Ngư dân muôn đời bám biển

Tấn Thành 02/05/2020 09:00

Thật đáng trân trọng vì giữa mùa dịch Covid-19 và trăm cái khó khác, thế nhưng tại các cảng cá ở Quảng Nam, Quảng Ngãi tàu thuyền ngư dân vẫn vươn khơi bám biển, trong khi đó những con tàu đánh bắt xa bờ đang cập cảng chở về đầy ắp hải sản.

Ngư dân muôn đời bám biển

Lướt sóng ra khơi.

Trùng khơi nhiều bất trắc

Với ngư dân, nhất là nghề đánh bắt xa bờ bao giờ cũng đối diện với nhiều gian khó. Ngoài khơi xa chẳng ai lường hết được lúc nào biển nổi giận, khiến phong ba nổi lên nhấn chìm tàu thuyền. Hoặc có lúc con tàu bỗng dưng chết máy, trôi dạt tự do giữa biển trời chẳng biết đâu mà lường, rồi những lúc ốm đau bệnh tật giữa trùng khơi đầy bất trắc. Càng đáng lo hơn khi bỗng dưng bị tàu nước ngoài tấn công, lấy sạch hải sản, ngư lưới cụ, thậm chí tông chìm tàu khiến tính mạng ngư dân phút chốc trở nên hiểm nguy,…

Như mới đây vụ tàu cá QNg 90617 TS có 8 lao động đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc đâm chìm may mà có các tàu cá của ngư dân ta cứu hộ kịp thời. Đây không phải là lần đầu mà đã có rất nhiều lần tàu cá của ngư dân ta bị tàu nước ngoài tấn công, cướp bóc hải sản ngư lưới cụ.

Như trước đó tàu cá QNa 90822 TS của ngư dân Nguyễn Tấn Sơn ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã bị một số người trên tàu lạ nhảy sang cắt, đập phá các ngư lưới cụ khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa.

Còn trên bờ, ngoài việc nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ giá cả thường tăng cao thì đầu ra cho hải sản đánh bắt gặp nhiều khó khăn, rồi tàu neo đậu tại nơi trú ẩn bỗng dưng bị cháy khiến sản nghiệp tiêu tan. Cay đắng nhất, sau khi cả tháng trời lênh đênh trên biển, dù trúng đậm hải sản nhưng về tới đất liền bị tư thương ép giá.

Như những ngày qua, cá về tại các cảng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi giá cả xuống thấp thê thảm khiến ngư dân lỗ nặng. Như tại cảng cá Sa Kỳ, ngư dân Ngô Văn Sáng (42 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Chuyến biển này tôi chi phí gần 200 triệu đồng, sau gần một tháng vươn khơi bám biển Hoàng Sa đánh bắt được khoảng 5 tấn cá mó. Trúng mẻ cá này ai cũng vui mừng và nghĩ tàu vào bờ sẽ bán cá được giá cao. Tuy nhiên, khi tàu cập cảng thương lái trả giá rất thấp. Nhưng nếu không bán cá cho họ không thể thu lại ít vốn đã bỏ ra và không có tiền trả cho 10 bạn thuyền nên tôi đành chấp nhận bán với giá rẻ như bèo và bị lỗ nặng”.

Khó có thể nói hết những khó khăn của ngư dân, có điều thật đáng trân trọng, dù gian khó đến đâu họ luôn luôn quyết tâm bám biển. Đối với họ biển cả là nhà, là chốn mưu sinh là chủ quyền cha ông để lại. Nghề biển thấm vào máu, tim họ không thể bỏ biển, bỏ nghề.

Ngư dân muôn đời bám biển - 1

Ngư dân muôn đời bám biển - 2

Niềm vui của ngư dân.

Không bao giờ đơn độc

Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, giúp đỡ những lúc khó khăn, tai nạn, ốm đau hay hỗ trợ xăng dầu, tạo điều kiện vay vốn. Như Nghị định 67 (NĐ67) của Chính phủ đã tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng những con tàu vỏ thép và gỗ, có công suất lớn để vươn khơi xa, trong số đó có nhiều tàu cá đã làm ăn hiệu quả.

Ngư dân Trần Công Kỳ (52 tuổi), ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, chủ tàu vỏ thép QNa 90318 TS, công suất 822 CV nói: “Trước đây tàu nhỏ tôi không dám vươn xa. Nhưng khi có con tàu từ nguồn vốn NĐ67, mỗi chuyến xa khơi tàu tôi đánh bắt được hàng chục tấn mực, sau khi trừ các khoản chi phí, tiền công cho hơn 15 thuyền viên, tôi kiếm được khoảng 500-600 triệu đồng/chuyến”. Đó cũng là tâm sự của nhiều chủ tàu vay được vốn từ NĐ67.

Cùng với đó là Nghiệp đoàn nghề cá, Tổ đoàn kết trên biển được thành lập để hỗ trợ giúp đỡ nhau trong lúc đánh bắt hải sản xa bờ. Nhiều năm qua lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển đã rất nỗ lực giúp đỡ ngư dân, như thông tin về thời tiết, cứu hộ lúc gặp nạn càng giúp bà con yên tâm bám biển.

Bà Huỳnh Thị Thương, Phó giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Quảng Nam cho biết, Quỹ đầu tư là nơi tiếp nhận nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện cho vay tài chính phát triển năng lực tàu khai thác hải sản hoạt động tại các vùng biển xa. Tổng nguồn vốn cho vay đến nay đạt 64.529,571 triệu đồng. “Nguồn vốn của Quỹ được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả sử dụng nhằm giúp bà con ngư dân an tâm bám biển khai thác hải sản, tạo điều kiện phát triển”- bà Thương nói.

Còn nói về vai trò của Mặt trận đối với ngư dân, ông Nguyễn Cao Phúc- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngoài những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã vận động thành lập trên 300 Tổ đoàn kết trên biển để hỗ trợ lẫn nhau. Quỹ Hỗ trợ ngư dân đã vận động 105 tỷ đồng, cùng với Quỹ Cứu trợ đã hỗ trợ đóng mới, sửa chữa tàu cá, hỗ trợ ngư dân bị nạn với số tiền trên 84 tỷ đồng.

MTTQ tỉnh và các cấp đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, đèn pin, tặng 528 túi y tế, 4.000 thẻ bảo hiểm cho thuyền viên; hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; hàng nghìn suất quà cho ngư dân và học sinh; 74 hộ ngư dân nghèo huyện Lý Sơn được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết với mức từ 30-50 triệu đồng…

Cùng với đó là tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần ngư dân để ổn định sản xuất, yên tâm ra khơi bám biển. Hiện nay Mặt trận tỉnh tiếp tục sử dụng nguồn huy động này để hỗ trợ ngư dân và tàu thuyền khi bị nạn trên biển.

“Tất cả những việc làm đó đã có sức động viên rất lớn, giúp ngư dân tự tin vươn khơi bám biển” - ông Phúc nói.

Chính vì không đơn độc nên đội tàu đánh bắt hải sản của Quảng Nam, Quảng Ngãi không ngừng phát triển và lớn mạnh. Theo đó, Quảng Ngãi hiện có trên 5.600 chiếc tàu thuyền, trong đó có 1.770 chiếc thường xuyên khai thác thuỷ sản tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn DK1. Hơn 4 vạn lao động trực tiếp sản xuất trên biển, mỗi năm khai thác trên 100.000 tấn hải sản các loại. Còn tại Quảng Nam hiện đã có hơn 1.500 tàu thuyền với tổng công suất hơn 103.000CV, trong đó đến 217 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Nối tiếp truyền thống của ông cha, ngư dân vẫn ngày đêm kiên cường bám biển. Sự hiện diện của họ ở những vùng biển xa chính là những cột mốc sống để góp phần bảo vệ chủ quyền của biển đảo của Tổ quốc.

Chính vì sự không đơn độc nên đội tàu đánh bắt hải sản của Quảng Nam, Quảng Ngãi không ngừng phát triển và lớn mạnh. Theo đó, Quảng Ngãi hiện có trên 5.600 chiếc tàu thuyền, trong đó có 1.770 chiếc thường xuyên khai thác thuỷ sản tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn DK1. Hơn 4 vạn lao động trực tiếp sản xuất trên biển, mỗi năm khai thác trên 100.000 tấn hải sản các loại. Còn tại Quảng Nam hiện đã có hơn 1.500 tàu thuyền với tổng công suất hơn 103.000CV, trong đó đến 217 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngư dân muôn đời bám biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO