Ngày Gia đình Việt Nam (28/6): Hạnh phúc nằm ở văn hóa gia đình

HOÀI VŨ (thực hiện) 28/06/2022 07:33

Gia đình là tế bào của xã hội. Không chỉ là nơi duy trì nòi giống mà còn là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên quá trình hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến mỗi gia đình. Những gia đình thời @ đang làm biến đổi sâu sắc xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã dành cho Tinh hoa Việt một cuộc trao đổi.

Ông Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quang Vinh.

Tính bền vững trước thời 4.0

PV: Thưa ông, gia đình là tế bào của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Thế nhưng hiện nay gia đình cũng đang đối mặt với các thách thức lớn, rạn vỡ, và tình hình vi phạm pháp luật của mỗi thành viên trong gia đình đang có chiều hướng gia tăng. Cá nhân ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông PHẠM VĂN HÒA: Trước tiên phải khẳng định gia đình là vấn đề quan trọng của đất nước. Khi bàn thảo về Bộ luật Lao động sửa đổi, đã có nhiều ý kiến đề nghị lấy Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là ngày nghỉ của cán bộ công chức, viên chức, người lao động để mọi thành viên trong gia đình có thể vui vầy bên nhau.

Bởi Ngày Gia đình Việt Nam cũng là ngày để chúng ta tôn vinh, phát huy truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình, mỗi thành viên trong gia đình. Làm sao để cho mọi gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và phát triển. Ông bà, cha mẹ, con cái, các thành viên trong gia đình ăn ở, học hành hòa thuận thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ. Đó là mục đích cao cả nhất của gia đình Việt Nam chúng ta.

Suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ gia đình Việt Nam luôn cùng nhau sống êm ấm, tiến bộ, đóng góp cho xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và sự nghiệp đổi mới đất nước Đảng luôn xác định, gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng gây ra những tác động không nhỏ đến đời sống gia đình. Việc bùng nổ các thiết bị thông minh như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh khiến cá nhân “chìm đắm” trong thế giới ảo, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội ít nhiều bị đảo lộn đối với thế hệ trẻ. Từ đó đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại, bền vững của các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít gia đình “mất” hạnh phúc, có hành động, lời nói, thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, bạo lực trong gia đình, bạo lực ngoài xã hội, vi phạm pháp luật. Có những gia đình có con cái không được học hành “đến nơi đến chốn”, vi phạm trật tự xã hội, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng lớn và tạo nên sự nhức nhối trong toàn xã hội. Đây là nỗi trăn trở của cả hệ thống chính trị, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng gây ra những tác động không nhỏ đến đời sống gia đình. Việc bùng nổ các thiết bị thông minh như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh khiến cá nhân “chìm đắm” trong thế giới ảo, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội ít nhiều bị đảo lộn đối với thế hệ trẻ. Từ đó đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại, bền vững của các thành viên trong gia đình.

Thực ra không chỉ đến thời 4.0 mà trước đó thì các mối quan hệ đã bị đảo lộn?

- Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng nguyên nhân sâu xa thì về chủ quan là do nhận thức. Ý thức của mỗi thành viên trong gia đình, ý thức, nhận thức của “người đứng đầu trong gia đình” không còn là “đầu tàu”, là gương mẫu. Tôi nói ví dụ, ông bà, cha mẹ muốn con cái nghe theo lời mình thì trước tiên mình phải gương mẫu. Cha mẹ chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hòa nhã với hàng xóm, hiếu thảo với chính cha mẹ mình thì sẽ là tấm gương cho các con noi theo. Thế nhưng nếu có lời lẽ, hành động bạo lực vũ phu, lớn tiếng, thậm chí mắng chửi con cái thì sẽ dẫn đến việc con cái bất mãn, chán nản.

Còn về mặt khách quan thì các đoàn thể chính trị tại địa phương chưa quan tâm đúng mức tới từng gia đình. Mọi việc đều phải bắt đầu từ cơ sở, vì gia đình sinh sống tại cơ sở, tại thôn, xóm, bản làng, tổ dân phố. Chưa kịp thời nắm, hoặc lập danh sách những gia đình hay bạo lực, vi phạm pháp luật, “bất hảo” trong xã hội để uốn nắn, giáo dục giúp đỡ họ ngay từ đầu. Những gia đình “bất hảo”, mất hạnh phúc, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội thường rơi vào các gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Việc chính quyền cơ sở chưa nắm cũng như giúp đỡ họ ngay từ đầu phần nào khiến cho các gia đình bị trượt dài và vi phạm nhiều hơn.

Bữa cơm gia đình.

Đừng phó mặc cho nhà trường, xã hội

Một yếu tố quan trọng để hình thành nhân cách con người bên cạnh giáo dục trong gia đình đó là giáo dục trong nhà trường. Nhưng thực tế nhiều gia đình cũng đẩy cho nhà trường?

- Đúng vậy. Trong thực tiễn cuộc sống có nhiều gia đình phó mặc cho xã hội, cho nhà trường, uốn nắn cỡ nào cũng không thuyên giảm được. Đặc biệt là những gia đình có con em thiếu niên, bỏ học, sa vào tệ nạn xã hội. Cho nên đó là nhức nhối của mỗi gia đình và nhức nhối của toàn xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội. Các tế bào bị thương, bị ung nhọt thì xã hội sẽ bị ung nhọt theo.

Gia đình là tế bào của xã hội nhưng theo tôi trước tiên gia đình phải là “tế bào của thôn, xóm, bản, làng, ấp, tổ dân phố”. Từng gia đình tốt thì bản, làng, thôn, xóm sẽ tốt. Có cá nhân tốt thì gia đình mới tốt. Chỉ cần từng thôn, xóm, bản làng tốt nhân rộng ra thì toàn xã hội sẽ tốt. Do đó từng “tế bào nhỏ” là các thành viên trong gia đình phải có ý thức quan tâm, thương yêu giúp đỡ nhau. Nếu phó mặc cho xã hội, cho nhà trường thì con cái không thể nào tốt và có trách nhiệm với gia đình.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng đó là chúng ta đang xem nhẹ yếu tố văn hóa?

- Quan điểm của tôi thì khác. Như tôi đã nói ở trên, Đảng, nhà nước luôn quan tâm chăm lo tới đời sống tinh thần và văn hóa chứ không xem nhẹ. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và sự nghiệp đổi mới đất nước Đảng luôn xác định, gia đình là tế bào của xã hội. Đặc biệt, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”. Chưa kể nhiều văn bản luật cũng kịp thời ban hành như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, cùng các thông tư, nghị định, pháp lệnh hướng dẫn thi hành, đảm bảo những điều kiện tốt nhất để mọi gia đình đều được tôn trọng, bình đẳng, đều có cơ hội phát triển.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về công tác gia đình thì thời gian qua, nhiều phong trào thi đua nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình đã được các địa phương triển khai, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình. Nói vậy để thấy trong thời gian qua bên cạnh phát triển kinh tế, chúng ta cũng chăm lo cho phát triển văn hóa chứ không hề xem nhẹ. Văn hóa là yếu tố tinh thần, đòn bẩy để phát triển kinh tế.

Văn hóa không chỉ học hành, học vấn mà còn có văn hóa gia đình, ngoại giao, đạo đức xã hội. Chúng ta cũng quan tâm chăm sóc nhưng do yếu tố kinh tế thị trường phát sinh nên dẫn đến một vài giá trị bị đảo lộn. Trước kia trong gia đình, anh em ở với nhau từng miếng cơm manh áo chia làm đôi, chia năm sẻ bảy. Nhưng bây giờ khi có gia đình rồi thì lo cho gia đình riêng của mình, ít giúp đỡ nhau. Có mảnh đất cha mẹ để lại còn tranh giành, thậm chí đánh nhau dẫn đến tù tội. Từ đó mất đi hạnh phúc gia đình, làm suy giảm phẩm giá, đạo đức gia đình của từng con người với nhau.

Chúng ta đừng đổ lỗi cho phát triển kinh tế. Bởi kinh tế phát triển thì trình độ, học thức của mỗi con người, mỗi cá nhân trong gia đình cũng được nâng lên. Việc ngay bản thân mỗi con người không tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình, đối với xã hội mà đổ thừa cho Nhà nước là chưa đúng. Vì Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm để phát triển đồng bộ các yếu tố chứ không xem nhẹ yếu tố nào.

Bạo lực trong gia đình khiến nhiều trẻ em tự tử và tự kỷ. Gia đình vốn là nơi an toàn giờ lại trở thành áp lực, thực tế đó theo đánh giá của ông như thế nào?

- Áp lực trong gia đình, áp lực trong cuộc sống, áp lực trong học hành đang khiến nhiều trẻ em tự ti với bạn bè. Bạn bè có cuộc sống sung sướng còn gia đình mình nghèo khó. Bạn có xe mới, cặp mới, học hành còn mình thì không được như vậy, còn bị bố mẹ rầy la. Chưa kể không chỉ áp lực trong gia đình mà còn bị áp lực từ ngoài xã hội nữa. Tuổi trẻ bây giờ hay so sánh và nhìn vào bản thân, vào gia đình, và cảm thấy hụt hẫng, thiếu thốn. Cho nên sinh ra tự ti, mặc cảm, stress. Từ đó dẫn đến nhiều trẻ em bỏ nhà ra đi lang thang, tự tử, trầm cảm, vi phạm pháp luật, sa vào thói hư tật xấu. Như vậy là rất nguy hiểm.

Chúng ta thấy rằng hiện tội phạm đang ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là tội phạm vi phạm pháp luật hình sự. Theo thống kê, tội phạm nằm ở lứa tuổi thanh thiếu niên vi phạm hình sự đang chiếm hơn nửa tội phạm vi phạm pháp luật. Đó là điều rất nhức nhối cho quản lý nhà nước và các cấp chính quyền hiện nay.

Ăn cơm… shipper

Bữa cơm gia đình vốn là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình nhưng giờ đây bữa cơm gia đình lại trở thành điều “xa xỉ”?

- Hồi xưa bữa cơm gia đình quây quần đầy đủ ông bà, cha mẹ, con cái. Mặc dù bữa ăn đạm bạc nhưng các thành viên trong gia đình cùng nói chuyện vui vẻ. Thậm chí phải chờ đầy đủ các thành viên trong gia đình mới cùng nhau ăn cơm. Đó là sự ấm áp trong gia đình.

Dẫu có nghèo khó nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Các thành viên trong gia đình thương yêu và giúp đỡ nhau tạo mọi điều kiện cho nhau. Nhưng bây giờ, ngay cả trong gia đình tri thức, công chức, viên chức thì ăn cơm cũng khác nhau. Bây giờ chỉ có nông thôn vẫn còn duy trì ăn cơm cùng nhau, còn tại thành thị, đô thị có tình trạng “ai thích ăn gì ăn nấy”, gọi đồ ăn mang đến. Con cái đi học không về nhà ăn cơm mà ăn ở ngoài, sau đó mới về nhà. Bữa cơm gia đình Việt Nam dần dần bị mai một, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng anh em, cha mẹ, ông bà, con cái trong gia đình chưa thể hiện tình thương yêu giúp đỡ, uốn nắn, đùm bọc tạo tâm lý hồ hởi, phấn khởi chia sẻ trong bữa cơm gia đình.

Thậm chí mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không như xưa, mà còn kiện cáo nhau, tình thân đã trở thành quan hệ đối đầu, thưa ông?

- Trong các sự việc trên, phần lớn kiện cáo nhau là do đất đai. Trước kia đất giá trị ít, nhưng giờ đất đai giá trị cao, từ đó dẫn đến kiện cáo nhau về quyền lợi. Cha mẹ kiện con cái, anh em kiện nhau. Thậm chí, ông bà đi kiện chính con cháu của mình. Xã hội giờ có những gia đình mất đi đạo đức, lối sống. Đạo đức trong gia đình đã dần phai nhạt, phai mờ. Cuộc sống của mỗi anh em trong gia đình không còn thương yêu, đùm bọc giúp đỡ nhau như ngày xưa.

Tại khu vực thành thị đã hình thành xu hướng nhà nào biết nhà đó. Thực tế đó giờ không phải là cá biệt, thưa ông?

- Gia đình sát nhau, nhất là ở đô thị sát nhau mà không biết nhà kế bên là ai, cùng nhà cùng vách mà không biết làm gì, ở đâu? Ở vùng nông thôn còn tình làng nghĩa xóm, có sự hiểu biết lẫn nhau. Nhưng ở khu vực thành thị lại khác. Bây giờ xã hội hóa, cuộc sống không còn như xưa, tình làng nghĩa xóm, mối quan hệ giữa gia đình với nhau đã phai nhạt.

Hạnh phúc nằm ở văn hóa gia đình

Từ thực tế hiện nay theo ông hệ thống pháp luật về gia đình của chúng ta có cần điều chỉnh?

- Hệ thống pháp luật chúng ta đã ban hành khá đầy đủ… Điều cốt lõi bên trong hạnh phúc của mỗi gia đình nằm ở yếu tố văn hóa chứ không nằm ở việc có nhiều văn bản, giấy tờ. Cuộc sống bình dị không nhất thiết nhiều văn bản giấy tờ quy định. Tôi nói thí dụ “ông bà gương mẫu”, “cha mẹ mẫu mực” để “con cái noi theo” đâu cần luật gì điều chỉnh. Gia đình tốt thì làng xóm tốt, thôn xóm tốt cả xã, huyện, tỉnh tốt. Tôi nghĩ việc đó rất bình thường, giản dị mà ông cha ta đã tổng kết từ ngàn năm nay rồi chứ không gì mới mẻ. Đây là lĩnh vực về mặt tinh thần, là ưu tiên số một chứ không chỉ mỗi vấn đề pháp luật.

Vậy sự nêu gương của các bậc lớn tuổi trong gia đình là điều quan trọng đầu tiên?

- Tôi cho rằng, ông bà, cha mẹ, hay người lớn tuổi trong gia đình phải trở thành tấm gương cho các thế sau. Như thế gia đình sẽ ổn định, hạnh phúc. Thực tế minh chứng rằng, các gia đình có ông bà, cha mẹ làm gương thì gia đình đó sẽ tốt. Còn gia đình mà người lớn không làm gương, vi phạm pháp luật thì sẽ tác động lớn tới suy nghĩ và hành động của con cháu.

Gia đình không dạy dỗ, ra ngoài xã hội không được uốn nắn, giáo dục thì dễ sa ngã. Vì vậy điều cốt lõi trong mỗi gia đình phải làm sao tuyên truyền, vận động để “ông bà gương mẫu”, “cha mẹ mẫu mực”, “con cái noi theo”. Việc tuyên dương các “gia đình kiểu mẫu” để nhân rộng, lan tỏa những tấm gương trong xã hội. Như vậy mỗi gia đình sẽ tốt hơn trong xã hội.

Thực hiện tốt an sinh xã hội

Để mỗi gia đình trở thành tế bào tốt thì không chỉ mỗi gia đình mà sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể tại cơ sở là một trong những nhân tố quan trọng, thưa ông?

- Cốt lõi là nhận thức của các thành viên trong gia đình. Còn khách quan là sự giúp đỡ của xóm, thôn, xóm ấp, chính quyền địa phương, MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể. Đó là mối liên kết như chúng ta nói mối liên kết giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong vấn đề giáo dục vậy. Trong gia đình trước hết là sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình, liên kết với thôn xóm, bản làng, liên kết với hệ thống chính trị. Các mối liên hệ đó biện chứng với nhau, kết lại với nhau thì tôi tin rằng từng gia đình Việt Nam chúng ta sẽ tốt và ổn hơn.

Bên cạnh đó, các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vận động gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Bởi ở cơ sở nắm và có danh sách những gia đình “bất hảo”.

Từ đó uốn nắm giáo dục, động viên để họ trở thành người tốt. Đa phần những gia đình đó đều rơi vào diện gia đình nghèo khó, có hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta có các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phụ nữ, thanh niên thì giúp đỡ họ để họ có công ăn việc làm, cho vay vốn, rồi thuyết phục động viên tuân theo các quy định của pháp luật. Ở đâu người đứng đầu địa phương quan tâm đến người dân, đặc biệt là đời sống của người dân trên địa bàn từ đó có quan tâm giáo dục, giúp đỡ thì nơi đó tình hình tốt, không để xảy ra những vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an ninh xã hội tại địa phương.

Có lẽ trước tiên chúng ta cũng cần thay đổi từ việc bình xét gia đình văn hóa?

- Hiện giờ bình xét gia đình văn hóa có nhiều dấu hiệu mang tính hình thức. Gia đình nào quanh năm suốt tháng không vi phạm thì bình xét gia đình văn hóa. Còn gia đình nào có người nghiện hút, cờ bạc thì gia đình đó không được gia đình văn hóa.

Như vậy không xét trên đầy đủ các khía cạnh, và đó là hình thức. Vì nhiều gia đình văn hóa thì thôn, xóm đó được coi là thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa, xã phường văn hóa. Cho nên cốt yếu vẫn là nhận thức, ý thức của mỗi thành viên trong gia đình. Và Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để chúng ta nhìn lại, tôn vinh các giá trị trong gia đình, nhân rộng và lan tỏa những gia đình kiểu mẫu trong xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

Gia đình là tế bào của xã hội nhưng theo tôi trước tiên gia đình phải là “tế bào của thôn, xóm, bản, làng, ấp, tổ dân phố”. Từng gia đình tốt thì bản, làng, thôn, xóm sẽ tốt. Có cá nhân tốt thì gia đình mới tốt. Chỉ cần từng thôn, xóm, bản làng tốt nhân rộng ra thì toàn xã hội sẽ tốt. Do đó từng “tế bào nhỏ” là các thành viên trong gia đình phải có ý thức quan tâm, thương yêu giúp đỡ nhau. Nếu phó mặc cho xã hội, cho nhà trường thì con cái không thể nào tốt và có trách nhiệm với gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày Gia đình Việt Nam (28/6): Hạnh phúc nằm ở văn hóa gia đình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO