Ngôi nhà thân thương của người Cơ Tu

Thanh Tùng 20/11/2020 14:00

Qua cơn bão số 9, tôi với tư cách là “người của Mặt trận” băm bổ vượt hơn 30 cây số đường lầy lội, bùn đất, lên 2 thôn tái định cư Tà Lang và Giàn Bí, nơi còn nhiều khó khăn của xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Bên bếp lửa nhà Gươl, già Bùi Văn Siêng (thôn Giàn Bí) và già Đinh Hồng Khanh (thôn Tà Lang) đã nói nhiều về nghĩa tình của Mặt trận. Từ rất lâu rồi, người Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí coi Mặt trận là mái ấm, coi cán bộ Mặt trận như người trong nhà.

Hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đều tổ chức trao học bổng cho sinh viên và xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, trong đó có con em đồng bào Cơ Tu của 2 xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú. Ảnh: Thanh Tùng.

Gần 50 năm trôi qua, nhưng các già làng Cơ tu ở nơi xa xôi, khó khăn nhất của TP Đà Nẵng như già Bùi Văn Siêng và già Đinh Hồng Khanh vẫn không quên hình ảnh những cán bộ Mặt trận đầu tiên của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đến với Tà Lang, Giàn Bí ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Hồi ấy, cán bộ Mặt trận muốn đến Tà Lang, Giàn Bí phải gùi cõng gạo, muối, đi bộ cả ngày đường. Xa xôi, cách trở nhưng mỗi lần nghe tin có cán bộ Mặt trận tỉnh và huyện lên, người Cơ Tu ở Tà Lang, Giàn Bí đều khấp khởi đợi chờ. Già Siêng và già Khanh nhớ nhất là thời bác Nguyễn Đình An làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời ấy khó khăn nhiều lắm nhưng nhờ cán bộ Mặt trận được bác An cử lên, bày cho cách trồng cây lúa nước, trồng cây sắn, khoai, phát huy nghề thủ công truyền thống nên cuộc sống người Cơ Tu ở Tà Lang, Giàn Bí cũng tạm ổn định.

Trước khi làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, bác Nguyễn Đình An là Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Lần nào về tỉnh dự họp, cán bộ xã Hòa Bắc và cán bộ 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí cũng được bác Nguyễn Đình An nhắc nhở phải cùng cán bộ Mặt trận tuyên truyền vận động mọi người, mọi nhà đoàn kết, tương thân tương ái vượt qua khó khăn, xây dựng đời sống mới.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng Nguyễn Đình An năm nay tròn 86 tuổi, được các già làng Cơ Tu ở Tà Lang, Giàn Bí một mực quý trọng mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm về ông.

Ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí cũng kể nhiều chuyện cảm động với các lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng kế nhiệm ông Nguyễn Đình An từ sau năm 1975 đến nay như ông Bùi Công Minh, ông Nguyễn Thanh Quang, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bà Đặng Thị Kim Liên.

Mỗi chuyến thăm của lãnh đạo và cán bộ Mặt trận đều để lại tình cảm ấm áp, thân thương. Ngoài những món quà tình nghĩa giúp các hộ nghèo vượt qua khó khăn, lãnh đạo và cán bộ Mặt trận đều tận tình hướng dẫn, hỗ trợ cách làm giàu từ lợi thế thiên nhiên và nghề truyền thống trên tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái.

Tà Lang, Giàn Bí nằm bên bờ sông Bắc, sông Nam, thượng nguồn sông Cu Đê đổ ra cửa biển Thủy Tú. Gần 300 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu người Cơ Tu vốn là một phần của cộng đồng Cơ Tu quần cư ở sườn Bắc và sườn Nam đỉnh Bà Nà - Núi Chúa.

Do đặc điểm địa lý và giao thông cách trở nên dù có rất nhiều cố gắng nhưng đời sống của người Cơ Tu Tà Lang, Giàn Bí vẫn khó theo kịp tốc độ phát triển hạ tầng, văn minh đô thị theo như cách mà đồng bào vẫn thường nói “miền núi tiến một thì miền xuôi tiến mười!”.

Khó khăn khách quan của cộng đồng dân cư thiểu số ở phía Tây Đà Nẵng, đặt nặng trách nhiệm lên đôi vai Mặt trận. Nếu Mặt trận không phát huy hết vai trò của mình và cán bộ Mặt trận ở cơ sở lơ là trách nhiệm thì đời sống của người Cơ Tu 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí còn khó khăn gấp nhiều lần.

Hiệu quả công tác Mặt trận đối với cộng đồng người thiểu số xã Hòa Bắc của huyện Hòa Vang phát huy rõ nét qua phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Mặt trận Đà Nẵng hỗ trợ khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nâng cao đời sống của người Cơ Tu thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng Đặng Thị Kim Liên cho biết, 5 năm qua, Mặt trận các cấp đã vận động nhân dân ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” với tổng số tiền trên 135 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vận động được, đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 3.123 nhà Đại đoàn kết với số tiền trên 58,5 tỷ đồng; hỗ trợ sinh kế, sản xuất cho 11.816 hộ nghèo với số tiền trên 10,9 tỷ đồng; tiếp sức đến trường cho hơn 11.000 học sinh, sinh viên con hộ nghèo số tiền hơn 8,578 tỷ đồng; hỗ trợ 107.674 suất quà Tết cho hộ nghèo với tổng số tiền hơn 43,443 tỷ đồng, giúp 20.293 hộ thoát nghèo, hoàn thành trước thời hạn chương trình giảm nghèo giai đoạn 2010 - 2015 và 2016 - 2020 của thành phố.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng góp phần làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống người Cơ Tu ở Tà Lang, Giàn Bí. Trong số hơn 3.123 Nhà đại đoàn kết giai đoạn 2015 – 2020 có hàng trăm Nhà đại đoàn kết được Mặt trận hỗ trợ, sửa chữa, xây dựng ở nơi có đồng bào Cơ Tu sinh sống trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

Đầu năm 2020, cùng với việc tiếp tục trao hỗ trợ thêm 14 Nhà đại đoàn kết cho người nghèo ở Tà Lang, Giàn Bí; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng Đặng Thị Kim Liên còn thông báo tin mừng là trong năm 2020, thành phố sẽ xây dựng một ngôi nhà Gươl ở khu tái định cư Tà Lang - Giàn Bí để đồng bào Cơ Tu có nơi sinh hoạt, vui chơi, gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống.

Nếu như ở miền xuôi, người Kinh có ngôi đình làng, ở Tây Nguyên, người Gia Rai có mái nhà rông thì trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, Người Cơ Tu tự hào với nhà Gươl của dân tộc mình. Tin vui từ người đứng đầu Mặt trận của TP Đà Nẵng khiến đồng bào Cơ Tu thêm phấn khởi, coi Mặt trận là mái nhà ấm áp, thân thương.

Cũng theo thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang, cùng với những nỗ lực tìm cách giúp bà con Cơ Tu ở nơi xa xôi cách trở nhất của Đà Nẵng là Tà Lang, Giàn Bí thoát nghèo, Mặt trận, chính quyền và ngành chức năng còn định hướng, hỗ trợ cho gần 200 hộ Cơ Tu thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) phát huy nghề truyền thống là làm rượu cần cung cấp cho các khu du lịch, nhà hàng.

Mặt trận cùng với ngành chức năng hỗ trợ các hộ dân mua bình, hũ đựng rượu, đăng ký thương hiệu, nhãn mác, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các khu du lịch.

Ý thức khởi nghiệp từ nghề rượu cần truyền thống đã xuất hiện trong các hộ gia đình ở Phú Túc, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho cộng đồng người Cơ Tu ở Đà Nẵng.

Nếu như trước đây cuộc sống hàng ngày của bà con Cơ Tu 2 thôn Tà lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú) chỉ trông chờ vào làm rẫy thì nay đã thay đổi nhờ phát huy nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần truyền thống, tổ chức du lịch cộng đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) Lê Thị Thu Hà nhìn nhận, Mặt trận có công lớn làm thay đổi tích cực đời sống, văn hóa tinh thần của người Cơ Tu ở Tà Lang, Giàn Bí. Vai trò Mặt trận thông qua các già làng uy tín như già Bùi Văn Siêng, Đinh Hồng Khanh đã phát huy, lan tỏa, trở thành chỗ dựa tin cậy và là ngôi nhà ấm áp với gần 300 hộ dân Cơ Tu suốt 50 năm qua.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) Lê Thị Thu Hà nhìn nhận, Mặt trận có công lớn làm thay đổi tích cực đời sống, văn hóa tinh thần của người Cơ Tu ở Tà Lang, Giàn Bí. Vai trò Mặt trận thông qua các già làng uy tín như già Bùi Văn Siêng, Đinh Hồng Khanh đã phát huy, lan tỏa, trở thành chỗ dựa tin cậy và là ngôi nhà ấm áp với gần 300 hộ dân Cơ Tu suốt 50 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi nhà thân thương của người Cơ Tu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO