Nghệ An: Nguồn nước ngầm cạn kiệt bất thường

Điền Bắc 25/02/2021 06:30

Nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân tại các bản Công, Na Hiêng ở xã Châu Hồng (Quỳ Hợp, Nghệ An) kêu cứu lên các cấp chính quyền vì nguồn nước ngầm bị cạn kiệt.

Theo người dân, nguyên nhân do một số đơn vị khai thác quặng “hút sạch” nước ngầm, khiến người dân “chết khát”.

Để có nước sử dụng, sáng ngày 24/2 ông Neo đã huy động con cháu đến “hạ giếng” tìm nước ngầm..

Hạ giếng tìm nước

Đó là hoàn cảnh của nhiều hộ gia đình tại bản Công, xã Châu Hồng trong gần 5 tháng qua. Kể từ đợt mưa vào tháng 8/2020 đến nay, nguồn nước sinh hoạt từ các giếng khoan, giếng đào bỗng dưng cạn kiệt, trơ đáy. Nhất là trong khoảng tháng 1/2021 tới hiện tại, tình trạng nước giếng bị hết nước trở nên phổ biến. Để có nước sử dụng, người dân đã phải chung nhau tiền, mua ống nhựa kéo nước từ các khe núi về tận gia đình để sử dụng.

Ông Vi Văn Thành (56 tuổi) trú tại bản Công cho biết, nhiều tháng nay nguồn nước ngầm của gia đình bị cạn trơ đáy. Ngày xưa, giếng chỉ đào 8 m là có nước, nay đào sâu tận 14 m nhưng vẫn không có. Hàng năm dù có hạn hán, nhưng cũng tầm ít ngày là có nước, nhưng năm nay nguồn nước ngầm cạn kiệt một cách bất thường. Cùng cảnh ngộ là gia đình ông Nguyễn Văn Liên (67 tuổi), hệ thống giếng đào của gia đình không có nước để sử dụng, bởi nguồn nước ngầm bị cạn sạch, trơ lại bùn. Nếu có thì chỉ hút chưa đầy 20 phút là hết nước.

“Trước kia, giếng đào của dân chúng tôi chỉ đào sâu từ 8-10 m là có nước (với mực nước từ 4-6 m) nhưng nay đào sâu hơn thế vẫn không có nước để dùng”- ông Thành than. Khi được hỏi, vì sao lại có hiện tượng trên, ông Liên cho rằng do các công ty khai thác quặng thiếc, quá trình vận hành, khai thác hút hết nguồn nước ngầm, khiến giếng của người dân không tích được nước.

Sau nhiều tháng phải xin nước từ hàng xóm, sáng ngày 24/2, ông Lương Văn Neo (70 tuổi) trú tại bản Công gọi con, cháu đến để “hạ giếng” bởi cái giếng đào đầy ắp nước ngày nào mà ông dùng mấy chục năm nay trở nên vô tác dụng. Loay hoay dưới đáy giếng, anh Lương Văn Cường (con trai ông Neo) đang hì hục đào bới, múc từng gàu đất đưa lên để hạ giếng xuống sâu hơn với suy nghĩ, đào khi nào có nước mới thôi. Theo thống kê, bản Công và bản Na Hiêng ảnh hưởng nặng nề nhất, cả 2 bản có khoảng gần 100 hộ gia đình bị cạn nước hoàn toàn. Còn lại là bị ảnh hưởng một phần, tuy nhiên cũng phải dùng dè xẻn.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Bảy - Trưởng bản Na Hương, xã Châu Hồng cho biết: Tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm xảy ra nhiều tháng nay. Bản có 140 hộ thì có đến 40 hộ nguồn nước ngầm cạn hoàn toàn, số hộ còn lại có ảnh hưởng một phần. “Riêng bản thân gia đình tôi cùng 4 gia đình nữa, chung tiền để kéo nước từ khe suối về sử dụng, chứ nước ngầm đã cạn” - ông Bảy chia sẻ.

Ngoài mất nước ngầm, tại 2 bản Công và Na Hiêng còn xuất hiện sụt lún đất, khiến người dân lo lắng.

Sụt lún khắp nơi

Không những hiện tượng nguồn nước ngầm cạn kiệt ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, mà trong hơn 2 tháng nay, xung quanh khu vực bản Công và bản Na Hiêng còn có hiện tượng sụt lún bất thường. Để an toàn, chính quyền sở tại đã cắm những biển cấm để hạn chế người dân qua lại các điểm sụt lún nói trên. Theo quan sát của chúng tôi vào sáng ngày 24/2, dưới chân một ngọn núi nằm tại bản Công, có một biển cấm: “Khu vực sụt lún, nguy hiểm cấm vào”. Xung quanh điểm sụn lút này, chính quyền địa phương phải rào lại bằng tre nứa, xung quanh là những vết nứt, để lộ điểm sụt lún rộng chừng 80-100 m2.

Cách đó không xa là điểm sụt lún tại bản Na Hiêng, nguyên mảnh ruộng chừng 500 m2 đã phải rào kín, xung quanh có 2 biển cấm vào vì sụt lún. Theo bà Vi Thị Sinh (73 tuổi) trú tại bản Na Hiêng cho biết: Điểm sụt lún này xuất hiện hơn 1 tháng nay, sâu hơn 2m.

“Dân chúng tôi giờ rất lo lắng, không biết sẽ có những điểm sụt lún nào nữa, Trước đây chưa bao giờ xuất hiện hiện tượng này, nhưng thời gian gần đây vừa sụt lún vừa mất nguồn nước ngầm, chúng tôi mong cơ quan chức năng có trả lời thỏa đáng để dân yên tâm” - bà Sinh nói.

Để rõ hơn, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo UBND xã Châu Hồng nhưng không nhận được hồi âm. Trao đổi với ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng TNMT huyện Quỳ Hợp, ông Hào cho biết: Phòng TNMT không phụ trách, mảng này của phòng Nông nghiệp. Trong khi đó, ông Quán Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Huyện đã nhận được phản ánh của người dân, hiện đang có báo cáo xuống tỉnh. Về những nguyên nhân mà dân phản ánh thì huyện không đủ chuyên môn để thẩm định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ An: Nguồn nước ngầm cạn kiệt bất thường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO