Ngoại giao Việt Nam 2021: Chuyển mình phù hợp tình hình mới

HOÀNG MAI 27/12/2021 09:00

Tại Phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành ngoại giao trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 31, với chủ đề: “Đổi mới, sáng tạo hướng tới xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại”, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã gợi mở nhiều điều xung quanh việc xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thăm triển lãm tại Hội nghị Ngoại giao 31. Ảnh: Quang Vinh.

1. Có lẽ, ngoại giao chuyên nghiệp và toàn diện thì lâu nay đã không còn xa lạ với ngoại giao Việt Nam. Sinh ra cùng cách mạng và lớn lên cùng lịch sử đấu tranh của cách mạng Việt Nam kể từ khi lập nước. Trải qua những năm tháng đấu tranh gian khổ và những thách thức trong thời bình, ngoại giao Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Mỗi nhà ngoại giao đã là một chiến sĩ trong một “binh chủng” đặc biệt trên một mặt trận đặc biệt.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, nền ngoại giao “toàn diện” đã và sẽ tiếp tục được triển khai trên ba trụ cột (đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân), ở tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó ngoại giao đóng vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia.

“Một nền ngoại giao “toàn diện” phải phát huy được vai trò, vị thế của Việt Nam trên những lĩnh vực truyền thống và cả những lĩnh vực mới nổi lên; cải tiến phương thức hoạt động hiệu quả hơn và huy động được sự tham gia thiết thực của nhiều chủ thể hơn nữa”, Phó Thủ tướng nói.

Đó có lẽ là trách nhiệm của những nhà ngoại giao dù ở giai đoạn nào. Cùng với những vấn đề chính trị, an ninh, ngành ngoại giao cần tăng cường tham mưu về các xu thế phát triển lớn của thế giới, phát huy tối đa vai trò tìm kiếm những nguồn lực từ bên ngoài, là cầu nối gắn kết những xu thế phát triển và nguồn lực đó với những kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong nước và là chỗ dựa thường trực, vững chắc và đáng tin cậy cho những công ty, tập đoàn, doanh nghiệp, người lao động Việt Nam vươn ra khu vực và thế giới.

Còn nói về ngoại giao hiện đại, có lẽ chưa khi nào chúng ta thấm ý nghĩa của hai chữ hiện đại như bây giờ. Hai năm, thế giới đã chứng kiến nhiều thay đổi. Dịch bệnh Covid-19 khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về cách thức tiếp cận công việc và kể cả cách thức tiếp cận với thế giới khi mà hầu như các quốc gia “đóng cửa ở ẩn”, không đường bay, không thăm viếng. Nhưng, dịch bệnh là thế mà mọi hoạt động của thế giới chẳng thể giậm chân tại chỗ. Dòng chảy cuộc sống; nhịp điệu công việc vẫn diễn ra bình thường. Với ngoại giao trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đây thực sự là thách thức lớn và cũng là cơ hội lớn. Điều đó rất đúng với ngoại giao Việt Nam.

Nêu rõ, việc xây dựng nền ngoại giao “hiện đại” đã được đặt ra từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (năm 2018), Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, ngành ngoại giao không chỉ cần một tổ chức bộ máy tinh gọn, cơ chế vận hành khoa học, hiệu quả mà còn phải biết thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng của tình hình. Trong đó, ngoại giao Việt Nam hiện đại cần đẩy mạnh chuyển đổi số; có năng lực đổi mới sáng tạo cao; có đội ngũ cán bộ trung thành với lý tưởng của Đảng, luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên ưu tiên cao nhất, có năng lực ngang tầm khu vực và quốc tế.

Nói đến chuyển đổi số trong hoạt động đối ngoại, có lẽ một trong những người có kinh nghiệm nhất chính là Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh. Trong suốt năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đã phải tổ chức hàng trăm hội nghị; cuộc họp với hình thức trực tuyến- điều mà trước nay chưa từng làm. Và đã thành công rực rỡ.

Đó là minh chứng cho khẳng định đại dịch Covid-19 mang đến cho chúng ta muôn vàn khó khăn nhưng cũng cho chúng ta vô số kinh nghiệm và nỗ lực thay đổi.

2. Năm qua, Việt Nam đã triển khai và đẩy mạnh mạnh công tác ngoại giao trực tuyến, duy trì tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, mở rộng quan hệ ngoại giao, vận động, giao lưu, trao đổi về hợp tác kinh tế, văn hóa xã hội đều thông qua trực tuyến. Và tới đây, rất có thể, chúng ta cũng sẽ có mô hình Đại sứ ảo, Đại sứ lưu động như cách thức một số nước áp dụng thời gian vừa qua như một cách khắc phục khó khăn.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, trong thời kỳ đổi mới, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao mà một phần trong đó là nhờ sự nỗ lực trong hoạt động đối ngoại. Trong thời kỳ đổi mới, chúng ta xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, ngoại giao nối tiếp của đối nội, ưu tiên tạo môi trường tốt nhất để phát triển đất nước. Như vậy không có nghĩa là không coi trọng nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, không coi trọng và nâng cao vị thế của đất nước. Ba nhiệm vụ đó gắn chặt với nhau, tác động qua lại nhau, nhưng những ưu tiên này biến chuyển theo thời gian và yêu cầu. Với giai đoạn hiện nay, ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đang là ưu tiên hàng đầu. Hai năm nay bên cạnh thuật ngữ ngoại giao vaccine, các nhà ngoại giao vẫn âm thầm làm tốt công tác ngoại giao kinh tế.

Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã chia sẻ về câu chuyện đưa hình ảnh, sản phẩm và văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Coi doanh nghiệp Việt là khách quý của mình, Đại sứ Vũ Hồng Nam mỗi khi có dịp gặp gỡ với doanh nghiệp đều chủ động trao đổi, tìm hiểu về mục tiêu, mong muốn của doanh nghiệp, đồng thời đưa thông tin liên hệ trực tiếp của mình để doanh nghiệp tiện kết nối. Đại sứ cho biết: “Hội chợ nào có doanh nghiệp Việt Nam tham dự, tôi đều đến. Bởi lẽ, khi Đại sứ đến, lãnh đạo địa phương cũng sẽ tham dự, đi cùng là báo chí. Đây chính là kênh hiệu quả để quảng bá nông sản Việt Nam”.

Với một thị trường tiềm năng như Nhật Bản, sức mua lớn, người dân có thu nhập cao thì cơ hội để sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là nông sản tiến vào thị trường này có cơ hội rất lớn.

Cũng bằng kinh nghiệm, Đại sứ Vũ Hồng Nam nhắn nhủ các doanh nghiệp Việt hãy “tự tin”, không “tự ti” và không “tự mãn”. Nhưng, quan trọng là cần phải mạnh dạn đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất và phải có chiến lược xây dựng thương hiệu tại thị trường mình đang có thị phần hay đang hướng tới. Tóm lại, doanh nghiệp cần giữ vững niềm tin của khách hàng vào sản phẩm của mình bằng thương hiệu có chất lượng, có mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu của thị trường mà mình nhắm đến và hãy “bán những gì họ cần, không bán những gì mình có”.

3. Lợi ích cao nhất của chúng ta là có môi trường hòa bình trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để đưa nước ta thành nước phát triển. Chúng ta tự hào khi rất nhiều nước, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Nhưng, dù thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt, chúng ta vẫn cần hiểu rõ, trong các sản phẩm đó hàm lượng “gene Việt Nam” là bao nhiêu mới là điều quan trọng. “Phần thu về của chúng ta phải tương xứng, phải nhiều hơn chứ không chỉ làm công không”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nêu ý kiến.

“Cái cuối cùng phải là của Việt Nam. Như câu chuyện chuyển đổi số, Việt Nam phát triển rất nhanh lĩnh vực này. Nhưng có bao nhiêu người sử dụng hàng điện tử hay công nghệ của Việt Nam. Qua đó cho thấy nền tảng của chúng ta chưa thật vững chắc. Mặc dù thành tựu nhiều nhưng chúng ta cũng phải tỉnh táo để thấy chỗ nào là điểm mạnh, chỗ nào là điểm yếu để từ đó vươn lên”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngoại giao Việt Nam 2021: Chuyển mình phù hợp tình hình mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO