Nghề nuôi đà điểu hết thời

Tấn Thành - Chí Đại 03/08/2015 10:10

Cách đây 5 năm, người dân vùng ven biển Quảng Nam chọn nuôi đà điểu để xóa đói giảm nghèo. Nhưng thời gian gần đây người dân không còn mặn mà với mô hình này bởi khó tìm đầu ra.

Quảng Nam có điều kiện khí hậu, đất đai khá thích hợp cho việc nuôi đà điểu thương phẩm. Nuôi đà điểu cũng không sợ dịch bệnh. Bởi chính tại vùng đất này nhiều đợt dịch cúm gia cầm xảy ra, nhưng điểu vẫn không bị ảnh hưởng. Hơn nữa trước đây nuôi con này còn được cung cấp con giống và bao tiêu đầu ra.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương (63 tuổi) xã Tam Xuân II, huyện Núi Thành, Quảng Nam cho biết: Từ năm 2010 trang trại của tôi nuôi được 20 con đà điểu để bán thịt. Lúc bấy giờ không đủ đà điểu thương phẩm để cung cấp cho thị trường. Nuôi đà điểu trước đây còn được cung cấp con giống, chi phí ban đầu tư chuồng trại ít tốn kém, nhưng giá thành bán cao 1kg thịt đà điểu loại 1 lên tới 195.000 đồng.

Còn ông Nguyễn Thành Long, ở xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ nói: Trại đà điểu của tôi cách đây khoảng 5 năm là điểm tham quan học tập của không ít nông dân trong tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng giờ quá khó khăn.

Trước đây về các xã ven biển Quảng Nam thấy những chú đà điểu mạnh mẽ béo tròn, chứng tỏ chúng đang sinh trưởng tốt, thích nghi với môi trường vùng cát. Mô hình chăn nuôi đà điểu tại gia lúc bấy giờ là kỳ vọng để phát triển kinh tế cho các gia đình nghèo vùng cát Quảng Nam. Vì cung không đủ cầu, cho lợi nhuận cao hơn so với trồng hoa màu và thời gian thu hoạch nhanh hơn. Là một “mốt” mới trong chăn nuôi, nên ai ai cũng muốn và đầu tư nuôi đà điểu.

Thế nhưng hiện nay nghề nuôi đà điểu đã qua rồi cái thời hoàng kim. Bà Phương cho biết: Cố gắng giữ trang trại nuôi đà điểu, nhưng ngày càng khó khăn, đến năm 2014 tôi đã phải giã từ con này mà chuyển qua nuôi heo rừng. Nguyên nhân là do không được Trung tâm con giống đà điều bán con giống nữa. Chi phí ngày càng cao lại bí đầu ra và còn nhiều vấn đề khác.

Ông Nguyễn Đăng Hưởng Phó bí thư - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân II cho biết: Người dân từ bỏ con đà điểu là do chưa được chuyển đổi khoa học- kỹ thuật, không được đào tạo bài bản về kỷ năng chăm sóc nuôi đà điểu, đà điểu không phát triển khiến, đầu ra thị trường không ổn định, giá cả luôn bấp bênh khiến các hộ nuôi lỗ nặng.

Để phát triển mô hình này trở lại và phát huy hiệu quả, theo ông Hưởng, các cấp chính quyền cần tạo điều kiện giúp đỡ người dân có nguồn con giống, kỹ thuật nuôi đà điểu. Bên cạnh đó là những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân như vay vốn, tìm đầu ra sản phẩm ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề nuôi đà điểu hết thời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO