiến tới có thể phát triển hình thức mua bán tương lai mặt hàng con giống theo mục tiêu quản lý chất lượng và giảm giá thành….

Về phía DN và người nuôi tôm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới…

Thông tin từ Tổng cục Thuỷ sản, đến nay 100% các địa phương đã xây dựng lịch thời vụ thả tôm cơ bản đúng với tình hình thực tế của địa phương trong năm 2020. Diện tích tôm thả nuôi đạt khoảng 481.534 ha (bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 71,1% so với kế hoạch năm 2020). Ước sản lượng tôm nước lợ tính đến cuối tháng 4/2020 đạt 168,6 nghìn tấn (bằng 94,4% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 21,7% so với kế hoạch năm 2020). Trong đó, Bạc Liêu là tỉnh có sản lượng thu hoạch nhiều nhất, tiếp đến là Cà Mau, Trà Vinh và Kiên Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành tôm đón làn sóng chuyển dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO