Nghệ An: Đưa 'nhầm' 231 nhân khẩu vào Đề án dân tộc Ơ Đu

Điền Bắc 12/06/2020 07:25

Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An xây dựng “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016-2025”. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các đơn vị liên quan, đặc biệt là Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã đưa nhầm 231 nhân khẩu không phải người Ơ Đu vào trong đề án trình Chính phủ phê duyệt.

Nghệ An: Đưa 'nhầm' 231 nhân khẩu vào Đề án dân tộc Ơ Đu

Người Ơ Đu sinh sống tại bản Văng Môn.

Bảo tồn 1 tộc người

Theo khảo sát, dân tộc Ơ Đu (thuộc dân tộc dưới 1.000 người) hiện chỉ còn gần 600 người, sống chủ yếu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An) và được xác định đây một trong 5 tộc người có dân số ít nhất Việt Nam cần phải bảo tồn, lưu giữ. Nhưng hiện nay, tộc người Ơ Đu đang đứng trước nguy cơ mai một…

Đối với người Ơ Đu, họ có rất nhiều phong tục, quan niệm khác với các dân tộc còn lại. Trong đó, người trong cùng một dân tộc không được lấy nhau. Bởi vậy, con dâu, con rể của dân tộc này thường là người dân tộc Thái, Kinh, Khơ mú…

Ông Lô Văn Nghệ (76 tuổi) trú tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương cho biết: Lịch sử về dân tộc Ơ Đu đã có từ xa xưa, trước kia người Ơ Đu là một dân tộc hùng cường, phát triển. Nhưng rồi, trải qua những thăng trầm của thời cuộc, đến hôm nay chỉ còn một nhóm nhỏ. Cũng theo ông Nghệ, thực sự đến hôm nay, ngôn ngữ Ơ Đu còn lưu giữ rất ít, nó tồn tại dưới dạng những câu nói cơ bản hàng ngày và khó học. Không những vậy, do sống trong quần thể của nhiều dân tộc khác nên dân tộc Ơ Đu bị lai tạp, đồng hóa, văn hóa người Ơ Đu đang bị mai một dần.

Theo nghiên cứu thì lịch sử của dân tộc Ơ Đu trước kia thuộc Tiểu quốc Bồn Man, sống xung quanh lưu vực sông Nậm Nơn, Nậm Mộ và một phần trên đất Lào. Tộc người Ơ Đu sống bằng nghề làm ruộng, phát nương làm rẫy, đào đãi vàng, chài lưới và buôn bán trên sông tại những địa danh như Xiêng Tắm, Xiêng Lăm, Tạ Xiêng... Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, người Ơ Đu dần mai một.

Đưa nhầm hàng trăm người vào Đề án

Trước thực trạng đó, việc bảo tồn đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho tộc Ơ Đu là hết sức cần thiết. Do vậy, tháng 8/2017 UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 3829/QĐ-UBND xây dựng “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025” với tổng kinh phí 120 tỷ đồng. Mục đích của đề án nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu một cách bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.

Tuy nhiên, không hiểu quá trình xác minh, thẩm định như thế nào, tỉnh Nghệ An đã “đưa nhầm” 231 nhân khẩu của bản Đửa, xã Lượng Minh vào Đề án? Thực tế, bản làng này không có người Ơ Đu nào.

Cụ thể, Đề án đã khẳng định xã Lượng Minh có 45 hộ gia đình người Ơ Đu với 231 nhân khẩu, chủ yếu sống ở bản Đửa. Tuy nhiên, sau đó có dư luận ở bản Đửa không có hộ gia đình dân tộc Ơ Đu nào nên ngày 26/9/2019, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 577/BDT-CSDT về việc đề nghị đưa bản Đửa ra khỏi diện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 2086/TTg trình UBND tỉnh Nghệ An.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3869/QĐ-UBND đồng ý việc đưa bản Đửa ra khỏi danh sách thôn bản được hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội mà Đề án trước đó đã đưa ra.

Dư luận đặt câu hỏi, trước khi trình Chính phủ phê duyệt Đề án, tại sao Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An lại thể hiện sự cẩu thả khi không hề đi khảo sát thực tế mà vẫn đưa 231 người dân tộc khác vào Đề án phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc Ơ Đu. Động cơ, mục đích của việc làm trên của những người có trách nhiệm là gì?

Trao đổi với chúng tôi, ông Quang Văn Đặng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương vào thời điểm lập đề án cho biết: Nguyên nhân của việc đưa nhầm hơn 231 người dân ở bản Đửa vào đề án có lý do khách quan, trước hết là quá trình thẩm tra chúng tôi dựa vào sơ đồ phân bổ dân cư trên địa bàn. Ngoài ra, khi vào dân điều tra, lúc thì họ bảo người Ơ Đu, lúc thì nghĩ đến lịch sử bi thương của tộc người, họ lại bảo không phải.

“Vấn đề này, chúng tôi làm đi làm lại nhiều lần, và trước khi triển khai các chương trình đầu tư, chúng tôi thẩm tra lần nữa, đã quyết định đưa 231 nhân khẩu bản Đửa ra khỏi Đề án”- ông Đặng nói.

Theo thông tin chúng tôi có được, hiện Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đang vào cuộc làm rõ thông tin liên quan đến Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của người Ơ Đu. Được biết, Đề án hỗ trợ phát triển KT- XH dân tộc Ơ Đu, giai đoạn 2016 - 2025 được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt với tổng kinh phí 120 tỷ đồng, trong đó có 90% ngân sách hỗ trợ từ Trung ương. Tỉnh Nghệ An giao Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư quản lý thực hiện Đề án.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ An: Đưa 'nhầm' 231 nhân khẩu vào Đề án dân tộc Ơ Đu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO