Ngấp nghé 30 điểm, 61 thí sinh vẫn trượt đại học

Minh Quang 21/09/2021 06:58

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, có 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào, trong đó có 57 em là thí sinh tự do.

Bộ GDĐT cũng thông tin, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi. Số thí sinh có tổng điểm thi ở mọi tổ hợp đạt từ 27 điểm trở lên chiếm 4,7%.

Phân tích dữ liệu thí sinh có điểm xét tuyển từ 29,5 trở lên cho thấy, có 69 em trượt nguyện vọng 1 nhưng đã đỗ vào các nguyện vọng khác; 61 em không đỗ nguyện vọng nào.

Lý giải về nguyên nhân các thí sinh nói trên dù đạt điểm cao vẫn không thể đỗ đại học, Bộ GDĐT cho hay: Các trường công an, quân đội có cách tính điểm xét tuyển khá phức tạp (kết hợp cả điểm học bạ), cùng với nhiều tiêu chí, điều kiện khác nên việc phân tích dữ liệu và việc đỗ hay trượt ở đây không có nhiều ý nghĩa.

Trong 61 em không trúng tuyển nguyện vọng nào: Có 60 em chỉ đặt duy nhất 1 nguyện vọng, chỉ có 1 em đặt 2 nguyện vọng; 59 em có nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội và đều chỉ có 1 nguyện vọng, trong đó 57 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước.

Học viện Chính trị Công an nhân dân có 800 thí sinh đăng ký, trong khi chỉ tiêu chỉ có 50. Cụ thể, thống kê tuyển sinh cho thấy năm nay, Học viện Chính trị Công an nhân dân là trường trong khối công an có nhiều thí sinh đạt từ 29,5 điểm nhưng trượt nhiều nhất. Cụ thể, có 67 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên đăng ký nhưng trượt vào trường. Trong đó 17 em đã đỗ nguyện vọng khác, 50 thí sinh không đỗ nguyện vọng nào.

Trường ĐH Hồng Đức có 2 ngành điểm chuẩn từ 29,5 đều là Sư phạm chất lượng cao (Ngữ văn: 30,5 và Lịch sử: 29,75), tỉnh Thanh Hóa có chế độ ưu đãi đặc biệt, chỉ tiêu mỗi ngành chỉ 15 em. Thống kê cho thấy, 22 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên trượt vào những ngành này.

Trường ĐH Ngoại thương có ngành Ngôn ngữ Trung Quốc điểm chuẩn 39,35/40 (môn Tiếng Trung nhân hệ số 2), chỉ tiêu còn 30 cho điểm thi tốt nghiệp THPT trên tổng số 90 chỉ tiêu (60 chỉ tiêu xét theo phương thức khác). Có 14 thí sinh trượt vào ngành này nhưng đã đỗ nguyện vọng khác.

Lãnh đạo Bộ GDĐT đã phân tích, các trường “top” trên chỉ tiêu không tăng trong khi tỷ lệ số thí sinh đăng ký trên số chỉ tiêu tăng hẳn như thế thì chuyện tăng điểm chuẩn là bình thường…

Thực tế tuyển sinh cho thấy, 61 thí sinh từ 29,5 điểm trở lên trượt ĐH do hầu hết các em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng xét tuyển (lại đăng ký trường khối Công an có đặc thù); số chỉ tiêu xét tuyển căn cứ điểm thi tốt nghiệp THPT của các trường trên rất ít trong khi số thí sinh đăng ký quá đông. Như vậy, đạt điểm cao mà cơ hội vào ĐH vẫn rất mong manh, rõ ràng hiện tượng không bình thường này đã đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm cho những người làm công tác quản lý giáo dục, cho phụ huynh, thí sinh và toàn xã hội.

Năm nay, cả nước có 30 mã ngành lấy điểm chuẩn cao hơn năm 2020 từ 9-11 điểm; có 265 ngành tăng từ 5 điểm trở lên, chiếm 8%. Mức tăng này gây sốc với nhiều thí sinh bởi 26 - 27 điểm vẫn có thể rớt hàng chục nguyện vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngấp nghé 30 điểm, 61 thí sinh vẫn trượt đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO