Người cao tuổi trước nguy cơ 'tái nghèo'

Lê Bảo 06/10/2022 06:45

Theo các chuyên gia, nếu không có những cam kết chính sách mạnh mẽ để cải cách hệ thống an sinh xã hội, nâng cao diện bao phủ thì trong lương lai sẽ có một tỷ lệ lớn những người cao tuổi không được hưởng bất cứ một chế độ hưu trí nào.

Vì không có lương hưu nhiều người cao tuổi đứng trước nguy cơ tái nghèo khi về già. Ảnh: Quang Vinh

Khoảng trống an ninh thu nhập

Theo Tổng cục Thống kê, số dân trên 65 tuổi của Việt Nam vào năm 2021 là khoảng 8 triệu người, chiếm 8,3%, dự kiến đến năm 2036, số người trên 65 tuổi sẽ đạt 15,5 triệu người, chiếm 14,1%. Hiện nay, mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi chỉ cao hơn một chút so với chuẩn nghèo. Phân bổ ngân sách của Chính phủ về trợ cấp xã hội cho người cao tuổi năm 2020 là 6,13 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 0,15% GDP.

Đánh giá về chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam, ông André Gama, chuyên gia phụ trách Chương trình an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng tỷ lệ người cao tuổi sẽ ngày càng tăng, song điều đáng lưu ý là vẫn còn những khoảng trống về an ninh thu nhập cho người cao tuổi.

Theo chuyên gia này, nếu không có những cam kết chính sách mạnh mẽ để cải cách hệ thống an sinh xã hội, nâng cao diện bao phủ thì trong tương lai sẽ có một tỷ lệ lớn những người cao tuổi không được hưởng bất cứ một chế độ hưu trí nào. Gánh nặng đặt lên con cái họ sẽ ngày càng lớn.

Để đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi, chuyên gia ILO cho rằng cần mở rộng cả hai khía cạnh, đó là triển khai hưu trí xã hội phổ cập cho toàn dân ở độ tuổi thấp hơn (hiện nay là 80 tuổi), tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Cần tập trung vào các ưu tiên chính sách để đảm bảo chế độ hưu trí, mức sống thỏa đáng cho người cao tuổi.

Thống kê cho thấy, trong số 12 triệu người cao tuổi hiện nay có 3,1 triệu người người cao tuổi được chi trả lương hưu hàng tháng, 1,7 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, 1,4 triệu người cao tuổi được hưởng chế độ người có công với cách mạng; số còn lại không có thu nhập sống dựa vào con cái.

Đáng chú ý, độ bao phủ đối với lương hưu cho người cao tuổi Việt Nam tính đến năm 2021 trên cơ sở đóng góp từ BHXH mới chỉ 2 triệu người. Đây chính là kết quả của tỷ lệ tham gia BHXH thấp, số người không tham gia BHXH của năm 2021 trong toàn bộ lực lượng lao động chiếm tới 63%. Điều đáng quan tâm là mức thu nhập từ lương hưu của người cao tuổi hiện nay và hệ số đóng BHXH để hưởng lương hưu sau này của lao động vẫn ở mức thấp. Do đó, nhiều người cao tuổi hiện nay sống với mức lương hưu “chuẩn nghèo”, hoặc “cận nghèo”. Đây cũng là nguyên nhân khiến điểm tựa an sinh xã hội của người cao tuổi không vững chắc.

Nâng mức hỗ trợ

Trước thách thức người cao tuổi tái nghèo ngày càng hiện hữu, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã đặt ra một số mục tiêu về tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, cũng như mở rộng đối tượng những người được hưởng hưu trí. Tuy nhiên, để làm được điều này cần hỗ trợ nhiều hơn và tăng đầu tư cho an sinh xã hội.

Triển khai Nghị quyết 28, ngành chức năng, cơ quan BHXH Việt Nam cũng như địa phương đã có nhiều chính sách để mở rộng độ bao phủ BHXH tự nguyện, song việc triển khai chính sách gặp rất nhiều thách thức. Tại Quảng Bình, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, thực tế, dù số người tham gia BHXH tự nguyện tăng so với cuối năm 2021 nhưng mức tăng trưởng chưa cao, công tác thực hiện chính sách tại Quảng Bình vẫn còn gặp một số khó khăn.

Một trong các nguyên nhân, theo ông Dũng là do việc tham gia BHXH tự nguyện phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của người tham gia, tuy nhiên, đời sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh.

Theo giới chuyên gia, để thu hút người tham gia BHXH tự nguyện, trong ngắn hạn, cần làm cho BHXH hấp dẫn hơn như bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em cho các hộ gia đình, để lao động trẻ chưa được hưởng hưu trí có thể nhận thức được lợi ích của chế độ hưu trí mà họ được hưởng ngay, hoặc hỗ trợ tài chính như hỗ trợ tiền đóng cho những người không có khả năng đóng đầy đủ.

Chia sẻ về các giải pháp hỗ trợ phát triển BHXH tự nguyện, ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ, BHXH Việt Nam cho biết, hiện mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp, do đó, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi các bộ, ngành liên quan đề xuất nâng mức hỗ trợ. Để tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, khắc phục bất cập trong tổ chức thực hiện nhằm phát triển bền vững người tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người cao tuổi trước nguy cơ 'tái nghèo'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO