Ngư dân vượt khó vươn khơi – Bài 1: Gian nan nghề đi biển

Tấn Thành-Chí Đại 03/11/2022 06:49

Nghề khai thác hải sản ở biển khơi luôn đối diện với nhiều khó khăn, do ngày càng thiếu lao động, giá thủy sản bấp bênh, xăng dầu tăng giá và thời tiết khắc nghiệt... Thế nhưng ngư dân nơi đây vẫn kiên trì bám biển.

Tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam neo đậu tại bờ.

Ngư dân Trần Trường, chủ tàu cá QNa 91289 TS (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết, thời gian qua việc tìm kiếm bạn thuyền gặp rất nhiều khó khăn, vì thế nguồn lao động đi biển thiếu hụt nghiêm trọng. Tàu của ông, trung bình mỗi chuyến vươn khơi cần ít nhất 12 đến 15 bạn thuyền, thế nhưng đã mấy tháng trôi qua không thể vươn khơi vì huy động không đủ người.

Còn ngư dân Bùi Xuân Thành cũng trú ở xã Tam Quang cho biết: “Tôi quyết định đầu tư 2 tỷ đồng để tu bổ lại con tàu gỗ của mình. Nghĩ rằng, sau khi nâng cấp tàu to, máy móc hiện đại ra biển yên tâm đánh bắt hải sản cho năng suất cao. Thế nhưng ai ngờ đến bây giờ mọi thứ đảo lộn hết, tìm không ra bạn thuyền nên con tàu của tôi đành gác bến nằm bờ. Nợ nần, mưu sinh đối diện với nhiều cái khó chưa có đường ra”.

Nguyên nhân thiếu bạn thuyền, ông Trường và ông Thành cho biết, tiền công lao động đi biển được trả theo chuyến biển, nghĩa là đánh bắt hải sản trúng có thu nhập cao nhưng chi phí nhu yếu phẩm, xăng dầu ít thì bạn thuyền được trả tiền công nhiều, ngược lại chi phí tăng họ sẽ nhận được ít tiền công. Thế nhưng hải sản đánh bắt ngày càng khan hiếm, giá cả bất thường, có thời điểm dịch Covid-19 hoành hành hải sản đánh bắt về không tiêu thụ được, có khi phải bán với giá “rất bèo”. Cùng với đó, ngư lưới cụ, xăng dầu tăng giá liên tục đã ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân.

“Chi phí mỗi chuyến đi biển đánh bắt cá trước đây từ 120 đến 150 triệu đồng, thế nhưng bây giờ đã lên trên 200 triệu đồng, trong khi đó năng suất đánh bắt hải sản thấp, giá cá thì bấp bênh. Thu nhập thất thường, không ổn định, công việc lại vất vả nên thuyền viên không mặn mà với nghề đi biển. Nghề biển bây giờ đã khó ngay từ bờ, còn ra khơi thì biết bao nhiêu gian khó nữa” - ông Thành nói.

Không chỉ thiếu bạn tàu, mà nghề biển khi ra khơi còn đối diện với trăm ngàn cái khó. Như tai nạn trên biển mà điển hình vụ tai nạn xảy ra ngày 17/8 đã khiến tàu cá QNa-91568 TS do ông Đặng Văn Hội, 51 tuổi (trú ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng, trên tàu có 43 thuyền viên; Khi thuyền hoạt động đánh bắt hải sản cách bờ biển tỉnh Bình Định 173 hải lý về hướng Đông thì va chạm với tàu vận tải và bị chìm. Rất may Bộ đội Biên phòng đã kịp thời cứu hộ thành công, nếu không chẳng biết hậu quả đến đâu.

Hay như vụ tàu cá QNa-92675 TS do ông Trần Đậu, 50 tuổi (trú xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng, trên tàu có 5 lao động, trên đường vào bờ cách Hòn Tai thuộc vùng biển Cù lao Chàm khoảng 7 hải lý thì tàu bị phá nước và chìm dần. Lần này cũng rất may được ứng cứu kịp thời, ngừa an toàn, nhưng hải sản ngư dân đánh bắt được đã chìm trong biển.

Ông Bùi Xuân Thành chuẩn bị cho con tàu ra khơi.

Cũng có những vụ tai nạn đã đem lại sự đau thương mất mát về người. Như vụ tai nạn đường thủy trên biển Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, tàu hàng tông tàu cá vào ngày 6/6 đã khiến tàu cá QNg 91426 TS do ông Trần Văn Công, 47 tuổi (trú tại xã Tịnh Kỳ) làm thuyền trưởng, đã khiến cho 3 ngư dân tử vong, 5 người bị thương.

Thoát chết vào bờ, lúc gặp chúng tôi, ông Công cho biết: “Tàu hàng đâm vào tàu tôi quá mạnh nên khiến nó chìm luôn, đáng nói tàu hàng cũng bỏ chạy. Chúng tôi chỉ biết cố gắng bám vào các mảnh vỡ đồ đạc và dìu nhau chờ trời sáng để các tàu thuyền khác thấy mà cứu. Thật quá đau lòng khi 3 bạn thuyền đã không thoát nạn, còn tài sản thì chìm ngoài biển khơi”.

Hay như vụ tàu cá QNa 91919 của ông Lương Văn Tồn, 46 tuổi (trú thôn Đông An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) làm chủ trên tàu có 44 ngư dân, tàu bị chết máy và sau đó chìm dưới biển Trường Sa khiến 44 thuyền viên chới với giữa biển khơi. Rất may họ đã được tàu cá QNa 90039 của ông Lương Văn Cam cùng các tàu gần đó cứu vớt đưa lên tàu an toàn.

Đó chỉ là những vụ điển hình, còn có nhiều tàu cá gặp nạn trên biển. Nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra. Khó có thể nói hết những hiểm nguy rình rập ngư dân trong những chuyến ra khơi. Từ tàu lạ tấn công, cướp hải sản, tịch thu ngư lưới cụ, đến gió bão quật ngã, hay có những con tàu chết máy không thể cứu được đành trôi dạt giữa biển khơi, ngư dân phó mặc tính mạng chỉ mong chờ may mắn có được tàu cứu vớt.

Trò chuyện với chúng tôi, ngư dân Trần Văn Mạnh - thuyền trưởng tàu QNa 95005 TS bị Malaysia bắt giữ đã về nhà an toàn kể lại, khi ông cùng các thuyền viên đang đánh bắt hải sản thì bị tàu Malaysia bắt giữ, họ cho rằng tàu cá của ông cùng các ngư dân trên tàu vi phạm đánh bắt hải sản thuộc vùng biển của nước họ. Tuy nhiên ông khẳng định là tàu cá QNa 95005 TS đánh bắt đúng tọa độ thuộc vùng biển của Việt Nam, không vi phạm vùng biển của nước bạn. Thế nhưng họ vẫn bắt giữ và tịch thu hết toàn bộ khoảng 30 tấn mực khô, giá trị hơn 5 tỷ đồng mà các ngư dân trên tàu của ông Mạnh đã đánh bắt được. Ngoài ra, họ còn thu toàn bộ ngư lưới cụ và cả tư trang của thuyền viên trên tàu.

“Nghề biển là nghề đầy gian nan vất vả, đối diện nhiều hiểm nguy nhưng đã là nghề truyền thống của cha ông để lại, mỗi người dân vươn khơi bám biển cũng chính là những cột mốc sống góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước nên chúng tôi vẫn quyết tâm ra khơi” - ông Mạnh cho biết.

Còn bà Trần Thị Tình, vợ ông Mạnh nói trong nỗi niềm và nước mắt: “Kể từ khi chồng bị bắt giữ, tôi lo lắng vô cùng về tình hình sức khỏe của chồng mình và thuyền viên trên tàu cá QNa 95005 TS. Ban ngày tôi chạy hỏi khắp nơi, ban đêm thao thức trông mong chồng và bạn thuyền được về nhà an toàn, thắt ruột, thắt gan. Đúng như ông bà nói chẳng có sai, “lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngư dân vượt khó vươn khơi – Bài 1: Gian nan nghề đi biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO