Ngày đầu thi THPT quốc gia 2019: Không căng thẳng

Minh Quang - Lam Nhi 25/06/2019 22:29

Ngày 25/6, thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã hoàn thành ngày thi đầu tiên. Theo ghi nhận ở cả 2 môn thi, cấu trúc đề thi tương đương với đề minh họa mà các em đã được tập dượt nhiều lần trước đó qua các kỳ khảo sát của các Sở GDĐT. Tuy nhiên, trong ngày thi đầu tiên, trên cả nước vẫn còn không ít thí sinh vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi.

Ngày đầu thi THPT quốc gia 2019: Không căng thẳng

Thí sinh dự thi môn Ngữ văn tại Hà Nội sáng 25/6. Ảnh: Quang Vinh.

Đề Văn là thử thách thú vị

Ngay sau khi kết thúc môn thi đầu tiên, nhiều giáo viên có chung nhận xét: Đề Ngữ văn phát huy được trải nghiệm của học sinh, gắn với thực tế cuộc sống, phát huy được tính sáng tạo của học sinh. Cho dù đề thi không quá khó, nhưng cũng là thử thách thú vị đối với thí sinh thông qua việc phân tích đoạn trích tác phẩm thơ “Trước biển” (tác giả Vũ Quần Phương). Cùng với đó là câu yêu cầu thí sinh nêu cảm nhận về hình ảnh sông Hương qua cách nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường (tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”).

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy - Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, đề cấu trúc tương đương với đề minh họa. Học sinh có thể làm bài không chỉ bằng kiến thức ở nhà trường, mà còn bằng những suy nghĩ, trải nghiệm của cá nhân. Với những học sinh có lực học trung bình, có thể giải quyết được đề bài ở mức độ 50- 60%.

Đề thi cũng đảm bảo yêu cầu về phân loại học sinh, những bài được điểm cao không chỉ đảm bảo đủ ý, mà còn phải thể hiện được năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ, năng lực liên hệ thực tế.

Còn theo nhận định của các giáo viên Tổ Ngữ văn - Hệ thống giáo dục HOCMAI: Đề thi chính thức môn Ngữ văn đảm bảo đúng cấu trúc mang tính thống nhất như mô hình đề từ năm 2017 với 2 phần là Đọc hiểu (3,0 điểm); Làm văn (7,0 điểm) chia thành 2 câu hỏi. Những ngữ liệu cho phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học có dung lượng vừa phải phù hợp với thời lượng 120 phút, có khả năng khơi gợi những suy nghĩ, xúc cảm mang giá trị nhân văn và có ý nghĩa thẩm mỹ sâu sắc cho học trò.

Đề Toán có tính phân loại cao

Chiều ngày 25/6 các thí sinh đã trải qua môn thi Toán. Đa phần giáo viên dạy Toán nhận xét, so với đề thi năm trước, đề thi Toán THPT quốc gia 2019 dễ hơn, học sinh mức độ trung bình phổ điểm có thể làm được từ 4-6 điểm, học sinh khá sẽ làm mức độ từ 5-7 điểm, mức độ điểm từ 8-10 sẽ nhiều hơn. Khả năng năm nay sẽ có nhiều học sinh đạt kết quả cao.

Theo thầy Bùi Mạnh Huấn- giáo viên Toán, Trường THPT Thăng Long (Hà Nội): Đây là một đề thi hay, đáp ứng yêu cầu “2 trong 1”. Đề thi có độ khó tương đương đề minh họa 2019. Học sinh ôn luyện cơ bản đã có thể đạt được điểm trung bình. Cụ thể, với mã đề 105, các câu hỏi được phân bổ theo độ khó tăng dần. Mức độ khó tập trung chủ yếu từ câu 41 đến câu 50 và kiến thức tập trung vào lớp 12. Đề bám sát kiến thức chuẩn, cơ bản và bám sát ma trận đề minh họa môn Toán 2019 của Bộ GDĐT. Có một số câu mang tính phân loại cao (10 câu cuối) dành cho học sinh có lực học giỏi và xuất sắc.

Còn thầy giáo Đinh Hữu Lâm- Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) nhận xét: Đề không có sự đánh đố học sinh. Trong đề có một số câu như câu 42, 43, 47, 50 là những câu hay, học sinh không cần phải tính toán nhiều mà chỉ cần có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đọc đồ thị (42, 43, 50) và có tư duy tưởng tượng về không gian (câu 47).

Đồng tình với nhận định trên, các thầy cô Tổ Toán - Hệ thống giáo dục HOCMAI cũng cho rằng, đề thi Toán bám sát nội dung hướng dẫn về tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2019 và đề thi tham khảo do Bộ GDĐT ban hành. Khoảng 30 câu hỏi đầu ở mức độ đơn giản với các dạng bài tương đối quen thuộc, học sinh có thể vượt qua 30 câu này một cách nhanh chóng. 20 câu hỏi còn lại bắt đầu nâng dần về độ khó và phân hóa theo từng cấp độ. Khoảng 10 câu hỏi cuối ở mức độ vận dụng cao, dành cho các thí sinh lấy điểm 8,9,10 như thông lệ hàng năm.

Ngày đầu thi THPT quốc gia 2019: Không căng thẳng - 1

Thí sinh trao đổi bài sau ngày thi đầu tiên, tại điểm trường Nguyễn Gia Thiều – Long Biên – Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Vẫn còn thí sinh cố tình phạm quy

Sáng ngày 25/6, ngay trước buổi thi môn đầu tiên, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên tinh thần thí sinh, cán bộ làm công tác thi THPT quốc gia 2019 tại điểm thi Trường THPT Cư M’Gar thuộc huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk. Kiểm tra một số phòng lưu giữ đề thi, bài làm thi tại điểm thi, Bộ trưởng lưu ý mọi người làm tốt vai trò của mình trong kỳ thi; mỗi người cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ, vị trí của mình, làm đúng quy chế... thì kỳ thi sẽ diễn ra tốt đẹp, an toàn.

Theo báo cáo nhanh từ Bộ GDĐT, kết thúc ngày thi thứ nhất, tổng số thí sinh vi phạm là 34 em, trong đó có 30 em bị đình chỉ thi. Có 2 cán bộ bị đình chỉ công tác coi thi.

Đáng chú ý, sáng 25/6, khi các thí sinh thi THPT quốc gia 2019 làm bài Ngữ văn được khoảng 2/3 thời gian, thì hơn 9h, đề thi môn này đã xuất hiện trên mạng xã hội. Đề thi này được cho là chụp bằng điện thoại di động ngay tại phòng thi, do thí sinh có số báo danh 150087XX tại một điểm thi huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) mang điện thoại vào sau đó chụp đề thi và đăng lên mạng xã hội. Về trường hợp này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, thí sinh đăng ảnh đề thi lên mạng là thí sinh tự do. Em này ngay sau đó đã bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi. 2 giám thị của phòng thi này, một đến từ Học viện Ngoại giao, một đến từ trường THPT Minh Hoà (Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng bị đình chỉ ngay sau đó. Đại diện Bộ GDĐT cho biết đề phát tán sau khi 2/3 thời gian làm bài đã diễn ra nên không ảnh hưởng tới kỳ thi. Tuy nhiên, công an đang vào cuộc để xác định nguyên nhân và động cơ tung đề lên mạng của thí sinh này.

Hôm nay, 26/6, thí sinh sẽ tiếp tục thi Tổ hợp Khoa học Tự nhiên vào buổi sáng và thi môn Ngoại ngữ vào buổi chiều.

* Đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết

Trong quá trình đi kiểm tra thi tại một số điểm thi tại Hội đồng thi THPT quốc gia 2019 Ninh Bình, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) đặc biệt lưu ý các thầy cô không được chủ quan, và phải thực hiện quy chế thi một cách tỉ mỉ, chính xác. Cụ thể, trong quá trình làm nhiệm vụ, các thầy cô phải tuyệt đối tuân thủ 3 nguyên tắc bất di bất dịch. Thứ nhất, tuyệt đối không được che dấu thông tin, đặc biệt khi đang trong thời điểm đang coi thi. Khi xảy ra sự việc khác thường, thầy cô phải báo cáo lên lãnh đạo điểm thi thông qua các cán bộ giám sát. Thứ hai, phải xử lý tình huống đúng như quy chế đã quy định. Thứ ba, trong quá trình coi thi hay xử lý tình huống, bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày đầu thi THPT quốc gia 2019: Không căng thẳng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO