Ngư dân phấn khởi vươn khơi

Quảng Nghĩa 06/05/2020 08:00

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ cuối tháng 3 đến nay, giá xăng dầu giảm mạnh kỷ lục trong vòng 11 năm qua, đây cũng là thời điểm đánh bắt vụ cá Nam nên ngư dân Quảng Bình rất phấn khởi, hăng hái vươn khơi, bám biển.

Ngư dân phấn khởi vươn khơi

Ngư dân bãi ngang xã Nhân Trạch trúng vụ cá nam.

Những ngày đầu tháng 5, tại các cảng cá ở tỉnh Quảng Bình, tàu thuyền của ngư dân vẫn tấp nập ra khơi, vào bến. Tại cảng Gianh, ngư dân Nguyễn Văn Chính ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch), chủ một tàu cá có công suất hơn 800CV chuyên nghề lưới vây (trên tàu có 15 lao động), đang phấn khởi chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới.

Ông Chính cho biết, nếu như trước Tết, mỗi lần ra khơi, tàu của ông phải chuẩn bị với chi phí trên 100 triệu đồng thì ở thời điểm hiện tại số tiền này chỉ còn khoảng 60 triệu đồng. Bởi vì, để một chiếc tàu cá ra khơi hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, chi phí tiền dầu đã chiếm đến 70%. Với giá dầu giảm từ 17.000 đồng/lít xuống còn 11.000 đồng/lít, kéo theo những chi phí liên quan đến hoạt động khai thác tàu biển, như: nước đá, vận tải, nhu yếu phẩm… cũng giảm theo, đã giúp mỗi chuyến biển của ngư dân giảm được 40% chi phí. Do đó, dù giá bán thấp nhưng ngư dân vẫn có lãi.

Trở về từ vùng biển xa và đang neo đậu tại bờ sông Nhật Lệ, chiếc tàu đánh bắt với công suất 800CV chuyên nghề mành chụp của ngư dân Nguyễn Công Hoan ở thôn Mỹ cảnh, xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) vừa bán mẻ hải sản thu được hơn 400 triệu đồng. Ông Hoan cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá hải sản có hạ đôi chút nhưng nhờ giá dầu giảm sâu, đánh bắt đạt sản lượng nên chuyến biển vừa rồi của chúng tôi vẫn có lãi. Sau khi trừ các chi phí, 10 lao động trên tàu cá của tôi đều được chia trung bình trên 10 triệu đồng/lao động”.

Bên bờ Nhật Lệ, nhiều chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở xã Bảo Ninh cũng cho biết, giá nhiên liệu giảm đã góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển với thời gian dài hơn, ngư trường đánh bắt xa hơn.

Cùng với đó, vào thời điểm này (từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch) đang vào mùa đánh bắt cá thuận lợi nhất trong năm, có nhiều loại cá giá trị cao, như: cá thu, cá ngứa, cá bớp, cá ngừ…. nên ngư dân càng phấn khởi vươn khơi.

Cùng với đội thuyền đánh bắt xa bờ, ở các xã biển bãi ngang như Ngư Thủy (Lệ Thủy), Hải Ninh (Quảng Ninh), Nhân Trạch (Bố Trạch), Quảng Xuân (Quảng Trạch)… những chiếc thuyền có công suất nhỏ (trên dưới 30 CV) cũng phấn khởi ra khơi vào lộng. Khi giá xăng dầu giảm, cá mực đánh bắt gần bờ tươi ngon, bán được giá nên hầu hết ngư dân ra biển đánh bắt trở về đều có lãi cao.

Ngư dân Lê Hồng Phong ở xã Nhân Trạch cho biết, ông và người em cùng chung 1 chiếc tàu cá công suất 40CV, chuyên đánh bắt gần bờ. Mỗi chuyến ra khơi (từ 16 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau), tàu cá của ông tiêu thụ hết 60 lít dầu. Nếu như trước đây, mỗi đêm đánh bắt, riêng tiền dầu đã tốn hơn 1 triệu đồng, thì hiện nay chỉ còn lại khoảng 660.000 đồng. Vì vậy, theo ông Phong, mặc dù biển bãi ngang năm nay mất mùa hơn so với mọi năm nhưng nhờ đánh bắt gần bờ, cá mực tươi ngon, bán được giá nên mỗi đêm đánh bắt anh em ông cũng kiếm được trên 1triệu đồng/người.

Hiện tại ở Quảng Bình, dù giá hải sản giảm hơn so với năm trước, nhưng giá mực tươi vẫn ở mức 220 đến 250 nghìn đồng/kg, cá nục từ 50 đến 80 nghìn đồng/kg. Vì vậy, sau khi trừ các chi phí, ngư dân có thu nhập từ 400 nghìn đến một triệu đồng/chuyến/đêm. Nhờ đó, giúp người dân ổn định cuộc sống, vượt qua thời kỳ khó khăn của dịch Covid-19.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có có 5.732 chiếc tàu, thuyền khai thác hải sản, trong đó gần 1.500 tàu đánh bắt xa bờ, tạo việc làm, thu nhập cho trên 24.000 lao động trực tiếp trên biển. Bước vào vụ cá Nam năm 2020, mục tiêu đặt ra của ngành khai thác hải sản trên biển là 40.000 tấn. Được biết, tổng kết vụ cá Bắc năm 2019-2020, sản lượng khai thác biển của ngư dân Quảng Bình ước đạt 23.116 tấn, đạt 111,6% so với với sản lượng khai thác cá vụ Bắc năm 2018-2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngư dân phấn khởi vươn khơi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO