Người bạn đồng môn

PHẠM QUANG ĐẨU 13/07/2022 07:16

Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Đạt hơn tôi bốn tuổi, vốn là bạn học thời trẻ. Ra trường năm 1970, tôi ở với bác được một thời gian ngắn chuyển nơi khác rồi nhập ngũ. Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mỗi lần gặp lại bác đã gây cho tôi nhiều ngạc nhiên bởi  những thành quả của ý chí vươn lên, sức lao động sáng tạo bền bỉ...

Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Đạt (bên trái) và tác giả bài viết trong buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết gia đình đầu năm 2022.

Rời giảng đường đại học, Trịnh Quốc Đạt được phân về dạy một trường nghề bên bờ sông Đuống. Giữa năm 1977, trường có quyết định giải thể, có lẽ cấp trên “thương tình” rút lại quyết định nhưng có yêu cầu là trường phải tự tìm một cách thức để tồn tại và ra xa Hà Nội. Bác cùng một số anh em đành phải chấp nhận, cùng rời “cảng” Hà Nội. Đến đầu năm 1978 đã kiếm được chỗ neo đậu, một khu trường cấp hai bỏ hoang ở vùng ven thị xã Phủ Lý (Hà Nam).

Tuổi trẻ, sẵn bầu nhiệt huyết buổi đầu bác Đạt được phong hiệu phó, xung phong đảm nhận việc hóc nhất là kiến thiết lại trường. Từ hiệu phó bác lên hiệu trưởng. Tự biết nghề mình vốn không “hot”, làm sao để tồn tại trong cơ chế thị trường? Trước hết, tân hiệu trưởng Trịnh Quốc Đạt siết chặt kỷ luật, nâng cao chất lượng dạy và học.

Lần ấy tôi xuống chơi, đã chứng kiến bác biến trường học nhốn nháo thành trại lính kỷ luật răm rắp như thế nào. Thầy hiệu trưởng dẫn tôi đi thăm, đến đâu học sinh nam, nữ dù đang giờ ra chơi túm tụm nói chuyện hoặc đùa nghịch, thấy bóng “thủ trưởng” là đều nhất tề cái rụp, em chào thầy. Có cậu học sinh sơ ý đi ngang qua mặt, bác gọi giật lại: Lớp nào? Sao không chào?

Cậu ta mặt nghệt, rập hai chân ngay ngắn: Em chào hai thầy ạ. Tiên học lễ hậu học văn là đây chứ ở đâu! Tôi còn nghe anh em trong trường kể “vụ” này. Một buổi tối đi họp về bác thấy ở phòng làm việc mình có một người đang quỳ mặt cúi gằm, nhìn ra là T. Cậu học trò vừa bị cảnh cáo vì mấy lần gây gổ đánh bạn và ngày mai họp hội đồng kỷ luật, chắc chắn T sẽ bị đuổi. T ngẩng lên nói: Thầy tha tội cho em! Bác bảo T đứng dậy.

Cậu ta rớm nước mắt nói tiếp: Em biết tội em đáng bị đuổi, nhưng thầy ơi, mẹ em mất rồi, bố lấy vợ hai, em bị đuổi thì mất nghề, lấy gì mà sống. Bác suy nghĩ giây lát, nói: Tôi có thể tha thứ cho em lần này nữa, mong là em đừng phụ lòng tốt của thầy cô và đừng làm vong linh mẹ dưới suối vàng xấu hổ, em có hiểu không? Rồi T bị “đuổi lưu”, nếu tái phạm sẽ “đuổi thẳng”. Tốt nghiệp, T đạt điểm giỏi cả lý thuyết và thực hành, sau này trở thành thợ đầu đàn ở một xí nghiệp tận Tây Nguyên.

Ngay từ đầu, hiệu trưởng Đạt đã nghĩ đến việc liên kết trường nghề với doanh nghiệp, đào tạo theo đặt hàng, tức là tính trước “đầu ra” để có kế hoạch chiêu sinh. Dạo ấy lần đầu tiên ở Tây Nguyên ra đời một nhà máy ván sợi ép khá hiện đại, hiệu trưởng liền cho một số giáo viên đến tìm hiểu trước về dây chuyền công nghệ, về viết giáo trình, sau đó ký hợp đồng đào tạo mấy khóa liền, tốt nghiệp số học sinh ấy mặc nhiên trở thành công nhân nhà máy ván sợi ép luôn.

Từ năm 1985, bác khởi xướng thêm một nghề mới mà lúc đó chưa nơi nào có là chạm khắc và khảm trai. Bác lặn lội đến các làng nghề, các hợp tác xã thủ công mỹ nghệ thuyết phục thợ giỏi về làm thầy. Chỉ một thời gian ngắn, trường đã chiêu mộ được những người có tay nghề cao, tâm huyết với thế hệ trẻ.

Với những cách làm đó, nếu như năm đầu trường trầy trật chiêu sinh khoảng 150-200 học sinh, thì các khóa sau hàng năm chiêu sinh tăng 1.400 – 1.500 học sinh, ra trường đều có việc làm, thu nhập ổn định. Chất lượng đào tạo còn được thể hiện trong các cuộc thi tay nghề trong nước và quốc tế. Kỳ thi nào học sinh của trường cũng có giải nhất cá nhân và toàn đoàn; các năm 2001-2006, thi tay nghề trong khối ASEAN, trường bác đoạt 6 huy chương vàng, 3 huy chương bạc.

Từ một trường ít người biết, chỉ sau vài khóa, trường của Hiệu trưởng Trịnh Quốc Đạt đã xây dựng được thương hiệu nổi trội trong ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hiệu trưởng còn hát hay, đàn giỏi nổi đình đám trong các kỳ hội diễn toàn ngành. Với những cống hiến không biết mệt mỏi trong nhiều năm liền, năm 1994, Hiệu trưởng Trịnh Quốc Đạt được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú, hai lần Chiến sĩ thi đua cấp Bộ và năm 2000 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Bác đã được Nhà nước tặng thưởng hai huân chương Lao động hạng nhì và hạng ba.

Hiệu trưởng Trịnh Quốc Đạt (người đứng sau) giới thiệu với lãnh đạo Bộ Lâm nghiệp lớp học nghề chạm khắc gỗ (năm 1993).

Hiệu trưởng Trịnh Quốc Đạt còn "đắc nhân tâm" nữa. Từ làng nghề ở Nam Định về một thời gian, thầy Phạm Đức Hồng bị phát hiện có khối u ác ở màng treo ruột non. Bệnh thập tử nhất sinh, lại điều trị rất tốn kém. Hiệu trưởng bàn thống nhất trong Ban giám hiệu vận dụng chế độ và kinh phí từ quỹ cơ quan để hỗ trợ thầy Hồng chữa bệnh theo phương châm còn nước còn tát.

Thế rồi điều kỳ diệu đã đến, trong khi nhiều người bị ung thư giai đoạn cuối như thầy Hồng đều đã ra đi thì sau nhiều đợt Bệnh viện K truyền hóa chất và tiêm các loại đặc dược, thầy đã khỏe, tóc mọc lại và tăng cân dần. Mới rồi thầy đã làm cái lễ kỷ niệm 10 năm từ cõi chết trở về. Nhưng ngày ấy thầy Hồng thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì thầy Đạt lại gặp rắc rối vì trên cho rằng đã lạm dụng quỹ phúc lợi. Sau nhiều lần thanh tra cũng đã thuyết phục được cấp trên, hiệu trưởng không vụ lợi, chi vượt quy định vì tinh thần yêu thương đồng đội và trọng đãi người tài. Để trả ơn ân nhân, nghệ nhân Hồng nung nấu nhiều ngày tạc trên gỗ vàng tâm pho tượng bán thân hiệu trưởng khá giống nguyên mẫu.

Năm 2006, thầy Đạt đến tuổi nghỉ hưu, ông Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vốn mộ tiếng bác, mời tham gia Hiệp hội, ngồi vào ghế phó chủ tịch phụ trách đào tạo. Hơn 10 năm sau hưu, đương nhiệm Phó chủ tịch Hiệp hội bác vẫn làm việc hiệu suất, biên soạn được nhiều chương trình khung, các giáo trình dạy nghề, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, còn tham gia soạn ngân hàng đề thi cho các nghề quen thuộc như: mộc mỹ nghệ, kỹ thuật sơn mài khảm trai, đúc dát đồng mỹ nghệ, mây tre đan... Mới đây Hiệp hội Làng nghề họp Đại hội lần thứ IV, bác tái đắc cử Phó chủ tịch nhiệm kỳ mới đến 2023...

Ở tuổi ngót tám mươi bác Trịnh Quốc Đạt thêm một lần làm bạn bè xa gần ngạc nhiên bởi việc làm mới, lần này thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật. Gặp tôi bác bảo: Mình sáng tác ca khúc. Đã có bài "Quê tôi Hà Nam" đoạt giải ba văn học nghệ thuật Nguyễn Khuyến của tỉnh rồi.

Một hôm bác lại bảo: Mình sẽ viết tiểu thuyết gia đình, như kiểu "Anh em nhà Karamazov" của cụ Đốt (Đôxtôiepxki-văn hào Nga). Tiểu thuyết hay hồi ký? Tôi hơi bất ngờ hỏi lại. Bác điềm nhiên trả lời: Gì gì cũng được, không nệ thể loại miễn là kể lại quãng đời đã qua từ ông bà cha mẹ đến anh chị em trong nhà cho con cháu đời sau biết. Ra vậy, là tự truyện, biên niên sử một dòng họ.

Thế rồi sau đó không lâu tôi nhận điện thoại bác: Mình đã viết được một trăm trang tiểu thuyết gia đình rồi, hứng lắm, cứ tuôn ào ạt. Khoảng hai tháng sau bác lại điện thoại: Xong hai phần ba rồi, mình “meo” đọc góp ý nhé. Quả người bạn chưa chịu già này có trí nhớ tuyệt vời, chuyện của mấy thế hệ ông bà cha mẹ anh chị và bản thân thân năm, 60 năm về trước nhớ không sót chi tiết nào.

Thế rồi “tiểu thuyết gia đình” ra đời, quy mô vượt xa dự báo của tôi. Tác phẩm có tựa đề: "Con út gia đình ông Lân Trai", hơn 700 trang khổ lớn, NXB Hội Nhà văn, 2022. Đã có ngay cảm nghĩ của người đọc trung thành với tác giả, đó là cụ Vũ Quốc Tuấn, 90 tuổi, nguyên Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hiện là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề: “...Tập truyện đã cuốn hút tôi từ trang đầu đến trang cuối với những chi tiết chân thật trong đời thường của các nhân vật được tác giả mô tả chân tình, thắm thiết, giản dị, mộc mạc. Tôi rất vinh dự viết đôi dòng cảm tưởng của một độc giả được đọc tập truyện giàu tính nhân văn này”.

Sách mới, còn phải có thời gian đi vào lòng bạn đọc, chờ phản hồi của dư luận. Với tôi, mỗi lần gặp lại người bạn đồng môn Trịnh Quốc Đạt hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bác đã một đời tận tụy với sự nghiệp trồng người, giờ đây có thêm lao động nghệ thuật sôi nổi, hiệu suất. n

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người bạn đồng môn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO