Người cao tuổi giữa 'cơn bão' dân số già

Hoàng Chiến 01/10/2022 07:52

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Già hóa dân số dẫn đến nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi. Vì vậy, nhiều người cao tuổi vẫn mong muốn được làm việc và thực tế cũng đã chứng minh họ đang tham gia, có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội...

Nhiều người cao tuổi vẫn đang đóng góp sức lao động cho sự phát triển chung của xã hội. Ảnh: Quang Vinh.

Thu nhập ít, cơ mà vui

Hơn 90 tuổi, hàng ngày bà Trai (làng Cốm Vòng, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn miệt mài bên gánh hàng cốm. Một góc phố Trần Thái Tông trở thành địa điểm bán hàng quen thuộc của bà suốt những năm tháng tuổi già. Đôi bàn tay đã nhăn nheo vừa rũ rơm, bà vừa kể về nghề gia truyền đã theo gia đình mình suốt nhiều thế hệ. Dù đã đến tuổi đáng lẽ phải nghỉ ngơi, tuy nhiên ngày nào bà cũng đều đặn bán hàng. Là một trong số ít những người già trong làng còn theo “nghiệp” cốm, bà cho biết sẽ còn làm đến khi nào không còn sức nữa thì thôi.

Bà Trai vẫn hàng ngày lao động dù đã ngoài 90 tuổi.

“Ngày xưa còn có ruộng để cấy chứ giờ bê tông hóa hết cả rồi, không làm cốm cũng chẳng biết làm gì. Cứ ở nhà thì lấy gì mà ăn? Mỗi người một ngành một nghề, đỡ đần được con cháu phần nào hay phần nấy, để thấy mình sống có ích cho gia đình, xã hội” - bà Trai nói.

Dù thu nhập hàng ngày chằng đáng là bao, thế nhưng bà Trai vẫn luôn vui vẻ: “Cứ đến làng Cốm Vòng mà hỏi cụ Trai thì ai cũng biết. Vừa có thu nhập, lại vừa giữ được cái nghề của cha ông để lại. Thế là mãn nguyện tuổi già rồi”.

Nhiều người cao tuổi vẫn lao động để có thêm thu nhập.

Không được may mắn như bà Trai, ông Nguyễn Xuân Hòa (68 tuổi, quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa thuê trọ tại phường Mỹ Đình) phải chật vật từng ngày mưu sinh bằng nghề xe ôm khu vực bến xe Mỹ Đình. Do cuộc sống gia đình khó khăn, ông cùng vợ con kéo ra Hà Nội kiếm sống. Căn nhà trọ chật chội trong làng Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm) là nơi sinh hoạt của 3 người suốt hơn chục năm nay.

“Vợ tôi thì đi bán hàng rong, còn người con út đang làm phục vụ cho một nhà hàng. Thu nhập hàng tháng cũng chỉ ở mức đủ tiêu chứ không để dành được bao nhiêu. Riêng tôi chạy xe thì cũng tùy từng ngày, có hôm vài trăm nhưng có hôm cũng chỉ hơn trăm ngàn, gọi là đủ tiền cơm bụi. Chạy xe truyền thống càng ngày càng khó vì giờ phải cạnh tranh nhiều, mình lại không rành về công nghệ nên khách vãng lai chẳng được là bao. Trong khi giá cả ngày càng đắt đỏ, nhiều hôm ốm mệt vẫn phải cố gượng dậy mà đi làm, chỉ trừ ngày mưa gió” - ông Hòa kể.

Cũng theo ông Hòa, giờ việc làm cho những người cao tuổi như ông không thiếu. Cũng có nhiều người giới thiệu ông đi làm bảo vệ cho các quán cà phê nhưng vì đã quen với nghề xe ôm, ông Hòa không nhận lời. “Cậu con trai cả cũng nhiều lần bảo chúng tôi về quê nhưng tôi thấy mình còn đủ sức, còn làm được khi nào thì cứ làm chứ giờ về quê cũng chẳng biết làm gì, chỉ suốt ngày ở nhà trông cháu thì buồn chán lắm” - ông Hòa cho hay.

Nhiều người cao tuổi vẫn lao động để có thêm thu nhập.

Người cao tuổi và trách nhiệm lớn lao

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: “Người cao tuổi phải có trách nhiệm tham gia phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa… Qua đó, phát huy được vai trò là lực lượng quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Ông Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam cũng cho biết, trong những năm qua Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm chăm lo cho người cao tuổi. Nhiều chính sách được ban hành, quan tâm đầu tư cho việc chăm sóc người cao tuổi nhằm phát huy tinh thần "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

"Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đối với người cao tuổi, đó là chính sách BHYT, chính sách BHXH và các chính sách về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Chính sách bảo trợ từ 80 tuổi trở lên bây giờ đã nâng lên 360.000 nghìn/người/tháng. Ngoài ra, hiện nay 95% người cao tuổi cũng đã có BHYT.

Nhiều người cao tuổi vẫn lao động để có thêm thu nhập.

Về chính sách bảo trợ không chỉ những người đủ 80 tuổi mà những người từ 75 tuổi trong các vùng đặc biệt khó khăn và vùng dân tộc miền núi đều có chính sách bảo trợ. Bộ LĐTB&XH cũng đang xem xét nghiên cứu lại tuổi đối với chính sách bảo trợ như thế nào cho hợp lí với mong muốn của người cao tuổi, chính sách bảo trợ phải bắt đầu từ 75 tuổi. Các địa phương vận dụng, tăng mức hỗ trợ và có những chính sách riêng của địa phương để hỗ trợ người cao tuổi như vấn đề, dịch vụ đi lại, vấn đề khám chữa bệnh định kỳ, vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi " - ông Cừ cho hay.

Nhiều người cao tuổi vẫn lao động để có thêm thu nhập.

Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ cũng cho biết, trong tháng 10, nhằm triển khai Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam, Hội cũng chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội trong việc thực hiện Luật Người cao tuổi, chế độ chính sách liên quan đến người cao tuổi và những thách thức của quá trình già hóa dân số, yêu cầu nhiệm vụ công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng tổ chức vận động nguồn lực từ cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi về sức khỏe, vật chất, tinh thần, chung tay giúp đỡ người cao tuổi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, trong đợt cao điểm “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể, Hội Người cao tuổi sẽ thăm hỏi, tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn. Chương trình khám, tư vấn về sức khỏe miễn phí, mổ mắt, thay thủy tinh thể giải phóng mù lòa cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người cao tuổi cũng sẽ được tổ chức…

Ths.Bs. Nguyễn Liên Hạnh:

Chú ý khám định kỳ sức khỏe và chế độ dinh dưỡng

Khi tuổi càng cao, chức năng cơ thể dễ bị suy giảm làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe từ đó gây giảm tuổi thọ, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Để phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe trong giai đoạn này, người cao tuổi cần có lối sống lành mạnh, hợp lý. Bên cạnh đó cần định kỳ khám sức khỏe để phát hiện sớm các bệnh lý từ đó can thiệp sớm giúp kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi.

Lối sống lành mạnh ở đây bao gồm chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực hợp lý và duy trì chế độ sinh hoạt điều độ. Trong đó, chế độ dinh dưỡng ở người cao tuổi cần lưu ý duy trì cân nặng lý tưởng, tránh tình trạng suy dinh dưỡng hay thừa cân, béo phì.

Chế độ dinh dưỡng cần đa dạng thực phẩm, đủ năng lượng và các nhóm chất dinh dưỡng. Cân đối thực phẩm chứa đạm động vật và đạm thực vật. Tăng cường các thực phẩm giàu canxi như sữa, chế phẩm từ sữa giúp giảm nguy cơ loãng xương và các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chất xơ có nhiều trong rau xanh, quả chín, ngũ cốc nguyên hạt.

Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường hấp thu nhanh như nước ngọt, nước có ga, bánh kẹo ngọt. Hạn chế các món ăn chứa nhiều muối như dưa muối, cà muối, đồ hộp…

Người cao tuổi cần uống đủ nước, ước tính lượng nước 30-35ml/kg, uống rải rác trong ngày. Ngoài ra, người cao tuổi nên hoạt động thể lực, tiếp xúc ánh nắng mặt trời tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, tăng giao lưu, giao tiếp với cộng đồng giúp tăng chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Chuyên gia xã hội học - TS. Lưu Hồng Minh - Nguyên Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Vai trò, vị thế của người cao tuổi ngày càng được nâng cao

Tuổi thọ trung bình của người cao tuổi tại Việt Nam ngày càng cao, do đó tỉ lệ người cao tuổi cũng càng nhiều. Về những đóng góp cho xã hội về mặt kinh tế, rất nhiều người cao tuổi vẫn đủ sức khoẻ để hoạt động tích cực trong việc tạo ra sản phẩm, của cải vật chất,… Bên cạnh đó, sự phát triển của xã hội cũng làm cho cơ hội việc làm dành cho người cao tuổi tăng lên đáng kể, từ những ngành nghề lao động chân tay đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, trong đó phải kể đến sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại khiến người cao tuổi có thể tham gia đóng góp vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Do vậy, khả năng huy động sức lao động của người cao tuổi cũng càng nhiều. Chúng ta cũng nên tận dụng nguồn lao động này bằng những chính sách cụ thể, dựa trên tinh thần tự nguyện và tình hình sức khoẻ của người cao tuổi để huy động lực lượng này đóng góp chung vào sự phát triển của xã hội.

Bên cạnh đó, vai trò rất lớn của người cao tuổi là chức năng tinh thần cho gia đình. Họ có thể giúp đỡ con cháu trong việc chăm sóc, phụ giúp việc nhà, trông nom trẻ... Đặc biệt là khả năng gắn kết tình cảm, gắn kết các thành viên trong gia đình, gắn kết các thế hệ với nhau nhằm duy trì một cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Người cao tuổi cũng đóng vai trò giáo dục các thế hệ tiếp nối, giữ và tiếp lửa cho các giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình, xã hội.

Hoàng Chiến(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người cao tuổi giữa 'cơn bão' dân số già

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO