Ngoại trưởng Mỹ tìm cách hóa giải khủng hoảng Vùng Vịnh

12/07/2017 18:22

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự kiến sẽ có cuộc gặp với Quốc vương Arab Saudi và tổ chức các cuộc đối thoại với các đối tác của nước này cũng như 3 nhà nước Arab khác trong khu vực Vùng Vịnh với hy vọng tìm kiếm một giải pháp phá vỡ thế bế tắc trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đặt chân tới Arab Saudi trong hôm 12/7. (Nguồn: Reuters).

Chuyến công du tới Jeddah hôm 12/7 của ông Tillerson tiếp nối các cuộc gặp gỡ tại Doha giữa ông với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani và Ngoại trưởng Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani. “Tôi nghĩ rằng Qatar đã đưa ra quan điểm khá rõ ràng, và cũng rất hợp lý”, ông Tillerson nói.

Ngoài ra, ông Tillerson cùng người đồng cấp Qatar cũng tuyên bố rằng Mỹ và Qatar đã đạt một thỏa thuận về chống “chủ nghĩa khủng bố” và ngăn chặn nguồn tài chính rót cho chủ nghĩa khủng bố trong chuyến thăm vừa qua. Ngoại trưởng al-Thani nói rằng biên bản ghi nhớ này không có liên quan với cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Vùng Vịnh.

Tuy nhiên, trong một động thái phản ứng, Arab Saudi, Ai Cập, Bahrain và UAE - nhóm Bộ tứ đang cấm vận Qatar - đã gọi thỏa thuận trên là “chưa đủ”, thêm rằng biên bản ghi nhớ này là “kết quả của sức ép và những lời kêu gọi liên tiếp mà 4 nước cùng các đối tác của họ từng đưa ra trong những năm qua nhằm yêu cầu Qatar nhưng ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”, một cáo buộc mà Doha bác bỏ.

Chuyến thăm Arab Saudi hôm thứ Tư vừa qua là chặng dừng chân thứ 3 trong chuyến công du kéo dài 4 ngày tới Vùng Vịnh với mục tiêu tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng trong khu vực. Arab Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ với Qatar từ hôm 5/6 và thiết lập cấm vận trên cả ba tuyến đường không, đường biển và đường bộ với nước này.

Trong hôm trước đó, ông Tillerson đã có các cuộc hội đàm với Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah al-Ahmad al-Sabah cùng nhiều quan chức cấp cao khác. Giới chức Mỹ nói rằng họ không kỳ vọng chuyến thăm lần này sẽ đạt được bước đột phá, thay vào đó hy vọng sẽ mở ra các vòng đàm phán giữa các bên liên quan.

Hôm 22/6 vừa qua, nhóm Bộ tứ do Arab Saudi dẫn đầu đã công bố một danh sách gồm 13 yêu cầu với Qatar - trong đó có đóng cửa hãng truyền thông Al-Jazeera, cắt đứt quan hệ với Iran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở nước này - để đổi lấy việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Chính quyền Doha sau đó khước từ các yêu cầu này.

Hiện nay, Mỹ đang ủng hộ các nỗ lực trung gian hòa giải của Kuwait, nhưng chuyến công du của Ngoại trưởng nước này đã đánh dấu một mức độ liên quan mới của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh.

Giới chuyên gia nhận định, Ngoại trưởng Tillerson đang cố gắng nỗ lực ngoại giao với cả hai bên trong tranh chấp với mục đích giúp các bên “hạ hỏa”, từ đó tiến tới tổ chức đối thoại giải quyết khủng hoảng.

Điều này mẫu thuẫn với một số bước đi đầu tiên mà trước đó phía Nhà Trắng đưa ra trong phản ứng về cuộc khủng hoảng này, mà trong đó Tổng thống Donald Trump dường như đã đứng về phía Arab Saudi cùng các nước cấm vận Qatar. Nhưng hiện nay, quan điểm mà Mỹ đưa ra lại là thúc đẩy các nỗ lực hòa giải của Kuwait, mang tới một chút sức ép từ chính quyền Washington để giải quyết khủng hoảng.

Cố vấn kỳ cựu của ông Tillerson, R.C Hammond cho hay, các yêu cầu mà các nước láng giềng của Qatar đã đưa ra với nước này là không khả thi, nhưng thêm rằng một số trong các yêu cầu này “có thể thực hiện được”. Vị quan chức này tuy không nêu rõ các yêu cầu nào mà Qatar có thể thực hiện được, nhưng nói rằng các bên cần phải đàm phán thêm.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ từng cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh vó khả năng kéo dài trong nhiều tuần lễ, hoặc thậm chí trong nhiều tháng liền cùng khả năng gia tăng căng thẳng.

“Chúng tôi ngày càng quan ngại rằng cuộc tranh chấp này đang ở thế bế tắc vào thời điểm này. Chúng tôi tin rằng điều đó có thể khiến nó kéo dài trong nhiều tuần lễ, hoặc trong nhiều tháng, và có khả năng gia tăng căng thẳng” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói.

Phát ngôn viên trên không nêu rõ sự việc căng thẳng nào có thể xảy ra mà Mỹ đang quan ngại, mà chỉ nói rằng Ngoại trưởng Tillerson đã liên lạc rất chặt chẽ với các nước có liên quan tới cuộc khủng hoảng.

Hồi tháng trước, ông Tillerson đã thúc giục nhóm Bộ tứ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhằm vào Qatar, nói rằng nó đang gây nên các hậu quả về nhân đạo không lường trước và ảnh hưởng tới cuộc chiến mà mỹ đang dẫn đầu chống lại tổ chức phiến quân IS ở Iraq.

“Chúng tôi hy vọng rằng các nước này sẽ lập tức đưa ra các biện pháp để giảm thang căng thẳng và tìm cách giải quyết bất đồng giữa họ” - ông Tillerson nói trong cuộc họp báo tại Jeddah hôm 12/7.

Được biết, hiện có trên 11.000 binh sỹ thuộc lực lượng liên quân mà Mỹ dẫn đầu đang đóng tại căn cứ không quân Al Udeid của Qatar, nơi mà Mỹ triển khai các cuộc không kích nhằm vào IS hàng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngoại trưởng Mỹ tìm cách hóa giải khủng hoảng Vùng Vịnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO