Nghi bị trầm cảm, nữ sinh lớp 12 tự tử tại nhà riêng

25/11/2020 12:17

Một nữ sinh lớp 12 tại một trường THPT ở Thủ Đức, TP HCM đã tự vẫn tại nhà nghi do bị trầm cảm. Trước đó, đã nhiều lần em học sinh này từng có ý định tự tử nhưng được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Ảnh minh họa.

Đại diện nhà trường xác nhận, một nữ sinh lớp 12 của trường tự vẫn tại nhà riêng trong ngày 20/11 vừa qua. Khi ở trường, em học sinh vẫn thể hiện mình là một học sinh năng động, mạnh mẽ, học lực tốt.... Qua bạn bè trong lớp, giáo viên, nhà trường mới biết em có những biểu hiện của căn bệnh trầm cảm ngay từ năm lớp 10.

Khi biết vấn đề của em, nhà trường đã trao đổi với phụ huynh, người thân của em để có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Nhưng sự việc đau lòng vẫn xảy ra. Trước đó, đã nhiều lần em học sinh này từng có ý định tự tử nhưng được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Chỉ riêng tại TP HCM, trong năm học 2019-2020 vừa qua, ít nhất có 4 học sinh tự vẫn. Trong đó, có hai chị em sinh đôi tại một trường quốc tế nhảy lầu tự vẫn tại nhà. Chưa kể, nhiều trường học học sinh tự tử "hụt" được phát hiện kịp thời.

Theo báo Tuổi trẻ, Bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TP HCM) cho biết: Cuộc sống hiện đại làm cho con người có nhiều mối lo toan, các thành viên trong gia đình đều rất bận rộn. Họ ít có thời gian dành cho nhau và cũng ít tâm sự, chia sẻ với nhau. Ngoài ra, sự hiểu biết về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng còn hạn chế nên thường bỏ qua những trường hợp người thân có ý tưởng tự tử.

Điều cần thiết phải làm khi phát hiện người thân có ý tưởng toan tự tử là nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa để khám và có những can thiệp y khoa phù hợp. Song song đó, sự nâng đỡ, lắng nghe của bạn bè và người thân hằng ngày chính là một "liều thuốc" vô cùng quan trọng, có thể giúp phát hiện và làm dịu đi ý tưởng tự tử...

Hành vi tự tử thường trải qua 3 giai đoạn gồm ý tưởng tự tử (có ý nghĩ muốn chết nhưng chưa hành động); mưu toan tự tử (có hành vi tự tử nhưng không thành công) và cuối cùng là tự tử (hành vi tự tử dẫn đến tử vong). Trong đời sống hằng ngày, có thể nhận biết một số dấu hiệu đánh giá một trường hợp toan tự tử là từ thổ lộ ý tưởng toan tự tử với người khác, có thể là người thân hoặc bạn bè.

Theo Bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Hiển, tự tử là một trạng thái bất ổn tâm lý có thể do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân tâm thần - tâm lý chiếm hầu hết các trường hợp (trên 80%). Trong nguyên nhân tâm thần - tâm lý thì trầm cảm chiếm tỉ lệ cao nhất, cùng với các bệnh lý khác như rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, nghiện chất…

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 40 giây có 1 người tự tử, hơn 2.000 ca mỗi ngày, hay 804.000 người tự tử mỗi năm. Trong số này, tỉ lệ toan tự tử ở nữ giới lớn hơn nam giới nhưng nam tử vong nhiều hơn nữ (do nam giới thường sử dụng hình thức tự tử quyết liệt và bạo lực hơn).

Trầm cảm là một triệu chứng rối loạn tâm trạng, gây ra cảm giác buồn chán và mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến cách cảm nhận, suy nghĩ, hành xử và có thể dẫn đến những vấn đề đa dạng về tinh thần và thể chất. Nếu nỗi buồn kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, nó có thể khiến người bệnh khó làm việc hoặc vui vẻ với gia đình hoặc bạn bè, thậm chí có những trường hợp nghiêm trọng, trầm cảm có thể dẫn người bệnh đến ý định tự tử.

Dấu hiệu thường gặp ở người trầm cảm:

  • Nét mặt luôn trầm buồn, chán nản, cảm thấy cô độc, lẻ loi.
  • Mất hết mọi hứng thú trong cuộc sống, đi đứng chậm, cảm giác nặng nề, mệt mỏi, như không còn sức khỏe làm việc, làm nhẹ cũng mau mệt, không thích gần gũi người thân, thấy mọi người, con cháu vui chơi cũng không quan tâm.
  • Ăn ít cảm giác không ngon miệng, lạt miệng.
  • Trằn trọc khó ngủ, thức dậy sớm, thèm ngủ mà không ngủ được, đôi khi ngủ được mà thức dậy không khỏe.
  • Đầu óc khó tập trung, do dự không “quyết” được, không đối phó được, hay quên
  • Hay than phiền nhức đầu, mỏi cổ, mỏi gáy, hồi hộp ép ngực, xoa bóp tay chân vì nhức mỏi, khám bác sĩ đa khoa hay mua thuốc uống không hết.
  • Có cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, có từng cơn sợ sệt nhưng lại dễ giận, quạu cọ.
  • Giao tiếp miễn cưỡng, né tránh lời thăm hỏi, gắng gượng làm hết việc, cảm thấy bế tắc.
  • Tự thấy chán đời như có lỗi với người thân với gia đình, thua người, không bằng người ta, trở nên vô dụng, không đáng sống, nghĩ và đôi khi tìm cách chết.

Theo PV (tổng hợp)
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghi bị trầm cảm, nữ sinh lớp 12 tự tử tại nhà riêng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO