Nghị định về kinh doanh hàng không: Vừa ban hành đã ‘đá’ Luật

Lê Đình Vinh (Đoàn luật sư HN) 10/08/2016 15:49

Nghị định 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ Quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng với nhiều quy định khó hiểu, thậm chí “đá” Luật.

Ảnh minh họa.

Tự ý thêm vào các khái niệm mới không có trong Luật

Luật Hàng không dân dụng (HKDD) Việt Nam năm 2006 phân chia hoạt động hàng không thành “kinh doanh vận chuyển hàng không” và “hoạt động hàng không chung”. Cách phân chia này phù hợp với thông lệ các nước và các điều ước quốc tế về hàng không.

Nghị định 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung cũng phân biệt giữa kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Mỗi loại hoạt động này có những đặc thù nên điều kiện, thủ tục đăng ký và cấp phép cũng được quy định khác nhau.

Trong khi đó, Nghị định 92/2016/NĐ-CP lại thêm vào khái niệm mới là “kinh doanh vận tải hàng không”. Đây là khái niệm không có trong Luật HKDD Việt Nam và Nghị định 30/2013/NĐ-CP.

Theo định nghĩa tại Điều 3 thì “Kinh doanh vận tải hàng không bao gồm hai hình thức kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung”. Như vậy, khái niệm này không có nội hàm mới mà chỉ mang tính chất tập hợp, liệt kê. Với những người am hiểu lĩnh vực hàng không thì khái niệm “kinh doanh vận tải hàng không” hoàn toàn xa lạ và khiến cho các quy định của pháp luật về hàng không vốn đã phức tạp lại càng thêm phức tạp.

Việc đưa khái niệm “kinh doanh vận tải hàng không” vào Nghị định 92 xuất phát từ một lý do đơn giản là cụm từ này được sử dụng trong Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Phục lục 4 của Luật đầu tư năm 2014. Nhưng Luật HKDD Việt Nam là luật chuyên ngành điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh hàng không, cho nên các khái niệm trong lĩnh vực kinh doanh hàng không phải sử dụng thống nhất theo Luật này.

Tại Điều 3 Luật HKDD Việt Nam cũng quy định: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với quy định của Luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật này”. Do vậy, Nghị định 92/2016/NĐ-CP đã “đá” Luật HKDD Việt Nam.

Tù mù về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh

Luật HKDD Việt Nam và Nghị định 30/2013/NĐ-CP đều quy định tách bạch điều kiện hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

Trong khi đó, Điều 5 Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về “Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không”.

Quy định này khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới, trong khi theo các luật chuyên ngành thì không có ngành nghề nào là “vận tải hàng không”.

Tuy nhiên, tại các Điều 10, 11 và 12 Nghị định 92 lại quy định thủ tục cấp, cấp lại và hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không,

Giấy phép kinh doanh hàng không chung.

Như vậy, ngay nội dung Nghị định 92 đã có nhiều điểm mâu thuẫn, khiến cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp rất khó áp dụng.

Một điểm nữa là Điều 2 Nghị định 30/2013/NĐ-CP chia hoạt động hàng không chung thành hai loại là kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại và hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại.

Điều kiện và thủ tục cấp phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại được quy định tại Chương II và điều kiện, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại được quy định tại Chương III Nghị 30/2013/NĐ-CP. Trong khi đó, Nghị định 92/2016/NĐ-CP chỉ đề cập đến “kinh doanh hàng không chung”.

Theo giải thích tại Điều 3: “Kinh doanh hàng không chung là hoạt động hàng không chung nhằm mục đích sinh lợi bằng tàu bay trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ theo quy định tại Điều 21 Luật hàng không dân dụng Việt Nam”.

Như vậy, “Kinh doanh hàng không chung” được điều chỉnh bởi Nghị định 92/2016/NĐ-CP chính là “Kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại” theo quy định tại Nghị định 30/2013/NĐ-CP.

Còn các hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại thì không áp dụng Nghị định 92/2016/NĐ-CP mà vẫn đăng ký hoạt động theo quy định tại Chương III Nghị định 30/2013/NĐ-CP.

Dưới góc nhìn chuyên môn, đa phần các chuyên gia đều cho rằng quy định như trong Luật HKDD và Nghị định 30 là rõ ràng và dễ áp dụng hơn Nghị định 92. Nay với việc hai nghị định này song song tồn tại thì sẽ là một ma trận đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng không.

Chính phủ mới đây đã thể hiện quyết tâm xóa bỏ các rào cản để nền kinh tế nói chung và ngành hàng không nói riêng phát triển và hội nhập, song với nội dung Nghị định 92/2016/NĐ-CP vừa được ban hành thì e rằng sẽ hình thành barie làm “vướng” thêm cho doanh nghiệp. Cần nói thêm rằng, trước khi Nghị định này được trình Chính phủ, dư luận và các chuyên gia pháp lý, tài chính, hàng không cũng đã phát hiện những điểm bất hợp lý và cảnh báo.

Tuy nhiên, ban soạn thảo đã không tiếp thu, điều này một lần nữa cho thấy cảnh báo về “ba không” (không minh bạch, không hợp lý, không khả thi) trong việc xây dựng và ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh một lần nữa lại đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghị định về kinh doanh hàng không: Vừa ban hành đã ‘đá’ Luật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO