Người cho FLC vay 621 tỷ đồng là ai?

Đặng Long 01/08/2022 11:30

Ngoài các khoản vay ngân hàng và trái phiếu phát hành như thường lệ, báo cáo tài chính quý 2/2022 của FLC còn tiết lộ khoản vay ngắn hạn đối với ông Lê Thái Sâm - tân thành viên HĐQT.

Tân thành viên Hội đồng quản trị FLC là ai?

Bản lý lịch trích ngang mà FLC công bố cho hay, ông Lê Thái Sâm (58 tuổi) tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế quốc dân TP HCM vào năm 1986, ông có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, tài chính – ngân hàng.

Ông Sâm cũng được giới thiệu là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, có vốn kinh nghiệm sâu rộng trong việc xây dựng chiến lược đầu tư, quản lý rủi ro và phân tích thị trường.

Ngoài ra, ông còn có “nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước”.

Ông cũng từng là uỷ viên Hội đồng quản trị của CTCP Đầu tư và thương mại DIC

FLC báo lỗ ròng

CTCP Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt 576,1 tỷ đồng, giảm 65,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, với giá vốn hàng bán chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ, FLC báo lãi gộp 104 tỷ đồng, trong khi quý 2/2021 báo lỗ gần 149 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của FLC đạt 65,5 tỷ đồng, giảm 89,1% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính ở mức 148,6 tỷ đồng, giảm 24,3% so với quý 2/2021.

Ở chiều hướng ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của FLC tăng lần lượt 39,7% và 65,3% so với cùng kỳ năm trước, lên 46 tỷ đồng và 295 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý 2/2022, FLC còn phải chịu khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết lên tới 317,3 tỷ đồng.

Kết thúc quý 2/2022, FLC báo lỗ sau thuế 640,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 20,9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của FLC ở mức âm 1.105,6 tỷ đồng.

Bamboo Airways lỗ nặng

Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 giảm mạnh và đảo chiều từ lãi sang lỗ là do ảnh hưởng của khoản tăng lỗ 311,6 tỷ đồng từ mảng đầu tư hàng không.

Tại ngày 30/6/2022, khoản đầu tư của FLC tại CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) ghi nhận giá gốc đạt 4.015 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 21,7% vốn cổ phần.

Đáng chú ý, FLC đang chịu khoản lỗ lũy kế lên tới 958,3 tỷ đồng từ khoản đầu tư vào hãng bay này, tăng 453,4 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 303,4 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 1/2022.

Ngoài ra, FLC còn phải trích lập dự phòng 134,4 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào các mã cổ phiếu AMD, HAI và KLF (giá gốc là 174,1 tỷ đồng; giá trị hợp lý là 39,7 tỷ đồng).

Khoản vay hơn 600 tỷ đồng từ ông Lê Thái Sâm

Tại thời điểm cuối quý 2/2022, tổng tài sản của FLC đạt 36.299,9 tỷ đồng, tăng 7,4% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 42,4%, đạt 15.406,9 tỷ đồng, tăng 13,4% so với đầu năm.

Ở phía nguồn vốn, nợ phải trả của FLC ở mức 27.569,9 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm. Trong đó, số dư người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 6.980,1 ti đồng, tăng 1.951,3 tỷ đồng so với đầu năm.

Tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn của FLC là 5.126,5 tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng nguồn vốn.

Đáng chú ý, ngoài các khoản vay ngân hàng và trái phiếu phát hành, báo cáo tài chính quý 2/2022 của FLC còn tiết lộ khoản vay ngắn hạn 621 tỷ đồng đối với ông Lê Thái Sâm - tân thành viên HĐQT FLC mới được bổ nhiệm từ ngày 2/7/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người cho FLC vay 621 tỷ đồng là ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO