Nghĩa tình gửi tới Nepal

Minh Anh 30/05/2021 10:00

Tại Ấn Độ, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Đại sứ Phạm Sanh Châu - Đại sứ Việt Nam không thường trú tại Nepal vừa tổ chức trao tặng Chính phủ và nhân dân Nepal 30.000 USD. Đây là món quà ý nghĩa, góp phần giúp người dân Nepal sớm vượt qua khó khăn do bão dịch Covid-19 đang càn quét nơi đây.

Đại sứ Nepal Deep Kumar Upadhayay bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, Giáo hội Phật giáo và nhân dân Việt Nam. Đại sứ cũng thông tin về tình hình các ca nhiễm bệnh đang ngày càng tăng cao tại Nepal, đặc biệt trong tháng 5/2021. Về các trường hợp công dân Việt Nam tại Nepal có nguyện vọng sớm về nước, Đại sứ Upadhayay cho biết sẽ nhanh chóng báo cáo để xem xét giải quyết thuận lợi và hỗ trợ cần thiết.

Những ngày khó khăn

Nepal là một quốc gia còn nghèo, cơ sở y tế còn lạc hậu nên khi bùng phát dịch Covid-19 đã gây ra những hệ lụy vô cùng nặng nề. Thêm nhiều ổ dịch mới xuất hiện. Thủ đô Kathmandu những ngày qua bị phong tỏa nghiêm ngặt.

Tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 trong số những người được xét nghiệm ở Nepal cứ nhích lên từng ngày. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc y tế lại chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng với 0,7 bác sĩ/100.000 dân, ít hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới.

Nhiều chuyên gia lo ngại cuộc khủng hoảng Nepal có thể còn nguy hiểm hơn cả Ấn Độ. Hiện Nepal chỉ có 1.595 giường chăm sóc tích cực và 480 máy thở cho toàn bộ dân số 30 triệu người…

Để nằm máy trợ thở ở bệnh viện Nepal mỗi ngày bệnh nhân phải trả gần 1.700 USD. Trong khi đa số người lao động chỉ kiếm được khoảng 10 USD mỗi ngày nên số tiền này vô cùng khủng khiếp với họ, nhiều người đành chấp nhận buông xuôi.

Bà Võ Thị Kim Cương - đại diện Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Nepal cho biết, chị vô cùng lo lắng trước các ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Nepal do lây nhiễm các chủng virus đột biến từ Ấn Độ. Nepal ban bố tình trạng “lockdown” khẩn cấp từ ngày 29/4 đến nay. Nhà hàng, khách sạn, quán bar, rạp chiếu phim, phòng gym phải đóng cửa hết. Vốn đã khó nay người dân lại càng khó khăn gấp bội.

“3 cửa hàng Phở 99 Kathmandu của tôi đã phải đóng cửa. Không nỡ nhìn các bạn nhân viên thất nghiệp, tôi đã giữ lại khoảng 20 người, giúp cho họ chỗ ăn ở, đợi đến hết phong tỏa rồi tính tiếp” - bà Kim Cương cho biết.

Hiện tại có khoảng 40 người Việt ở Nepal. Một số chị em lấy chồng và mở cửa hàng kinh doanh nhỏ như quần áo, hàng ăn. Ngoài ra, một số người sang tu tập tại các tu viện, còn lại ở nhà làm nội trợ… “Nhiều người dân lúc Covid-19 chưa xuất hiện đã khổ rồi. Giờ dịch bệnh hoành hành hơn 1 năm qua càng làm cho khó khăn tăng lên” - bà Kim Cương cho biết thêm.

Mặc dù cửa hàng Phở 99 Kathmandu đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng những ngày qua bà Võ Thị Kim Cương vẫn cùng những người bạn và gia đình đã quyên góp 100 phần cứu trợ bao gồm gạo và dầu ăn phát cho người nghèo, người vô gia cư và người thất nghiệp do bệnh dịch và phong tỏa kéo dài ở Kathmandu.

Nghĩa tình của người Việt

Tại buổi trao tặng, Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ sự cảm thông sâu sắc trước những khó khăn to lớn mà dịch bệnh gây ra tại Nepal, đồng thời cho biết Chính phủ và nhân dân Việt Nam chia sẻ thách thức này với chính phủ và nhân dân Nepal.

“Trong thời gian tới, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo sẽ gửi tặng 2.000 bộ xét nghiệm Covid-19 cho phía Nepal. Toàn bộ số hàng này sẽ được chuyển thẳng tới thủ đô Kathmandu” - Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết.

Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng chia sẻ, thời gian vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal, các tăng ni Phật tử đang học tập và làm việc tại Ấn Độ, các Phật tử và nhà hảo tâm trong nước thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo, người vô gia cư, trại trẻ mồ côi, trại trẻ tàn tật, tu viện tại các thánh tích như Lumbini, nơi Đức Phật đản sinh, thánh tích Namo Buddha và thủ đô Kathmandu. Hơn 2.000 người dân Nepal đã nhận được thực phẩm thiết yếu bao gồm gần 10 tấn gạo, hàng trăm thùng mì, dầu ăn, đậu dal.

Dịp này, Đại sứ quán cũng phối hợp với Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Nepal, Hội những người bạn Việt Nam tại Nepal và các Phòng Thương mại và Công nghiệp, Phật tử và các nhà hảo tâm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ trực tiếp đối với các bệnh nhân Covid-19, người nghèo và người vô gia cư tại Nepal.

“Tất cả các món quà nghĩa tình đó đã được phát đến các gia đình thất nghiệp khó khăn, các trẻ em lang thang, các cụ già neo đơn và 2 cô nhi viện với 158 bé đang rất thiếu thốn thức ăn. Mình muốn thay mặt mọi người cảm ơn tấm lòng của đại sứ Phạm Sanh Châu và các anh chị em bên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, trong lúc khó khăn càng thấy ấm áp nghĩa tình của người Việt mình” - bà Võ Thị Kim Cương xúc động nói.

Theo bà Võ Thị Kim Cương - đại diện Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Nepal, cho đến thời điểm này người Việt ở Nepal vẫn an toàn. Ngày 28/5, Nepal chính thức phong tỏa cấp độ 4 - Cấp độ cao nhất. Đó là cấm người dân tuyệt đối không được ra đường trong 10 ngày. Các siêu thị bán thực phẩm cũng phải đóng cửa.

Lý do Chính phủ Nepal phong tỏa cấp 4 là vì đã phong tỏa hơn 1 tháng nay nhưng số ca nhiễm hoàn toàn không giảm. Mỗi ngày số ca nhiễm vẫn từ 6.000 đến 9.000 người. Và số ca tử vong từ 100 đến 250 người mỗi ngày. Một con số thật ám ảnh. Nhà hàng đóng cửa khó khăn nên số chị em người Việt kinh doanh bên Nepal khó khăn vô cùng. Do chính phủ Nepal hoàn toàn không có gói cứu trợ cho doanh nghiệp, đóng cửa nhưng vẫn phải đóng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghĩa tình gửi tới Nepal

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO