Nghị lực phi thường của cô gái bé nhỏ bị suy thận

Đặng Long 22/05/2022 09:00

Dù chỉ sở hữu vóc dáng của một cô bé mới lớn, nhưng đâu ai biết rằng ở “xóm chạy thận” có một cô gái đã 19 năm cuộc đời gắn liền với thuốc men, hóa chất. Khánh Ly luôn cố gắng vượt qua số phận, không để bản thân gục ngã trước căn bệnh suy thận.

Hơn nửa cuộc đời gắn liền với thuốc men

Ở giữa con ngõ 121 Lê Thanh Nghị, nơi thường được người ta biết đến với cái tên “xóm chạy thận”. Đây là nơi trọ của những bệnh nhân bị suy thận nặng, phải lọc máu điều trị. Cao 1m4, nặng 30 kg, không ai nghĩ đó là vóc dáng của một cô gái 29 tuổi. Đặng Khánh Ly (sinh năm 1993, quê Nam Định) đã sống chung với căn bệnh suy thận hơn cả nửa đời mình.

Năm 10 tuổi, Ly được chẩn đoán mắc phải bệnh viêm cầu thận. Giữa độ tuổi còn vô lo vô nghĩ, Ly không biết rằng căn bệnh này sẽ theo mình suốt đời. “Hồi mới bị viêm cầu thận, em còn chưa biết đến khái niệm chạy thận là gì. Đến lúc phải vào viện, suy thận độ cuối, bác sĩ nói phải lọc máu chạy thận. Lúc ấy, em đã nói với bác sĩ là cháu là con người, cháu không muốn phụ thuộc vào máy móc đâu.”

Rồi bác sĩ cũng đồng ý cho Ly về nhà một tháng nhưng sau đó tình trạng càng tệ hơn, chóng mặt, nôn ra máu, không ăn uống gì được. Em đành phải chấp nhận số phận của mình. Lớp 12, trong những năm tháng cuối cùng của tuổi học trò, Ly cũng bắt đầu gắn liền với việc chạy thận.

Cô gái bé nhỏ luôn cố gắng tự chăm sóc bản thân.

Dù không có sức khỏe bằng bạn bè cùng trang lứa, Ly vẫn nung nấu ước mơ được học đại học. Em cố gắng thức khuya học nhiều hơn một chút, dậy sớm đọc sách thêm một chút, từng chút nỗ lực vì bản thân em không thể ghi nhớ bài nhanh như người khác. Hậu quả trong một tháng, từ suy thận độ hai, bệnh tình Ly chuyển sang độ cuối, chỉ số suy thận creatinin hơn 2.000.

“Bác sĩ trách mình lắm, bảo là không hiểu sao mình lại có thể chịu được như thế này. Lúc ấy mình cũng không thể nào hiểu bản thân mình nữa, trong đầu chỉ muốn ôn thi và học đại học thế thôi”, Ly kể lại.

Sức khỏe không cho phép, cánh cổng đại học khép lại với cô gái nhỏ. Ly cũng dần thu mình lại hơn. Suốt 7 năm trời, cứ ba lần một tuần, Ly tự đi xe lên Hà Nội để chạy thận đến nỗi chủ xe nào cũng quen mặt em. “Lúc đầu người ta thấy lạ, trông mình bé bé cứ tưởng là học sinh. Sau này biết chuyện của mình nên ai cũng thương, không lấy một đồng tiền xe nào cả”.

Ba năm trước, kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra, một phần vì sợ bệnh viện bị phong tỏa, một phần cảm thấy mình càng dần yếu hơn, Ly quyết định chuyển lên Hà Nội sống. Rời xa gia đình, cuộc sống của Ly chỉ quanh quẩn ở bệnh viện với hóa chất, máy móc, kim tiêm, một tuần phải chạy thận, lọc máu ba lần.

Nhiều hôm Ly thức đến 11h đêm để làm từng chiếc thiệp.

Nghị lực của cô gái bé nhỏ

Suốt 19 năm cuộc đời gắn liền với thuốc men, trải qua hàng ngàn lần chạy thận, những nỗi đau thể xác đã in hằn lên cơ thể của em. Ly nói rằng:“Chạy thận bao nhiêu năm chỉ có mỗi việc cắm kim vào là em vẫn không quen nổi. Dù đau đến mấy thì em vẫn phải cố chịu thôi”.

Là con gái lớn trong nhà, Khánh Ly luôn lo lắng cho bố mẹ và các em. Để đỡ đần phần nào cho gia đình, Ly tìm được một công việc làm thêm vừa sức thông qua người quen. Công việc tuy đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khẻo léo, tỉ mỉ. Mỗi ngày, tùy vào sức lực, Ly hoàn thành được khoảng 4-5 chiếc thiệp. Tiền công may ra chỉ đủ chi trả tiền phòng mà thôi. Dù vậy, em vẫn cố gắng từng chút một, cố thêm được đồng nào thì bố mẹ đỡ vất vả hơn một chút.

“Ngày xưa mình cũng kỳ vọng vào bản thân mình lắm, có tiền rồi xây được nhà cho bố mẹ, lo cho các em. Nhưng mà giờ thì cố gắng điều trị chắc là điều tốt nhất mình có thể làm”, Ly tâm sự.

Dấu vết của những lần chạy thận hiện hữu trên cánh tay của cô gái trẻ.

Mỗi bữa cơm của Ly cũng đơn giản, một bó rau, vài miếng thịt cũng là quá đủ với em. Nhiều lúc mệt không tự nấu ăn được, Ly chỉ ăn bánh mì hoặc uống một hộp sữa là xong. Phải tự chăm sóc bản thân, không thiếu những đêm suy nghĩ, trăn trở, Ly lại tủi thân, không dám nghe điện thoại của bố mẹ. “Nhiều lúc mệt quá, lại có suy nghĩ thôi kệ đi, không muốn tiếp tục nữa. Em rất sợ những lúc như thế. Nhưng suy nghĩ ấy cũng chóng qua mà thôi”.

Chung “xóm chạy thận”, cùng hoàn cảnh, cùng số phận nên Ly được hàng xóm quan tâm, giúp đỡ. Nhiều lúc phải đi cấp cứu cũng may có người kịp thời đưa em vào bệnh viện. Chính tình yêu thương nơi xứ người ấy đã giúp Ly càng có thêm động lực phấn đấu, không gục ngã trước bệnh tật.

Xa nhà, Khánh Ly luôn mang trong mình nỗi nhớ gia đình khôn nguôi. Bố mẹ chính là điểm tựa tinh thần của em. Thấu hiểu sự vất vả của đấng sinh thành, Ly không cho phép bản thân được từ bỏ.

Ly chia sẻ: “Công sức của bố mẹ cho mình cuộc đời này, giành giật lấy sự sống cho mình, bạn bè và rất nhiều người xung quanh cũng rất yêu thương, quan tâm mình. Mình không cho phép bản thân buông xuôi. Nếu vậy thì có lỗi. Không nên từ bỏ cuộc sống như thế. Mình cứ cố gắng sống tiếp thôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghị lực phi thường của cô gái bé nhỏ bị suy thận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO