Ngày 17/3: Ca Covid-19 giảm nhẹ, chỉ còn 3 F0 đang thở máy

P.Vân 17/03/2023 18:18

Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 17/3 của Bộ Y tế cho biết, có 11 ca mắc mới, giảm nhẹ so với ngày trước đó; trong ngày có 6 bệnh nhân khỏi và 3 ca nặng đang điều trị, giảm nhẹ so với hôm qua.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.527.110 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.490 ca nhiễm).

Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua

Tình hình điều trị Covid-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6 ca

Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.614.841 ca

2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 3 ca, trong đó:

Thở ô xy qua mặt nạ: 3 ca

Thở ô xy dòng cao HFNC: 0 ca

Thở máy không xâm lấn: 0 ca

Thở máy xâm lấn: 0 ca

ECMO: 0 ca

3. Số bệnh nhân tử vong:

Ngày 16/3 ghi nhận 0 ca tử vong.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 0 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Tình hình tiêm vaccine Covid-19

Trong ngày 16/3 có 9.447 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 265.879.069 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.365.673 liều: Mũi 1 là 70.907.099 liều; Mũi 2 là 68.447.764 liều; Mũi bổ sung là 14.370.043 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.961.838 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.678.929 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.964.814 liều: Mũi 1 là 9.130.472 liều; Mũi 2 là 9.021.054 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.548.582 liều: Mũi 1 là 10.180.502 liều; Mũi 2 là 8.368.080 liều.

Bé gái chào đời cùng dây rốn thắt nút hiếm gặp

Em bé chào đời với dây rốn thắt nút hiếm gặp.

Theo SKĐS, sáng 15/3, Khoa Phụ sản Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam đã tiếp nhận thai phụ V.T.T.T, 32 tuổi, mang thai lần 2 có biểu hiện suy thai cấp.

Trong quá trình phẫu thuật, ekip phẫu thuật đã phát hiện, thai nhi bị dây rốn thắt nút hiếm gặp. Bằng kinh nghiệm chuyên môn, các bác sĩ đã quyết định mổ cấp cứu kịp thời, cứu được mẹ con sản phụ, đặc biệt là thai nhi khỏi suy thai, ngạt khi sinh, thậm chí có thể tử vong. Hiện tại, tình trạng mẹ và bé ổn định, bé bú mẹ tốt.

Theo BSCKII. Nguyễn Đức Hùng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam, dây rốn là cầu nối duy nhất giữa người mẹ và thai nhi, đóng vai trò vận chuyển oxy và mang dưỡng chất nuôi dưỡng bào thai khi thai còn nằm trong bụng mẹ. Khi dây rốn bị thắt nút, sẽ làm cản trở quá trình vận chuyển máu và oxy, thai nhi không được nhận đủ hoặc bị chặn dưỡng khí và chất dinh dưỡng sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm. Mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào mức độ thắt lỏng hoặc chặt của dây rốn.

"Các biến chứng dây rốn thắt nút tuy hiếm gặp nhưng là khả năng có thể xảy ra trước và trong khi sinh. Thắt nút dây rốn chiếm tỷ lệ từ 0,3% - 2,2% các ca mang thai nhưng tỷ lệ tử vong cho thai nhi cao gấp 4 lần so với thai kỳ bình thường, đòi hỏi nhân viên y tế phải theo dõi sát cử động của thai nhi. Thông thường, các ca thắt nút dây rốn phải được cấp cứu ngay lập tức để ngăn chặn thai chết lưu trong tử cung", BSCKII Nguyễn Đức Hùng Sơn cho biết.

Dây rốn thắt nút khó phát hiện qua thăm khám hay siêu âm trong quá trình mang thai, những tháng đầu thai kỳ có thể thấy dây rốn thắt nút qua siêu âm, nhưng không phải trường hợp nào cũng quan sát được. Khi thai kỳ càng lớn dây rốn sẽ dài hơn và thai nhi lớn hơn, dễ che khuất các nút thắt, bác sĩ khó phát hiện hơn. Dây rốn thắt nút hiện tại vẫn là một khó khăn trong chẩn đoán trước sinh, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở. Khi thai nhi còn trong tử cung, không thể chẩn đoán được dây rốn có bị thắt nút hay không mà chỉ có thể nghĩ đến khả năng sản phụ có hiện tượng suy thai cấp, thậm chí là mất tim thai đột ngột. Hầu hết trường hợp dây rốn thắt nút được chỉ định sinh mổ, sản phụ sẽ rất nguy hiểm nếu sinh tự nhiên.

Dây rốn thắt nút không có cách để phòng tránh. Nguyên nhân dẫn đến thắt nút dây rốn là do trong quá trình thai nhi vận động trong buồng ối, bé đã vô tình thắt và kéo dây rốn tạo thành nút thắt. Các yếu tố tăng nguy cơ thắt nút dây rốn ở thai nhi có thể kể đến bao gồm: Dây rốn của thai nhi quá dài, kích thước thai khá nhỏ, đa ối, thai nhi có tính hiếu động, thai phụ sinh nhiều trước đó, bị tiểu đường thai kỳ hay người mẹ sử dụng chất kích thích khi mang thai, đa thai…

Do đó để giảm các biến chứng của dây rốn thắt nút, thai phụ cần đi khám thai và siêu âm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi sát cử động của thai nhi. Từ tuần 28-35, sản phụ cần theo dõi cử động của thai nhi bằng monitor sản khoa để có thể phát hiện sớm trường hợp suy thai, kịp thời xử trí giúp em bé chào đời an toàn. Ngoài ra, các mẹ bầu nên chọn các cơ sở y tế uy tín, đặc biệt là các cơ sở y tế có sự kết hợp giữa Khoa Sản và Hồi sức sơ sinh để trẻ sơ sinh sau khi chào đời được chăm sóc toàn diện, xử trí kịp thời bất thường trong thời kỳ mang thai và khi chuyển dạ một cách nhanh chóng, để mẹ và bé có được một thai kỳ an toàn nhất - BSCKII. Nguyễn Đức Hùng Sơn lưu ý thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày 17/3: Ca Covid-19 giảm nhẹ, chỉ còn 3 F0 đang thở máy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO