Nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần đi khám ngay

An Thái 01/12/2022 07:04

Theo Bộ Y tế, mặc dù với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên trong những tháng gần đây số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước.

Thống kê mới nhất của các địa phương cho thấy tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 325.604 trường hợp mắc SXH, 122 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (66.002/25) số ca mắc tăng 4,9 lần, tử vong tăng 97 trường hợp.

Đáng lưu ý số ca mắc SXH tăng cao tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình,…

Mới đây nhất, ngày 29/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh đã ghi nhận 4.351 trường hợp SXH, có 2 trường hợp tử vong ở huyện Vạn Ninh và Cam Lâm. Tại Khoa Nội truyền nhiễm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, bình quân mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân điều trị, trong đó 1/2 số bệnh nhân mắc SXH.

Tương tự, những ngày qua, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh Bình Định tăng cao đột ngột, nhiều bệnh viện quá tải, thiếu giường. Ngành y tế Bình Định đã tăng cường các biện pháp phòng, chống SXH. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, hiện nay bệnh SXH trên địa bàn tỉnh không chỉ phổ biến ở khu vực thành phố, đồng bằng mà còn tăng nhanh ở khu vực miền núi. Hiện toàn tỉnh Bình Định phát hiện, xử lý 311 ổ dịch, 5.617 ca mắc SXH ở 11 huyện, thị xã, thành phố. Số ca mắc SXH bắt đầu tăng từ tháng 5 sau đó giảm nhẹ và tiếp tục tăng từ tháng 9, tăng mạnh trong tháng 10 đến nay. Dự báo ca bệnh vẫn tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào tháng 12.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, nghiên cứu sơ bộ trên 14 ca tử vong tại Bệnh viện vừa qua cho thấy, nhiều người bệnh có tình trạng chồng chéo nhiều cơ chế tổn thương. Điểm chung của các trường hợp này là đều được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốc sâu, suy đa phủ tạng; nhiều người đã ngừng tim trên đường vận chuyển. Những bệnh nhân này thường thuộc nhóm nguy cơ cao, nhưng không được kiểm soát tốt, không phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng hoặc có phát hiện nhưng xử lý ban đầu chưa đạt hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến việc truyền chưa đủ tốc độ, ngừng hoặc giảm tốc độ truyền dịch quá sớm hay không duy trì truyền dịch đủ trên đường vận chuyển lên tuyến trên.

Theo các chuyên gia y tế, trong thời điểm dịch chồng dịch như hiện nay, nhiều người dễ nhầm lẫn giữa SXH với các bệnh khác. Khi bị SXH, nhiều người có thể nghĩ mình mắc cúm hoặc Covid-19 nên không đi điều trị; đến ngày thứ 4-5 khi đã trở nặng đã ở giai đoạn muộn. Vừa qua rất nhiều ca mắc SXH vì đến bệnh viện muộn, đã chuyển sang sốc.

TS Lê Đình Toàn - Chủ nhiệm khoa Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, SXH là bệnh lý nguy hiểm với biến chứng xuất huyết nội tạng đặc biệt là xuất huyết nội sọ. Do đó, người dân khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh SXH, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có đặc điểm sau: Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn; Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

Để ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, kéo dài, người dân cần: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

M.K

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần đi khám ngay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO