Người anh hùng chưa được vinh danh

Nguyễn Lân Dũng 30/06/2017 14:10

Bác Đặng Văn Việt đi xe máy đến nhà tôi để tặng cuốn sách “Hùm xám đường số 4” do NXB Văn học phối hợp với Sputnik xuất bản. Tôi ngạc nhiên khi thấy vị cựu chiến binh 97 tuổi tay chống gậy mà đi xe máy như thanh niên.

Bác bảo tôi: “Tôi đến tìm anh để tặng sách vì nhớ đến Thày Lân”. Hoá ra đây là chàng trai xứ Nghệ là học trò của bố tôi tại trường Khải Định, cùng thời với các bác mà tôi từng quen biết như Lê Văn Giạng, Ngô Điền, Hoàng Đình Phu… Các bác này nay đã là người thiên cổ ít ai có được tuổi 97 như bác Việt hôm nay.

Tuy nghe danh Anh hùm xám đường số 4 từ khi còn là học sinh trung học nhưng hôm nay tôi mới được đọc câu chuyện sinh động của vị lão thành cách mạng này. Cụ tham gia cách mạng từ năm 1943, khi tôi mới 5 tuổi. Năm 1945 cụ đã là Giám đốc Trường quân chính Trung bộ. Về giai đoạn này cụ kể để tác giả Nguyễn Thế Nghiệp ghi lại như sau: “Sau khi đỗ Tú tài Việt ra Hà Nội học Đại học Y khoa và tham gia Tổng hội Sinh viên cứu quốc rồi trở thành thành viên bí mật của Việt Minh. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Việt tham gia tổ Hướng đạo đi thu gom xác người chết đói để đưa đi chôn, mỗi hố cả trăm xác người. Rời Hà Nội, Việt trở về Huế tham gia trường Thanh niên tiền tuyến của luật sư Phan Anh và giáo sư Tạ Quang Bửu.

Việt bắt đầu hoạt động trong tổ Việt Minh dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Anh. Sáng ngày 20/8/1945, Việt trực tiếp đảm nhiệm việc cắm lá cờ đỏ sao vàng rộng 100 m2 trên cột cờ Huế trước sự hân hoan của đông đảo nhân dân kinh đô Huế. Hai hôm sau, ngày 23/8/1945, hàng chục vạn người ủng hộ Việt Minh đã nổi dậy giành chính quyền tại Huế. Việt cùng 42 Thanh niên tiền tuyến khác trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt của Cách mạng tháng Tám tại Huế.

Sau chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947, ở tuổi 27 Việt được điều từ trường Võ bị Trần Quốc Tuấn về làm Trưởng phòng Tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu. Ít lâu sau trực tiếp tham gia chiến đấu và trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 đến năm 1949 và tiếp theo là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 đến tậ n năm 1953. Ít ai nhớ rằng Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 (Trung đoàn trưởng là Lê Trọng Tấn) là hai Trung đoàn chủ lực đầu tiên của nước ta (!). Chiến công lừng lẫy của Đặng Văn Việt là giai đoạn là Chỉ huy Mặt trận đường số 4 (1947-1950). Trung đoàn 174 do anh chỉ huy đã hai lần được tuyên dương Anh hùng, 2 tiểu đoàn cũng được tuyên dương Anh hùng, 10 cán bộ, chiến sĩ được phong Anh hùng, nhiều cán bộ được phong quân hàm cấp Tướng (1 Thượng tướng, 6 Trung tướng, 12 Thiếu tướng, 100 Đại tá. Vậy mà người Trung đoàn trưởng đầu tiên Đặng Văn Việt chỉ được giữ mãi đến cuối đời quân hàm Trung tá (!). Ông không hề nản lòng và tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ mới không kém phần khó khăn như Chủ nhiệm huấn luyện ở Trường sĩ quan lục quân Việt Nam (1954-1960) rồi được chuyển ngành làm Cục phó, rồi Cục trưởng Cục xây dựng tại Bộ Xây dựng và Bộ Thuỷ sản (1960-1980)

Người được mệnh danh là Hùm xám đường số 4 đến hôm nay chỉ có quân hàm cao nhất là Trung tá và chưa một lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang.

Đánh giá về ông, anh hùng La Văn Cầu đã phải thốt lên: “Nếu tôi được phong anh hùng một lần thì tôi nghĩ Thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đánh giá: “ Ở Việt, về tài và đức là điều không cần bàn đến: Sáng tạo về quân sự , vững vàng về chính trị, khả năng thể hiện trong văn học thật dồi dào”. Đại tướng Chu Huy Mân đánh giá: “Tôi kính trọng và hiểu Đặng Văn Việt. Đây là một nhà chỉ huy đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, trong quan hệ với đồng đội. Tôi xác nhận điều này, vì khi Việt giữ chức Trung đoàn trưởng tôi là Chính trị viên Trung đoàn 174”. Đại tướng Lê Trọng Tấn nhận xét: “Anh Đặng Văn Việt luôn nhanh chóng tìm ra những cách đánh sáng tạo, thích hợp với thực tiễn chiến trường của trận đánh và của chiến dịch. Quyết định đánh Đông Khê trước khi nổ ra Chiến dịch Biên giới là một quyết định đầy trí tuệ và đầy tinh thần trách nhiệm.

Đặng Văn Việt là một quân nhân cách mạng, suốt cuộc đời có quá nhiều bão táp, nhưng lúc nào cũng tươi cười và sáng tạo trong khi còn nhiều thiếu thốn”. Đại tướng Văn Tiến Dũng chia sẻ: “Khi tôi ở Cục Chính trị (hồi đầu thời kỳ chống Pháp) tôi đã được biết tài và đức của anh Việt. Anh Việt nhẫn nại lắm, vững vàng lắm. Anh Việt giỏi lý luận, giỏi chỉ huy. Thật đáng kính”. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo xác nhận: “Đặng Văn Việt là nhà chỉ huy có tầm quốc gia. Mặc dầu anh chỉ là trung tá. Anh có tầm quốc gia bởi vì anh rất giỏi phân tích thực tiễn chiến trường và biết đưa ra những quyết định sáng suốt làm giảm xương máu và giảm sự hy sinh của chiến sĩ. Anh Việt còn là nhà lý luận cừ khôi của Quân đội cách mạng”. Thiếu tướng Cao Pha tâm sự: “Đường số 4 như một tấm Huân chương gắn lên ngực Đặng Văn Việt để xác nhận: Việt đánh giặc giỏi, ít tốn xương máu của chiến sĩ… Tinh thần cao thượng, tấm gương sáng của Việt làm cho tôi và nhiều đồng đội xúc động tận đáy lòng”.

Không chỉ các tướng lĩnh, các bạn chiến đấu của Đặng Văn Việt bày tỏ lòng yêu quý và kính nể Việt, mà ngay những tướng tá Pháp cũng phải khâm phục người Trung tá thâm niên này. Tướng Marcel Bigeard, nguyên Đại tướng, Bộ trưởng quốc phòng Pháp, khi xưa là Trung uý phó chỉ huy phân khu Na Sầm và sau là Thiếu tá, tù binh ta ở Điện Biên Phủ, năm 1998 trở lại thăm nước ta và nhất thiết muốn gặp mặt Đặng Văn Việt.

Trong buổi hội ngộ với người lính già bên kia chiến tuyến Bigeard đã nói: “Chúng tôi là những cựu binh Pháp đã chiến đấu tại đường số 4 hay tại một số mặt trận ở Đông Dương đều xin kính chào Ngài- người chiến thắng tại đường số 4, một người chỉ huy chiến trận không ai chê trách được, người mà chúng tôi phải kính nể.” Trong thư gửi Đặng Văn Việt , đại tá Charles de Pirey viết: “Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi khám phá ra kẻ đối địch nguy hiểm nhất, kẻ đã làm chúng tôi thất điên bát đảo trên Đường số 4 này lại là một thanh niên chưa đầy 30 tuổi, người chỉ huy các lực lượng vũ trang Việt Minh trên một vùng chiến lược quan trọng. Đó là Trung đoàn trưởng của Trung đoàn nổi tiếng 174- Trung tá Đặng Văn Việt”.

Người lính già Đặng Văn Việt với các danh hiệu được tôn vinh như Vua đường số 4, Hùm xám đường số 4, Đặng Siêu Việt, Anh hùng trong lòng dân…, người trung đoàn trưởng của hai Trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, người đã tham chiến 120 trận chống giặc ngoại xâm và chiến thắng 116 trận, người có nhiều sáng kiến được đánh giá rất cao để giảm thương vong cho chiến sĩ, người được các tướng lính của ta và của đối phương hết lời ca ngợi… nay đã ở tuổi 97. Cụ hết sức xứng đáng với các huân chương cao quý đã được trao tặng: Huân chương Chiến thắng Hạng Nhất, Huân chương chiến công Hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến Chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất, Huân chương Độc lập Hạng Hai…

Tuy nhiên có một điều băn khoăn của tôi cũng như của đông đảo các đồng đội của ông, không sao giải đáp nổi. Đó là vì sao ông suốt đời chỉ mang quân hàm Trung tá và chưa bao giờ được phong danh hiệu Anh hùng quân đội?

Tìm hiểu về ông, tôi được biết bà nội của ông là con gái của cụ Cao Xuân Dục (1842-1923), một vị đại thần có nhiều cống hiến lớn lao trong sự nghiệp văn hoá- giáo dục thời nhà Nguyễn. Ông nội của Đặng Văn Việt là Đặng Văn Thụy , người đỗ Tiến sĩ Đình nguyên Hoàng Giáp (cùng năm thi với Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng), người từng làm Tế tửu (Hiệu trưởng) trường Quốc tử giám tại Huế. Thân phụ của Đặng Văn Việt là Đặng Văn Hướng (1987-1954) , ông đỗ Cử nhân năm 18 tuổi, đỗ Phó Bảng năm 32 tuổi, đỗ Thành Chung thời Pháp thuộc và làm Thượng thư Hình bộ thời Vua Bảo Đại và làm Tổng đốc Nghệ An thời Trần Trọng Kim.

Ông từng bí mật ủng hộ phong trào Việt Minh, có quan hệ cộng tác với đồng chí Trần Văn Cung (Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An) và Lê Viết Lượng (sau này là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Trung Bộ). Chính ông đã thay viên Lãnh binh chính quyền thân Nhật, thay những Tri huyện chống Việt Minh. Khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám bùng nổ, chính Tổng đốc Đặng Văn Hướng đã nhanh chóng giao ấn tín, vũ khí, tiền bạc cho chính quyền Cách mạng. Sau đó ông tham gia Việt Minh Liên khu IV , rồi Chính phủ Cụ Hồ đã mời ông giữ chức Bộ trưởng phụ trách các tỉnh Thanh-Nghệ Tĩnh. Năm 1953, Bác Hồ cử các đồng chí Hoàng Quốc Việt và Trần Công Tường về làng Nho Lâm mời Đặng Văn Hướng lên Việt Bắc làm việc bên cạnh Chính phủ. Nhưng đau đớn thay các ông này chưa kịp đi thì đầu năm 1954, Đặng Văn Hướng đã bị đấu tố và bị chết trong Cải cách Ruộng đất (!).

Còn thân mẫu của Đặng Văn Việt là ai? Đó là bà Hoàng Thị Hiến, con gái cụ Hoàng Đạo Phương- anh ruột cụ Hoàng Đạo Thuý.

Một lý lịch tạm “trích ngang” như vậy để mong sao lão chiến binh Đặng Văn Việt khi về với cõi vĩnh hằng không chỉ vẫn mang quân hàm Trung tá và chưa một lần được vinh danh Anh hùng các lực lượng vũ trang

Tôi kính mong những trang viết này được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người anh hùng chưa được vinh danh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO