Hơn 24 tỷ đồng được dùng để đầu tư cho tuyến đường dài hơn 6 km nối từ Quốc lộ 7A đến bản Diềm thuộc địa bàn xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An). Công trình này đến nay vẫn chưa được bàn giao, nhưng nền đường đã bị cày nát, nứt nẻ, sụt lún nghiêm trọng.
Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 7 đến bản Diềm do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 24 tỷ đồng, đường có chiều dài 6 km, được xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh, khởi công từ năm 2017. Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng nên phải đến năm 2019, dự án này mới bắt đầu được triển khai, dự án do huyện Con Cuông làm chủ đầu tư. Vậy nhưng, đến nay, sau gần một năm thi công, tuyến đường cơ bản hoàn thành, nhưng cũng là lúc đường bắt đầu sụt lún nghiêm trọng.
Cụ thể, theo quan sát của chúng tôi những ngày đầu tháng 10, khoảng hơn 5 km đường hướng từ bản Diềm ra Quốc lộ 7A (đoạn qua trung tâm xã Châu Khê) vừa mới cơ bản hoàn thiện, song trên mặt đường xuất hiện nhiều điểm bị bong tróc, nứt nẻ.
Đặc biệt, tại bản Bủng Xát, xã Châu Khê nơi bị hư hỏng nhiều nhất. Tại đây chúng tôi ghi nhận, mặt đường bong tróc, sụt lún, lõm xuống, có nhiều điểm nền đường bị cày nát, những vật liệu như đá, nhựa bị xới tung lên, đùn lại thành những ụ lớn.
“Xưa, tuyến đường này cũng lầy lội, đi lại rất vất vả. Tưởng chừng có đường nhựa sẽ sướng hơn, nhưng niềm vui chưa được là bao, đường chưa làm xong mà đã sụt lún, hư hỏng, Nhà nước thì mất tiền, làm đường mà cũng như không”, ông Thắng, người dân sống gần bên tuyến đường này cho biết.
Ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê, ông Thương cho biết: Tuyến đường này chạy qua xã Châu Khê được khởi công từ năm 2017, do quá trình giải phóng mặt bằng kéo dài nên cuối năm 2019 mới thi công.
“Khi hoàn thành, tuyến đường phục vụ nhu cầu đi lại cho 7 thôn bản với khoảng hơn 900 hộ dân, khoảng 4.000 nhân khẩu, chủ yếu đi qua các bản Diềm, Bủng Xát, Châu Định, Châu Sơn rồi ra Quốc lộ 7A. Quá trình thi công, mặc dù địa phương có ban giám sát cộng đồng, tuy nhiên nghiệp vụ hạn chế nên cũng không kham nổi”, ông Thương cho biết thêm.
Còn ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Ban QLDA huyện Con Cuông cho biết: Con đường này thuộc đường cấp 6 miền núi, với nền rộng 6m, mặt trải nhựa rộng 3,5 m. Công trình được khởi công từ năm 2017, dự kiến cuối năm 2020 sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng. Việc sụt lún được xác định do các xe tải chở vật liệu nặng phục vụ cho Nhà máy thủy điện Suối Choang khiến tuyến đường “oằn lưng” gánh chịu. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, do tuyến đường đang trong quá trình thi công, chưa bàn giao nên trách nhiệm tu sửa vẫn là của đơn vị thi công.
“Cũng vì chưa hoàn thành, nên chưa thể cắm biển báo về tốc độ và tải trọng, vì thế lực lượng công an không có căn cứ để xử phạt”, ông Tuấn cho biết thêm.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nhà thầu đang tiến hành thi công khoảng hơn 200 m đường còn lại. Dự kiến trong tuần này sẽ tổ chức cuộc họp 3 bên gồm: Đơn vị thi công, Ban Quản lý dự án và chủ đầu tư dự án thủy điện để xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan.
Trong khi đó, trao đổi về việc hư hỏng trên tuyến đường, ông Lê Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Minh Quang đổ trách nhiệm cho xe tải trọng lớn: “Việc đường hỏng khi chưa bàn giao là do xe tải trọng từ 40-50 tấn hằng ngày đi qua, chúng tôi đã 3 lần gửi văn bản đề nghị huyện phải cấm xe quá tải. Phần hư hỏng đó, chúng tôi đã sửa đi, sửa lại rất nhiều lần”.
Như vậy, một dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1 triệu USD, dù chưa bàn giao đã hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm của đơn vị nào thì dường như đang “bó tay” đối với chủ đầu tư.