Nghĩa tình người miền Tây

Quốc Trung 01/09/2021 12:18

Lần đầu tiên người dân miền Tây Nam bộ cảm nhận được những khó khăn thực sự khi phải đối mặt với dịch bệnh kéo dài. Nhưng cũng từ đây nhiều người đã gác lại việc gia đình, việc làm ăn để đoàn kết bên nhau vượt qua khó khăn, cùng với chính quyền sớm đẩy lùi dịch bệnh…

Ấm lòng những mô hình “0 đồng”

Những ngày qua, trên những đoạn đường tác nghiệp, hình ảnh thường thấy ở các tuyến phố, những con hẻm của TP Cần Thơ là những phần quà được gói sẵn xếp ngay ngắn để ở ven đường không có người trông coi. Trên những phần quà là các tấm biển ghi “miễn phí”, “biếu, tặng” hay “hỗ trợ bà con vượt qua đại dịch”, và rất nhiều những giỏ hàng thực phẩm với giá “0 đồng”...

Còn nhớ khoảng thời gian gần nửa tháng của đợt dịch thứ 4, nhiều người dân nghèo, những người bán vé số lẻ chạy ăn từng bữa hoang mang không biết sống thế nào khi nguồn thu nhập chính bị cắt đột ngột. Nhưng rồi cũng từ đây bắt đầu xuất hiện những cá nhân, tập thể mạnh thường quân tổ chức đoàn đi phát quà, tiền nhu yếu phẩm, rồi xuất hiện bếp ăn “0 đồng”, phiên chợ “0 đồng” từ hành động thiện tâm của đội ngũ giáo viên, học sinh trên địa bàn quận Ninh Kiều và nhanh chóng lan ra 9/9 quận huyện của TP Cần Thơ. Ai có gì thì đem đến phiên chợ chia sẻ cho những người không có, đúng với truyền thống ông cha “lá lành, đùm lá rách”.

Tại tỉnh Vĩnh Long, sự chia sẻ cũng thật ấm lòng. Gần 20 cán bộ, hội viên phụ nữ ở TP Vĩnh long đã vận động nguồn lực để hỗ trợ trang thiết bị y tế, lương thực cho các chốt trực kiểm soát; vận động hỗ trợ nhiều loại nhu yếu phẩm và rau củ quả cho các “Gian hàng 0 đồng” mà họ tạo ra để hỗ trợ người dân khu vực bị phong tỏa, phục vụ các bữa ăn cho các chốt kiểm dịch. Còn ở Bạc Liêu có thể kể đến “Bếp yêu thương” do bà Liêu Ngọc Loan ngụ tại phường 3, TP Bạc Liêu làm nhóm trưởng, luôn đỏ lửa từ ngày xuất hiện đợt dịch thứ 4 đến nay.

Bà Loan chia sẻ: “Ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, thấy lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt phải đội nắng, dầm mưa cực quá nên tôi nảy ra ý định tổ chức bữa ăn cho lực lượng này. Ngày đầu chỉ nấu 30 suất, đến nay trung bình khoảng 300 suất cơm trưa mỗi ngày. Kinh phí chủ yếu là vận động bạn bè, người thân”.

Hay bếp ăn từ thiện “0 đồng” ở Tịnh xá Ngọc Như và Tịnh thất Vạn Hạnh ở huyện Phước Long được nhiều người biết đến, hàng ngày cung cấp gần 800 suất ăn chay cho các bệnh nhân, người nuôi bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Phước Long và một số chốt kiểm dịch. Tương tự, Tịnh xá Bửu An ở huyện Hòa Bình cũng vậy.

Chuyến xe nghĩa tình của Mặt trận và Đoàn thanh niên vận động hỗ trợ tận tay bà con nghèo.

Còn ở Cà Mau thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hơn 20 bếp ăn từ thiện “0 đồng”, cung cấp khoảng 3.000 suất cơm miễn phí tặng người lao động nghèo. Như bếp ăn của nhóm bạn trẻ từ Phân hiệu Trường đại học Bình Dương tại Cà Mau; bếp từ thiện của MTTQ và các đoàn thể của thị trấn Đầm Dơi của huyện Đầm Dơi; “Bếp từ thiện Vui Vẻ” ở Phường 5; bếp ăn từ thiện của UBND phường 8, đặt tại Điểm trường Mầm non Hoa Mai, bếp từ thiện của UBND phường 1…Riêng TP Cà Mau đã có khoảng 10 bếp từ thiện, mỗi ngày cung cấp khoảng 1.500 suất cơm “0 đồng”, được lực lượng tình nguyện mang đến tận nhà dân và lao động nghèo…

Còn ở Đồng Tháp, một trong những “điểm nóng” của dịch Covid-19 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc các cụ bà, cụ ông dành dụm khoản lương hưu hay những học sinh “mổ heo” tiết kiệm gửi gắm ở MTTQ địa phương ủng hộ vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 đã lan tỏa như những hình ảnh đẹp…

Hành trình của những chuyến xe nghĩa tình

Hành trình những chuyến xe xuyên màn đêm để kịp chuyển đến tận tay những người dân cần hỗ trợ, được lực lượng thanh niên Công an tỉnh An Giang xây dựng thông qua Chương trình “Hạt gạo nghĩa tình với nhân dân” kịp vận chuyển 110 tấn gạo, rau củ quả, nhu yếu phẩm xuống các địa phương.

Hay “Chuyến xe yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch Covid-19” của Sư đoàn 330 thông qua nhiều nguồn vận động và được trích từ “Hũ gạo quân dân”; rau, củ, quả, cá từ nguồn tăng gia sản xuất tại đơn vị và các mặt hàng nhu yếu phẩm được đảm bảo từ nguồn quỹ phúc lợi của đơn vị được tổ chức vào các ngày 31/7, 1/8 và 4/8 với gần 600 suất quà gồm các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, mì tôm, nước mắm, đường, bột ngọt, dầu ăn, cá hộp, rau củ qua và cá tươi… được trao tận tay bà con giáp biên giới ở thị trấn Chi Lăng và xã Vĩnh Trung kịp thời hỗ trợ các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, có tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Kiên Giang có chương trình hành quân xanh với chủ đề “Chuyến xe nghĩa tình - kết nối yêu thương”, giúp người dân tiêu thụ nông sản. Đến nay những “Chuyến xe nghĩa tình” đã tiêu thụ hơn 6 tấn rau củ các loại, 10 tấn khoai lang, 2 tấn bắp, 1.500 miếng đậu hũ, 1.000 quả trứng gà, 800 hộp cá mòi, 1,5 tấn gạo, tổng giá trị gần 112 triệu đồng do Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Kiên Giang và các mạnh thường quân hỗ trợ. Toàn bộ số rau củ quả và những phần quà trên đã được vận chuyển đến các địa phương khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và các điểm phong tỏa, cách ly y tế.

MTTQ tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều chuyến hỗ trợ nhu yếu phẩm cho TP HCM.

Không chỉ ủng hộ, chia sẻ với bà con trong vùng, các địa phương thông qua hệ thống Mặt trận còn tổ chức nhiều “Chuyến xe nghĩa tình” góp sức, san sẻ với đồng bào các tỉnh, thành như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Ninh… cùng vượt qua khó khăn trị giá hàng chục tỉ đồng, không đơn thuần đó là vật chất hay nhu yếu phẩm đơn thuần mà đó là tình cảm, nghĩa tình của người dân.

Trong những lúc khó khăn như hiện nay, tinh thần “Tương thân, tương ái” càng lan tỏa. Ông Đỗ Tấn Hậu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Thấu hiểu với những khó khăn mà người dân các địa phương đang gặp phải, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã vận động quyên góp tiền, lương thực, thực phẩm thiết yếu để hỗ trợ cho bà con, trong đó có người dân Sóc Trăng đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP HCM”.

Mới đây chuyến xe nghĩa tình “0 đồng” đón hơn 400 sinh viên, người lao động tỉnh Kiên Giang sau nhiều tháng bị kẹt lại TP HCM trở về quê nhà trong niềm vui, phấn khởi không chỉ của người người được trở về mà cả những người ở quê đang ngóng trong từng ngày.

Gia đình anh Nguyễn Hoàng Sang, ngụ huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang bị kẹt lại TP HCM hơn 2 tháng. Trước khi dịch bệnh bùng phát, anh Sang cùng vợ và 2 con nhỏ lên thành phố mưu sinh. Là lao động chính với nghề công nhân nuôi cả gia đình. Do dịch, công ty phải đóng cửa anh Sang mất việc, không có thu nhập, các con đau ốm không có tiền điều trị. Được về dịp này với chuyến xe “0 đồng” anh Sang mừng lắm. Về quê gần nhà nương tựa lẫn nhau, qua dịch tính tiếp, anh Sang nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghĩa tình người miền Tây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO