Ngày đầu điều chỉnh giấy đi đường: Vẫn siết chặt người vào 'vùng đỏ'

NAM ANH 08/09/2021 13:30

Trong ngày đầu Hà Nội thực hiện điều đỉnh giấy đi đường, được dùng cả mẫu cũ và mới, các điểm chốt ra vào "vùng đỏ" vẫn thực hiện nghiêm và siết chặt tất cả các trường hợp tham gia giao thông qua chốt.

Chốt "vùng đỏ" trên Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Hà An.

Theo kế hoạch, từ sáng ngày 8/9, sẽ xử lý nghiêm người vào “vùng đỏ” không có giấy đi đường mới. Tuy nhiên, trong quyết định mới nhất, Hà Nội điều đỉnh giấy đi đường, được dùng cả mẫu cũ và mới.

Cụ thể, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng có yêu cầu UBND TP điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường, gộp 2 mẫu giấy mới và cũ làm 1, người dân được đi xuyên vùng và đúng điểm đến. Thông báo được phát đi vào tối ngày 7/9.

Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.

Đặc biệt, chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

Qua ghi nhận của Đại Đoàn Kết Online trong sáng ngày 8/9, thì tình trạng ùn tắc tại điểm chốt ra vào “vùng đỏ” gần như là không còn xảy ra như ngày 6/9 trước đó. Tình trạng người dân tham gia giao thông mà không đem theo giấy đi đường qua chốt là rất hãn hữu.

Tại các điểm chốt ra vào “vùng đỏ” như chốt trên đường 32 (quận Nam Từ Liêm), điểm chốt Cầu Diễn, điểm chốt phố Trịnh Văn Bô – Phúc Diễn, Đại lộ Thăng Long, chân cầu vượt An Khánh, Đại lộ Võ Văn Kiệt (huyện Đông Anh), điểm chốt cầu Thạch Bích (Quốc lộ 21B, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai), điểm chốt cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Quánh Gánh, cầu Mai Lĩnh, cầu Quán Gánh…

Đây đều là những điểm chốt với mật độ lưu lượng người tham gia giao thông rất cao, do lực lượng liên ngành gồm cảnh sát giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô ứng trực, tham gia điều hành, giám sát công tác phòng, chống dịch.

Ghi nhận, tất cả người dân khi tham gia giao thông qua chốt kiểm soát cầu Vĩnh Tuy đều được đo thân nhiệt và bắt buộc phải kiểm tra giấy tờ. Người dân có giấy tờ hợp lệ, ra ngoài khi có việc cần thiết là điều kiện bắt buộc khi qua chốt cầu Vĩnh Tuy và đi xuyên vùng.

Được biết, từ thời điểm 6h sáng, lực lượng chức năng liên ngành ở chốt cầu Vĩnh Tuy đã tiến hành kiểm soát chặt giấy đi đường của người dân.

Còn tại chốt Cầu Diễn (đường 32, quận Nam Từ Liêm), lực lượng liên ngành phát hiện một trường hợp người dân sử dụng giấy đi đường mẫu mới. Tuy nhiên mẫu giấy này bị nghi làm giả, nên lực lượng liên ngành tại chốt Cầu Diễn đã bàn giao vụ việc cho công an phường sở tại để điều tra làm rõ.

Nhiều người dân qua chốt "vùng đỏ" được phép dùng mẫu giấy đi đường cũ. Ảnh: Nam Anh.

Người dân mệt mỏi với quyết định thay đổi giấy đi đường

Sáng ngày 8/9, khi lưu thông qua chốt cầu Chương Dương, chị Thanh Hằng (38 tuổi, nhà ở huyện Gia Lâm) phụ trách kế toán của một công ty kinh doanh thực phẩm sạch ở địa bàn quận Hai Bà Trưng, cho hay, gần như cả buổi chiều và đầu giờ tối qua, chị phải liên tục chạy đi chạy lại giữa nhà và trụ sở phường để hoàn tất thủ tục xin cấp giấy đi đường.

Nhưng đúng lúc đang mệt mỏi và lo lắng nhất vì không biết mình có được cấp giấy hay không, thì chị đọc được thông tin trên báo, TP Hà Nội điều chỉnh giấy đi đường, được dùng cả mẫu giấy cũ lẫn mẫu giấy mới. Và ít phút sau thì chị được cảnh sát khu vực thông báo thông tin kể trên.

Vẻ mặt lộ rõ bức xúc, chị Thanh Hằng cho biết, trước đó chị đã bỏ bao công sức để làm hồ sơ thật kỹ lưỡng, rồi đi lại bổ sung những thông tin cần thiết theo yêu cầu của cán bộ chức năng. Rồi thấp thỏm lo âu, vậy mà đùng một cái, TP Hà Nội lại ra thông báo vẫn được dùng mẫu giấy cũ.

Chốt "vùng đỏ" Cầu Diễn trong sáng nay. Ảnh: Nam Anh.

Không chỉ có chị Thanh Hằng, mà trong buổi sáng tại nhiều điểm chốt ra vào “vùng đỏ”, chúng tôi ghi nhận những ý kiến phản ánh, đi kèm nỗi bức xúc về lần ban hành quyết định sử dụng mẫu giấy mới và thay đổi vào giờ phút cuối. Bởi theo những người này, trước đó một vài ngày, họ đã phải bỏ công sức, kèm sự lo lắng trong những bộ hồ sơ cấp giấy đi đường nộp tại trụ sở công an phường sở tại.

Được biết, chỉ trong vòng 46 ngày, khi mà người dân Thủ đô thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, TP Hà Nội đã nhiều lần thay đổi hình thức cấp giấy đi đường. Và cũng là lần thứ hai thực hiện việc điều chỉnh quy định chỉ sau vài ngày ban hành.

Cụ thể, ngày 29/7, TP Hà Nội lần đầu ban hành. Tới tối ngày 8/8, TP Hà Nội ra thông báo điều chỉnh quy định cấp giấy, yêu cầu người đi đường ngoài xác nhận của ủy ban phường và cơ quan, cần thêm lịch trực, lịch làm việc của cơ quan. Nhưng chỉ hơn 24 giờ sau, TP Hà Nội hủy bỏ yêu cầu xin dấu phường kèm lịch trực, lịch làm việc.

Tới ngày 3/9, Công an Hà Nội đề xuất chủ trì cấp giấy đi lại có mã QR Code cho những người đủ điều kiện ra đường, thực hiện từ 6/9. Thủ tục khiến người cần cấp giấy bối rối, gặp lỗi khi gửi email hoặc vẫn phải chờ đến khuya để xin giấy. Đến tối ngày 7/9, TP Hà Nội thông báo tiếp tục dùng mẫu cũ lẫn mới.

Theo thống kê, với lần ban hành mẫu giấy đi đường mới lần này, tính đến ngày 6/9, chỉ riêng nhóm đi đường do cảnh sát giao thông phụ trách cấp, lực lượng chức năng đã có hơn 80.000 giấy được phát ra liên quan hoạt động công ích và vận chuyển hàng hóa.

Công an các xã, phường cũng tiếp nhận hàng nghìn hồ sơ của nhóm 6. Các địa bàn có đông doanh nghiệp hoạt động như phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), công an phường xét duyệt hơn 600 hồ sơ đã qua sàng lọc cấp giấy cho 7.000 người; phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm) khoảng 400 hồ sơ... Nhiều đơn vị phải bố trí máy tính, cán bộ chia ca trực 24/24; ăn ngủ tại trụ sở phường, kể cả trưởng công an để kịp rà soát hồ sơ cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày đầu điều chỉnh giấy đi đường: Vẫn siết chặt người vào 'vùng đỏ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO