Nghĩa tình ở Nepal

Minh Anh 19/07/2021 19:00

Sau những đợt Nepal phong tỏa vì Covid-19, cuộc sống của bà con người Việt ở đây vốn đã khó khăn nay càng trở nên khó khăn hơn. Thế nhưng, tại những nơi khó khăn nhất, nơi những người Nepal đang cần sự giúp đỡ, thì vẫn có những người Việt mình, với bao gạo, muối, dầu ăn cả những suất cơm cari nóng hổi… Tấm chân tình ấy với người Nepal lúc này thật vô cùng trân quý.

Gia đình bà Võ Thị Kim Cương trao những suất cơm nóng cho người nghèo, người vô gia cư ở Nepal.

Lập nghiệp từ món ăn quê nhà

Nepal là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, nơi mà nhìn đâu cũng chỉ thấy núi và núi, nơi GDP quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và lượng ngoại tệ từ nước ngoài gửi về bởi những người Nepal đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Những năm gần đây, khi du lịch bắt đầu nở rộ, lượng khách tìm đến Nepal nhiều hơn thì đời sống người dân cũng cải thiện hơn, nhưng nhìn chung vẫn còn vô vàn khó khăn.

Hiện ở Nepal hiện có khoảng 40 đến 50 người Việt. Trong đó, một số chị em lấy chồng và mở cửa hàng kinh doanh nhỏ như quần áo, hàng ăn. Ngoài ra, một số người sang tu tập tại các tu viện, còn lại ở nhà làm nội trợ.

“Mình sang Nepal định cư đã được chục năm. Nếu hỏi vì sao chọn nơi đây làm quê hương thứ hai thì đó chính là bởi tình người phóng khoáng và ấm áp. Nepal có dân số đô thị thấp nhất trên thế giới (14%) còn lại hầu hết người dân sống ở vùng núi hoặc nông thôn. Cuộc sống nghèo khó đủ bề nhưng người dân rất thân thiện và tốt bụng. Họ sẵn sàng giúp đỡ những người phương xa một bữa ăn, một đêm ngủ trọ và những nụ cười vô tư, nồng hậu”, bà Võ Thị Kim Cương - đại diện Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Nepal chia sẻ.

Sang đây lập nghiệp từ những món ăn quê nhà, hiện Võ Thị Kim Cương là chủ một chuỗi cửa hàng lấy tên “Phở 99”. Theo lời chị, nhiều người dân bản xứ không chỉ nghiện món phở vì vị thơm ngon, rất lạ mà họ còn cho là tốt cho sức khỏe. Có người cứ khi nào bị cảm lại tìm ra quán rồi gọi một bát phở. Họ thường đùa “đây chính là thuốc chữa bệnh cảm cúm mùa lạnh rất hữu hiệu”.

Hỏi tại sao lại chọn nghề kinh doanh ẩm thực Việt ở Nepal? Bà Kim Cương bảo, vì đam mê. Muốn bạn bè quốc tế biết đến ẩm thực Việt Nam. Chỉ khi hương vị của món ăn dậy mùi thơm của hành, tỏi, nước mắm mình mới có cảm giác như đang ở trong chính gian bếp nơi quê nhà.

Cùng vượt khó

Nepal là một quốc gia nghèo nên cơ sở y tế cũng lạc hậu, khi dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra những hệ lụy vô cùng nặng nề, nhất là những ngày Thủ đô Kathmandu bị phong tỏa nghiêm ngặt. Mỗi ngày số ca nhiễm tăng từ 6.000 đến 9.000 người. Và số ca tử vong từ 100 đến 250 người. Để nằm máy trợ thở ở bệnh viện Nepal bệnh nhân phải trả gần 1.700 USD/ngày. Trong khi đa số người lao động chỉ kiếm được khoảng 10 USD/ngày nên số tiền này vô cùng khủng khiếp với họ, nhiều người đành chấp nhận buông xuôi.

Bà Võ Thị Kim Cương cho biết người Việt ở đây vô cùng lo lắng trước các ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Khi Nepal ban bố tình trạng “lockdown” khẩn cấp, nhà hàng, khách sạn, quán bar, rạp chiếu phim, phòng gym phải đóng cửa hết. Người Nepal khó thì người Việt ở Nepal cũng khó khăn không kém. Chính phủ Nepal hoàn toàn không có gói cứu trợ cho doanh nghiệp, bà con mình đóng cửa kinh doanh nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng mỗi tháng.

“Nhiều người dân lúc Covid-19 chưa xuất hiện đã khổ rồi. Giờ dịch bệnh hoành hành hơn 1 năm qua càng làm cho khó khăn tăng lên. 3 cửa hàng Phở 99 Kathmandu của tôi đã phải đóng cửa. Không nỡ nhìn các bạn nhân viên thất nghiệp, tôi đã giữ lại khoảng 20 người, giúp cho họ chỗ ăn ở, đợi đến hết phong tỏa rồi tính tiếp” - bà Kim Cương cho biết.

Phở 99 Kathmandu mặc dù đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng những ngày qua bà Võ Thị Kim Cương vẫn cùng những người bạn và gia đình đã quyên góp nhiều phần cứu trợ bao gồm gạo và dầu ăn phát cho người nghèo, người vô gia cư và người thất nghiệp do bệnh dịch và phong tỏa kéo dài ở Kathmandu. “Có ngày cả hai vợ chồng tôi đều đi phát cơm và nước suối cho người nghèo. Nhìn họ tội nghiệp vô cùng, vừa đói, vừa khát nên nhiều người như kiệt sức”- bà Cương cho biết.

Chung tay cùng với bà Kim Cương, những ngày qua, rất nhiều người Việt Nam, những người đã từng sống ở Nepal đã đứng ra quyên góp để giúp đỡ người dân Nepal đang gặp khó khăn: “Chúng tôi cần 400 bao gạo, 400 tấm lòng, 400 sự phát tâm từ bi để giúp những người dân nghèo Nepal đang bị mất việc, lâm vào cảnh khốn khó, thậm chí đang bị đói vì trong nhà không còn tiền đong gạo”. Đây là lời chia sẻ trên mạng xã hội của nhóm Himalayas Vietnam - một nhóm các bạn người Việt đã từng đến Nepal và thương yêu mảnh đất này.

Đón nhận những tấm lòng của các bạn Việt Nam, nhiều người Nepal xúc động không nói lên lời. Nhưng bà Võ Thị Kim Cương bảo, chỉ cần nhìn thấy họ ăn suất cơm ngon lành, đủ sức khỏe đi qua mùa dịch là chúng tôi vui lắm rồi.

Gửi chút nghĩa tình

Nepal có 4.150 bệnh viện, trong đó 150 bệnh viện tư. Hiện có 450 phòng ICU nhưng toàn dùng chữa cho bệnh nhân chung, chưa có bệnh viện riêng nào dùng để chữa và cách ly cho người nhiễm Covid-19 nên khó càng khó hơn. Những ngày qua, bà Võ Thị Kim Cương đã cùng bạn bè là người Việt quyên góp được một số máy trợ thở chuyên dụng tặng cho một số bệnh viện ở Nepal. Đây có lẽ là món quà vô cùng quý giá với nước bạn trong thời điểm này. Các máy trợ thở sẽ giúp được rất nhiều người vượt qua ranh giới sinh tử. Nhất là với những người nghèo, người không có điều kiện thanh toán viện phí. Những người mà biết là bệnh nặng mà không dám bước vào cổng bệnh viện, bỏ mặc sự sống cho may rủi của số phận.

“Những bệnh viện được tặng máy trợ thở lần này là các cơ sở điều trị miễn phí cho các bệnh nhân nghèo. Tôi xin thay mặt bệnh viện Stupa Boudha và thay mặt người dân khó khăn Nepal gửi lời cảm ơn đến tất cả mạnh thường quân. Rất trân quý tấm lòng của các anh chị đã dành cho người dân nơi đất Phật” - Bà Võ Thị Kim Cương chia sẻ.

Thời gian vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng phối hợp với Hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal, các tăng ni Phật tử đang học tập và làm việc tại Ấn Độ, các Phật tử và nhà hảo tâm trong nước thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo, người vô gia cư, trại trẻ mồ côi, trại trẻ tàn tật…tại Nepal. Hàng nghìn người dân nghèo đã nhận được thực phẩm thiết yếu bao gồm gần 10 tấn gạo, hàng trăm thùng mì, dầu ăn, đậu dal để vượt qua đợt khó khăn này.

“Tất cả các món quà nghĩa tình đó đã được phát đến các gia đình thất nghiệp khó khăn, các trẻ em lang thang, các cụ già neo đơn và 2 cô nhi viện với 158 bé đang rất thiếu thốn thức ăn. Mình muốn thay mặt mọi người cảm ơn tấm lòng của đại sứ Phạm Sanh Châu và các anh chị em bên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, trong lúc khó khăn càng thấy ấm áp nghĩa tình của người Việt mình” - bà Võ Thị Kim Cương xúc động nói.

Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, người dân Nepal còn đối diện với vô vàn khó khăn, nhưng họ cũng thấy thật ấm lòng vì có rất nhiều người bạn - những người Việt Nam với nghĩa cử cao đẹp, sẵn sàng giúp đỡ họ ngay cả những lúc khó khăn nhất.

“Nepal bắt đầu ổn hơn và dần cho mở cửa trở lại, nhưng thận trọng từng bước một. Tuy nhiên, các nhà hàng vẫn chỉ bán cho người mang về. Các nơi công cộng vẫn không được tập trung đông người. Khẩu trang, sát khuẩn và khoảng cách là việc mà ngành Y tế Nepal đặc biệt lưu ý mọi người. Hy vọng mọi thứ tốt đẹp hơn đang chờ phía trước, để những người nghèo sẽ bớt khổ hơn” – Võ Thị Kim Cương gọi báo cho tôi khi vừa đi phát những suất cơm và nước suối cho người vô gia cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghĩa tình ở Nepal

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO