Nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi

20/03/2022 07:55

Nhiệm vụ trọng tâm vừa được Bộ Y tế đặt ra là triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 năm 2022-2023.

Trong đó tập trung chủ yếu các nội dung: bảo đảm đạt tỉ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 và chủ động cung ứng vaccine; kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.

Bộ Y tế đặt mục tiêu triển khai tiêm vaccine thần tốc để hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm) trong quý I-2022; hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi; nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi…

Cùng với đó Bộ Y tế tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến; bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19; chủ động chuẩn bị các biện pháp về kinh tế - xã hội, hành chính theo cấp độ nguy cơ dịch để bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân...

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: T.Hà.

Đánh giá về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam, trong thông điệp được ghi hình trước gửi tới cuộc gặp mặt cảm ơn các đối tác quốc tế đã hỗ trợ vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng chúc mừng Việt Nam đã bao phủ vaccine cho 90% người trưởng thành và hơn 75% dân số đã được tiêm chủng, một trong những tỉ lệ cao nhất thế giới.

Đây là điều rất quan trọng để bảo vệ tính mạng người dân và điều này cần tiếp tục được thúc đẩy thời gian tới. Kết quả này có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân Việt Nam.

Ông cho rằng, việc đạt mục tiêu toàn cầu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào giữa năm nay là vô cùng cần thiết để cứu mạng sống con người, kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới và thúc đẩy sự phục hồi toàn diện toàn cầu. Việt Nam là một ví dụ điển hình cho những điều có thể thực hiện được với cam kết chính trị, cộng đồng gắn kết, sự hỗ trợ quốc tế.

Liên quan đến việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 4, Việt Nam đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của WHO. Các chuyên gia cho rằng mũi 4 vaccine Covid-19 cần ưu tiên cho nhóm người có nguy cơ cao, suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, người cao tuổi vì đây là nhóm dễ trở nặng, nguy cơ tử vong cao khi mắc Covid-19.

Ngày 19/3, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận 150.618 ca nhiễm mới với 12 ca nhập cảnh và 150.606 trường hợp trong nước (giảm 12.559 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố, có 99.644 ca cộng đồng.

Trong ngày Sở Y tế các tỉnh, thành Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh bổ sung lần lượt 190.000 ca, 48.861 ca và 35.250 ca sau khi rà soát, cập nhậy đầy đủ thông tin. Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho biết đến nay cả nước đã tiêm hơn 201,4 triệu liều vaccine phòng Covid-19.

Cùng ngày Sở Y tế Hà Nội thông báo ghi nhận thêm 21.071 ca Covid-19, trong đó có 6.905 ca cộng đồng. Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội, tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay là 1.152.279 ca.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO