Ngành y tế thu vượt 12,6 tỷ đồng: Tỉnh Hòa Bình vẫn chờ ý kiến chỉ đạo

Trần Hải 18/07/2022 11:29

Số tiền hơn 12,6 tỷ đồng của ngành y tế tỉnh Hòa Bình thu vượt trong quá trình xét nghiệm Covid-19 đã từng có phương án giải quyết. Tuy nhiên, sự việc đến nay vẫn “bùng nhùng”, chưa được xử lý và đang phải chờ ý kiến của Thanh tra Chính phủ.

Trụ sở Sở Y tế tỉnh Hòa Bình.

Sau khi kết luận và vấn đề được chỉ ra về việc ban hành văn bản trong cách tính giá dịch vụ xét nghiệm nhanh Covid-19 bao gồm cả chi phí về vật tư phòng dịch, điện nước, chi phí tiền lương, chi phí khấu hao trang thiết bị… của Sở Y tế là chưa đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế dẫn đến các đơn vị y tế: Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố thực hiện dịch vụ test nhanh đã thu vượt số tiền là 12.683.715.000 đồng. Sở Y tế tỉnh Hòa Bình được xác định là đã chậm ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế thực thu tiền dịch vụ xét nghiệm nhanh Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế dẫn đến các đơn vị y tế áp dụng giá chưa đúng.

Tiếp đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã họp, chỉ đạo các đơn vị liên quan báo cáo, tham mưu tháo gỡ và xử lý sự việc. Các ngành liên quan đã nhiều lần ban hành văn bản với những ý kiến và giải pháp. Tuy nhiên, đến nay vấn đề giải quyết số tiền hơn 12,683 tỷ đồng này vẫn đang nằm ở trạng thái “chờ hướng chỉ đạo, phương án giải quyết”.

Đơn cử như ngày 19/4/2022, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã viện dẫn nhiều lý do liên quan đến số tiền 12.683.715.000 đồng, đồng thời đề nghị: Cho phép các đơn vị thực hiện chi trả, thanh quyết toán số kinh phí trên thực tế đã phát sinh để mua vật tư tiêu hao cần thiết cho việc thực hiện xét nghiệm là 4.132.265.000 đồng. Số kinh phí còn lại là 8.55.450.000 đồng thay vì đề nghị cấp phát từ ngân sách nhà nước thì đề nghị UBND tỉnh cho phép các đơn vị được giữ lại để sử dụng, thực hiện bù đắp chi phí tiền lương, tiền công, phụ cấp chống dịch, tiền điện, nước, xử lý rác thải… theo cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong một diễn biến khác, trước đề xuất “trả lại cho người dân” của Sở Tài chính về số tiền thu vượt này thì Sở Y tế tỉnh Hòa Bình lại đưa ra lý do: Một số tỉnh trong cả nước có nội dung tương tự thì việc hoàn trả kinh phí “đã thu vượt” cho người dân gặp rất nhiều khó khăn bởi đa phần người dân test nhanh ở các chốt là ở các địa phương khác, thủ tục hoàn trả tiền phức tạp (phải có Giấy đề nghị hoàn trả tiền, Bản sao phiếu kết quả xét nghiệm, hóa đơn do các cơ sở y tế phát hành, bản sao căn cước công dân)… Mặt khác, qua tham khảo một số tỉnh đã xung toàn bộ số tiền thu chênh vào Quỹ phòng chống dịch của tỉnh nên Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đề xuất 2 phương án là: Nộp vào ngân sách nhà nước tỉnh để chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; hoặc xung vào Quỹ phòng chống dịch của tỉnh để có thêm nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trong khi đó, Văn bản đề ngày 13/6/2022 của Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình gửi UBND tỉnh vẫn có đề xuất, với nội dung: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành y tế hoàn trả số thiền thu dịch vụ test nhanh vượt so với hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19 (Công văn số 5378/BYT-KHTC ngày 7/7/2021 của Bộ Y tế và Thông tư số 16/2021/TT-BYT ngày 8/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Xác định các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm (vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công, của các đối tượng bị thu vượt) gửi Sở Tài chính thẩm định báo cáo UBND tỉnh xem xét bổ sung dự toán kinh phí cho các đơn vị.

Thông tin về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Toàn, cho biết: Liên quan đến sự việc Thanh tra tỉnh Hòa Bình có Kết luận và kiến nghị xử lý số tiền thu vượt hơn 12,683 tỷ đồng đã được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu giải quyết, đến nay các ngành đã họp, đề xuất, nêu các phương án. Hiện nay, UBND tỉnh đang cân nhắc chọn phương án khả thi nhất. Thực ra, trong bối cảnh đó thì các tỉnh khác cũng đều như vậy, lúc đầu thu tiền xét nghiệm nhanh cũng là theo văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, HĐND tỉnh cũng ban hành như vậy nhưng sau này giá kit test giảm xuống, trong một khoảng thời gian mà số lượng xét nghiệm thời điểm đó nhiều nên đã chênh đến số tiền hơn 12 tỷ đồng. Hiện số tiền chênh này vẫn đang được giữ ở kho bạc nhà nước, chứ không có tổ chức, cá nhân nào sử dụng. Vừa rồi, ngành Tài chính và các ngành đề xuất là trả lại người dân nhưng qua khảo sát và thăm dò thì để thực hiện được việc này rất khó, danh sách rất khó để dò lại vì nhiều người không ở địa phương hoặc công tác, di chuyển qua lại.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: Liên quan đến sự việc Thanh tra tỉnh Hòa Bình có Kết luận và kiến nghị xử lý số tiền thu vượt hơn 12,683 tỷ đồng đã được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu giải quyết, đến nay các ngành đã họp, đề xuất, nêu các phương án. Thanh tra Chính phủ cũng đang có chỉ đạo xử lý việc này nên đang chờ thêm hướng giải quyết. Ban thường vụ Tỉnh ủy sau khi được báo cáo cũng có ý kiến chờ cấp trên có chỉ đạo xử lý. Việc trả lại cho người dân thì cũng khó thực hiện. Qua tham khảo một số tỉnh khác như Thanh Hóa, Kon Tum… việc trả lại tiền cho người dân cũng không khả thi, không có người nhận. Vì vậy, tỉnh có thể sẽ báo cáo, đưa vào sử dụng của Quỹ phòng chống Covid tiếp theo. Hiện đang chờ ý kiến của Thanh tra Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành y tế thu vượt 12,6 tỷ đồng: Tỉnh Hòa Bình vẫn chờ ý kiến chỉ đạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO