Ngày tri ân

Bắc Phong-Quang Vũ 27/07/2020 10:00

Dâng hoa tưởng niệm tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) vào dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nói: “Chúng ta mãi mãi không quên và không được phép quên những cống hiến, những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước, của hàng triệu người con ưu tú đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng và dân tộc ta”.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng quà cho 10 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (ngày 18/7/2020).

1. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Can Lộc thực sự là “túi bom” do máy bay Mỹ ném xuống. Những tưởng sự sống bị tiêu diệt hoàn toàn. Người ta nói rằng, nhiều năm sau khi chiến tranh đã đi qua, trong gió như vẫn còn mùi khói đạn bom…

Nơi đây có tới hơn 2.400 liệt sĩ, 2.700 thương binh, 185 Mẹ Việt Nam anh hùng - những người đã hiến dâng cho đất nước cả chồng, con, cháu của mình. Thời gian qua đi, khói súng đã tan, hố bom đã lấp, ruộng đồng đã xanh tươi, những ngôi nhà mới mọc lên nhưng hậu quả quá tàn khốc của chiến tranh vẫn dai dẳng như những vết thương không lành nên một số gia đình chính sách vẫn còn gặp khó khăn.

Bà Nguyễn Thu Hồng (67 tuổi, ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) từng tham gia dân công hỏa tuyến tại Quảng Trị năm 1972, là thương binh hạng 4/4. Bà có em gái là Nguyễn Thị An cũng tham gia thanh niên xung phong góp sức cho chiến trường. Hai chị em bà không lập gia đình, sống cùng nhau trong ngôi nhà tình nghĩa do các cấp và địa phương hỗ trợ. Đau ốm thường xuyên, không có việc làm ổn định nên cuộc sống của hai bà khá chật vật.

Trước sự hy sinh cao cả và hoàn cảnh hiện tại của hai bà, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn rất xúc động. Ông nói, thế hệ đi trước nói chung, lực lượng thanh niên cũng phong nói riêng đã không tiếc máu xương của mình giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thế hệ hôm nay sẽ luôn nhớ đến công ơn của các bậc cha anh đi trước, không ngừng cố gắng vun đắp, dựng xây đất nước ngày một giàu đẹp văn minh để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ trước.

Khi thăm gia đình ông Nguyễn Thế Vinh (xã Khánh Vĩnh), thương binh 4/4, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng với những ký ức hào hùng một thời người lính Cụ Hồ sẽ được truyền lại cho con cháu, cho thế hệ trẻ hôm nay, để mỗi người đều thấu hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do và mang hết sức mình xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc - Di tích lịch sử gắn liền với việc 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh trong một trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Ngã ba Đồng Lộc nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn, là một trong những điểm giao thông quan trọng tiếp tế của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nơi đây có một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe. Tiểu đội 4, Đại đội 552 (chốt chặn đoạn từ Cầu Tối trở vào Truông Kén khoảng 2 km, đặc biệt là 300 mét từ Cầu Tối đến Trường Thành) gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24 tuổi.

Trưa ngày 24/7/1968, như mọi ngày các chị đi làm nhiệm vụ. Vào lúc 16h30', trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom đã rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi các chị đang tránh bom. Tất cả đã qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa có chồng.

Dâng hoa tưởng niệm tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói: “Chúng ta mãi mãi không quên và không được phép quên những cống hiến, những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước, của hàng triệu người con ưu tú đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng và dân tộc ta”. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn xúc động chia sẻ, với đạo lý đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, trong những năm qua lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ngành các cấp đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang. Có biết bao chiến sĩ, đồng bào hy sinh vì sự nghiệp giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Cả nước có 1,2 triệu thương binh, liệt sĩ, gần 2 triệu gia đình có công với nước nhiễm chất độc da cam, tất cả đã hy sinh, đóng góp cho sự nghiệp chống giặc, giữ nước.

“Phải coi việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước”- Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu.

2. Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 là ngày Lễ kỷ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm, tri ân thương binh liệt sĩ đã hy sinh, mất mát qua những cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cũng là ngày đền ơn đáp nghĩa, ngày tri ân của toàn dân tộc đối với những người con ưu tú xả thân vì đất nước.

Đầu năm 1946, Hội Giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và một số nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm Hội trưởng danh dự của Hội Giúp binh sĩ tử nạn. Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “ mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội, Nha Thông tin tuyên truyền và đại diện một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Thái Nguyên), để thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn ngày kỷ niệm thương binh, liệt sĩ và bảo đảm công tác thương binh, liệt sĩ. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Và kể từ năm 1955, ngày 27/7- Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức hết lòng với thương binh, liệt sĩ. Người thường xuyên thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ. Tình cảm đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh, liệt sĩ là vô bờ bến.

Trong thư gửi Ban Thường trực Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, ngày 27/7/1947, Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe đọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”.

Người ân cần căn dặn, thương binh, liệt sĩ là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào. Vì thế Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy. Và ngày 27/7 là dịp để đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến, tri ân thương binh, liệt sĩ.

Trong thư thăm binh và bệnh binh tháng 7/1948, Người viết: “Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc, chẳng may bị thương, bị bệnh trước khi quân thù hoàn toàn bị tiêu diệt, kháng chiến được hoàn toàn thành công.

Chắc các đồng chí không khỏi phân vân. Nhưng các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên những người chiến sĩ kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn nhớ đến các đồng chí”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý anh em thương binh, bệnh binh chớ bi quan, chán nản, phải luôn luôn cố gắng. Câu nói “Các chú tàn nhưng không phế” của Người trong buổi đón giao thừa ở Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội năm 1956 vừa là lời nhắc, vừa là lời động viên các thương binh vươn lên khắc phục khó khăn, tiếp tục cống hiến cho nhân dân, cho đất nước.

Trong buổi lễ đặt vòng hoa tại Đài Liệt sĩ (Ba Đình, Hà Nội) ngày 31/12/1954, Người nói: “Các liệt sĩ hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng toàn dân và non sông đất nước. Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc đấu tranh đặng giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong nước. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ muôn đời lưu truyền sử xanh”…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày tri ân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO