Ngỗng dễ nuôi, nhanh lớn

Văn Dân 05/12/2020 09:00

Ngỗng là loại gia cầm dễ nuôi, hay ăn chóng lớn, ít mắc bệnh, hiệu quả kinh tế cao.

Là loài ăn tạp nhưng thức ăn chủ yếu là rau cỏ, ít cần đến lương thực nên chăn nuôi ngỗng cũng tương đối đơn giản. Vì thế nhiều gia đình nghèo đã nuôi ngỗng để có thêm nguồn thu nhập.

Ngỗng có khả năng tăng trọng rất nhanh. Sau 10 – 11 tuần nuôi, khối lượng cơ thể của nó có thể tăng gấp 40 lần so lúc nở. Sau 3 – 4 tháng nuôi, ngỗng choai thường đạt trọng lượng 4 – 4,5 kg, riêng với các giống ngỗng ngoại có thể lên tới 5 kg. Nếu chăm sóc tốt ngay từ đầu thì chỉ sau 3 – 4 tháng là có thể xuất chuồng.

Càng ngày nhu cầu thịt ngỗng càng tăng, nhất là với các nhà hàng ở thành thị. Có thể nói là ngỗng là mặt hàng luôn khan, người chăn nuôi không sợ khó bán và cũng không sợ bị ép giá. Tuy là loài phàm ăn, ít bệnh tật, chóng lớn nhưng khi nuoi ngỗng bà con cũng cần nắm được một số yêu cầu cơ bản.

Trước hết là việc chọn con giống. Hiện phổ biến là các loài ngỗng cao sản như: ngỗng trắng, ngỗng xám vằn, ngỗng chân thấp, ngỗng chân cao. Tùy thuộc vào nhu cầu của từng hộ chăn nuôi để lựa chọn loại giống phù hợp, nhưng kinh nghiệm cho thấy nếu nuôi ngỗng đàn, bà con nên chọn những con xám hoặc vằn, chân to vì chúng đi khỏe và chịu khó kiếm ăn. Ngỗng giống tốt là khi nở có khối lượng cơ thể từ 85 – 100 g/con.

Lúc đó, cần chọn những con có bộ lông bóng mịn, mắt sáng, đi lại vững vàng nhanh nhẹn, lỗ hậu môn gọn khô.

Giai đoạn nuôi ngỗng con (còn gọi là giai đoạn “gột”), lúc đó ngỗng con ít tự điều tiết thân nhiệt, nên không chịu được rét, cần được sưởi ấm thường xuyên. Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên giúp ngỗng con có sức đề kháng tốt. Người gột ngỗng con cần làm chuồng bằng cách quây kín bằng cót cao từ 0,8 – 1m, che chắn cẩn thận, sử dụng lò sưởi hoặc bóng điện vừa để thắp sáng vừa để sưởi ấm. Tuần đầu, nhiệt độ chuồng quây nên giữ ở mức 32 – 35 độ C. Các tuần sau có thể giảm dần nhiệt độ: Tuần thứ hai 27 – 29 độ C, tuần thứ ba 25 – 27 độ C, tuần thứ tư 23 – 25 độ C.

Trường hợp dùng than hoặc trấu để sưởi cho ngỗng con thì phải làm lối thoát khói, tránh ngỗng con bị ngạt bởi thiếu ôxi hay là ngộ độc khí than.

Có một cách nhận biết ngỗng có đủ ấm hay không rất đơn giản: nếu ngỗng thiếu nhiệt bị lạnh sẽ nằm đè lên nhau thành từng đống, nếu ngỗng quá nóng sẽ tránh xa nguồn nhiệt, nếu nhiệt độ vừa đủ thì ngỗng đi lại ăn uống bình thường.

Mỗi chuồng gột ngỗng con nhiều nhất 10 – 15 con/m2 với ngỗng dưới 7 ngày tuổi; 6 – 8 con/m2 với ngỗng trên 7 ngày và dưới 1 tháng tuổi.

Về thức ăn, trong những tuần đầu tiên, thức ăn chủ yếu của ngỗng con là rau tươi thái nhỏ, như lá xu hào, lá cải bắp, bèo tấm… trộn lẫn với cám ngô hoặc gạo. Nếu muốn ngỗng mau lớn, bà con có thể mua thức ăn chế biến sẵn trộn với cám theo tỷ lệ 35 – 40%, cho chúng ăn từ 4 – 5 bữa/ngày. Vì ngỗng lớn rất nhanh, máng ăn nên làm bằng tôn kích thước 45 x 60 x 2 cm dùng cho 25 – 30 ngỗng con. Máng uống cũng phải to để đủ lượng nước cho chúng uống hàng ngày.

Sau tuần thứ 3, lúc này ngỗng đã cứng cáp có thể chăn thả ở những nơi có rau cỏ mọc tự nhiên, nguồn nước sạch và có bóng râm. Ban ngày ngỗng sẽ tự đi ăn, chỉ bổ sung thức ăn tinh cho ngỗng vào buổi chiều và ban đêm. Lưu ý thức ăn là rau rất quan trọng trong khẩu phần của ngỗng: Ở giai đoạn 25- 26 ngày tuổi ngỗng có thể ăn tới 1 – 1.2 kg thức ăn rau xanh/ngày và tăng mạnh ở các giai đoạn sau.

Thức ăn tinh của ngỗng có thể là cám ngô, thóc ngâm, khoai lang, sắn, bột đỗ tương… nhưng tuyệt đối không dung các loại thuốc kháng sinh chất tăng trưởng sẽ làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng thịt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngỗng dễ nuôi, nhanh lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO