Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa để xuất lãnh đạo thành phố phê duyệt bổ sung hơn 30 tuyến đường có thu phí đối với phương tiện ôtô dừng, đậu trên lòng đường ở nhiều quận trung tâm. Cùng với hơn 20 tuyến đường đang được thu phí từ năm 2018, thành phố kỳ vọng sẽ tăng thêm tiền thu phí từ các phương tiện đậu ở lòng đường. Tuy nhiên, thực tế từ đó tới nay, số tiền thu phí luôn rất ít, thậm chí ngân sách từng phải bù lỗ để trả lương cho nhân viên đi thu phí.
Theo đề xuất mới nhất, 31 tuyến đường bổ sung thu phí đậu xe hơi theo giờ là các tuyến đường: Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế (quận 1), Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Pasteur (quận 3), Nguyễn Hữu Thận (quận 6), Lê Hồng Phong (quận 10) cùng các tuyến đường ở quận 1, 3, 4, 5, 6, 10 và Phú Nhuận. Được biết, đây đều là các tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố, thường xuyên có nhiều phương tiện ô tô di chuyển và dừng đỗ. Việc tiến hành thu phí theo giờ, với mức phí từ 20.000-25.000 đồng/xe/giờ kỳ vọng sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách bởi các tuyến đường này có hàng ngàn vị trí đậu xe.
Cũng theo Sở GTVT TP HCM, khi có nhu cầu đậu xe tại các tuyến đường trên, tài xế sẽ tải phần mềm ứng dụng trên sau đó đăng ký, điền thông tin, ngày giờ và trả phí theo tài khoản đã được liên thông trước hoặc nạp tiền bằng thẻ cào. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thu phí đậu xe lòng đường ở TP HCM vẫn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là số tiền thất thoát lớn, không đúng theo dự kiến.
Trong một báo cáo của đơn vị chịu trách nhiệm thu phí là Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP HCM hồi năm 2019, đơn vị này thậm chí thu được số tiền ít hơn so với tiền trả lương cho nhân viên thu phí, giám sát thu phí. Theo đó, trong 1 tháng của năm 2019, công ty chỉ thu được gần 190 triệu đồng trong khi tiền trả lương cho các nhân viên thu phí, duy trì hoạt động thu phí hơn 800 triệu đồng. Sau thời gian trên, TP HCM chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động công cộng bị ảnh hưởng đáng kể, không thống kê được.
Tới gần đây, đơn vị thu phí thống kê được trong 2 tháng (từ 12/2021 tới tháng 1/2022) doanh thu phí đậu xe khoảng 400 triệu đồng, cao hơn thời gian trước. Thực tế, số tiền 400 triệu đồng là dự kiến thu được mỗi ngày khi đưa vào áp dụng đề án thu phí đậu xe của lãnh đạo Sở GTVT năm 2018.
Thực tế cho thấy việc dừng đậu xe ở lòng đường tại TP HCM không chỉ gây ùn tắc, kẹt xe mà còn biến nhiều tuyến đường thành các bãi đậu xe. Việc thu phí ở hơn 50 tuyến đường tại TP HCM sẽ ảnh hưởng giao thông đi lại, sinh hoạt của người dân. Ai cũng biết tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở khu vực trung tâm TP HCM nhiều năm qua chưa được giải quyết. Nếu đồng loạt biến lòng đường thành các bãi đậu xe, chắc chắn tình trạng ùn tắc sẽ còn phức tạp và khó lường hơn. Hiện nay, hầu như chưa có bất kỳ đánh giá tác động nào của việc có quá nhiều tuyến đường sẽ bị biến thành các bãi đậu xe như vậy theo đề xuất của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, việc quản lý, điều hành, thu phí lại tồn tại nhiều bấp cập. Theo đó, dù không thu tiền trực tiếp từ tài xế (thường ít hơn thời gian thực) thì việc các tuyến đường nằm xa nhau, vị trí đậu xe liên tục thay đổi cũng khiến số lượng nhân viên thu phí gia tăng. Trung bình một nhân viên thu phí chỉ có thể quản lý từ 2-3 tuyến đường gần nhau cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi tài xế có thể dừng đậu một thời gian ngắn trước khi nhân viên thu phí kịp tới. Trong khi đó hệ thống camera vẫn khó ghi lại, kiểm tra, đối chiếu toàn bộ các phương tiện ở những tuyến đường đang thu phí. Đó là lý do việc thu phí thường xuyên thất thoát, hụt thu số tiền rất lớn theo dự kiến.
Cuối cùng, nhiều người dân ở trung tâm TP HCM cho biết khi các tuyến đường được gắn biển, kẻ khung lòng đường để thu phí thì tài xế thường có xu hướng di chuyển sang các tuyến đường khác, đường hẻm ở lân cận gây ùn tắc, kẹt xe nhiều hơn.