Người ‘chụp hình’ Covid-19

Hoàng Thu Phố 06/12/2020 07:29

Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Đại dịch đã ảnh hưởng trực tiếp tới hàng tỷ người, trong đó, có nhiều kiều bào sống xa Tổ quốc. TS Cù Thu Hương định cư ở Pháp, là một trong số đó.

Chị may mắn trở về Việt Nam trên một chuyến bay thương mại của Hàng không Việt Nam. Những trải nghiệm trên đất Pháp cũng như ở quê nhà đã được chị ghi lại trong cuốn truyện ký “Paris+14” đậm tính thời sự.

Tác giả Cù Thu Hương trong buổi giao lưu với bạn đọc ở Hà Nội.

Cuốn văn xuôi đầu tiên về đại dịch

“Cuốn sách này được hình thành trong một tình huống bất ngờ, chính tôi cũng không nghĩ mình viết sách. Nhưng có thể nói, chính vì đại dịch Covid-19 ập đến làm đảo lộn thế giới, khiến cho tôi trở thành người bất đắc dĩ cầm bút viết sách”- tác giả Cù Thu Hương chia sẻ.

“Lúc đầu, tôi chỉ ghi chép lại những trải nghiệm của mình để đưa lên mạng xã hội, nhưng bất ngờ, những bài viết đó nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều bạn bè. Nhiều người khuyến khích tôi viết tiếp. Sau đó, được sự động viên của bạn tôi - nhà thơ Hữu Việt nên tôi quyết định viết thêm và hoàn chỉnh cuốn truyện ký này”, tác giả nói.

Bản thảo “Paris+14” được gửi tới NXB Hội Nhà văn, và ngay sau đó được đưa vào xuất bản. Mới đây, đơn vị xuất bản này đã tổ chức buổi giao lưu với tác giả và ra mắt cuốn sách tại Thư viện Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, cùng bạn bè của tác giả.

Cuốn sách “Paris+14” gồm 12 phần: Tôi không phải là virus!, Bóng tối đang dần nuốt chửng kinh đô ánh sáng, Đất mẹ, Ngôi nhà chung, Lực lượng 24/24, Vòng một, Cái thước, Lưỡi nham thạch, Cộng đồng… Ngoài ra, phần cuối sách có nhiều bức ảnh tư liệu tại Pháp và một số bức ảnh do chính tác giả chụp tại khi cách ly ở Sơn Tây (Hà Nội).

Trong buổi giao lưu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là Giám đốc, Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn cho rằng, tác giả Cù Thu Hương đã có cuộc “chạy trốn” Covid-19 ở Pháp, trở về cố hương tìm nơi an toàn, để được che chở và tìm lại cảm giác bình yên.

“Paris+14 là cuốn sách văn xuôi đầu tiên viết về đại dịch Covid-19 được xuất bản ở Việt Nam, cho chúng ta thấy toàn bộ không khí đó. Tác giả Cù Thu Hương vừa là nạn nhân, vừa là nhân chứng của một cuộc xáo trộn”- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói, đồng thời nhấn mạnh: Những trang viết rất chân thực, nhiều xúc cảm khiến người đọc rung động. Trong đó, ta thấy được bản lĩnh, vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt hiển hiện lên. Chính vì vậy, cuốn sách viết về đại dịch, nhưng lại gửi thông điệp cho tất cả mọi người đọc về con người, về số phận, về tình yêu thiên nhiên, về dân tộc Việt Nam… Trong cuốn sách hiện rõ phận người mong manh nhưng tình người vô cùng ấm áp, sức mạnh đoàn kết của người Việt Nam thật lớn lao.

Trong khi đó, nhà thơ Hữu Việt - một trong những người bạn học với tác giả hồi những năm 80 của thế kỷ trước cho rằng, tác giả Cù Thu Hương đã chinh phục độc giả bằng sự mộc mạc, chân thành tới mức da diết qua những trang viết giàu cảm xúc, thấm đẫm tình yêu thương con người. “Cuốn sách không chỉ là câu chuyện xúc động, đẹp đẽ, kiên cường đầy nhân bản giữa đại dịch Covid-19 mà còn cả hồi ức về quá khứ, về quê hương giang rộng vòng tay cưu mang, che chở những đứa con của mình dù ở bất cứ phương trời nào”- nhà thơ Hữu Việt chia sẻ.

Viết bằng cả trái tim

Cù Thu Hương từng có 22 năm học tập, sinh sống tại Nga, chị nhận bằng Tiến sĩ Tâm lý chuyên ngành Tâm lý xã hội năm 1991. Hiện chị làm trong lĩnh vực thương mại, thời trang, chuyên gia tư vấn tâm lý tại Pháp.

Chia sẻ về cuốn sách đầu tay của mình, TS Cù Thu Hương cho biết, đầu năm nay chị trở lại Pháp sau kỳ nghỉ Tết ở Hà Nội. Khi đó, người Pháp vẫn còn rất bình tĩnh trước đại dịch. Người dân không có thói quen tích trữ lương thực, không đeo khẩu trang, thậm chí còn kỳ thị những người đeo khẩu trang. Ít ngày sau, cảm giác vừa lo sợ, vừa cô quạnh cứ xâm chiếm, muốn cái gì đó ấm áp, bao bọc nên TS Cù Thu Hương ngay lập tức quyết định quay trở lại Việt Nam . Ngày 15/3, chị đặt chân xuống sân bay Nội Bài, bắt đầu thực hiện việc cách ly 14 ngày tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô (Sơn Tây, Hà Nội).

Từ những trải nghiệm đặc biệt của mình trong đại dịch Covid-19, tác giả Cù Thu Hương đã ghi lại một cách chân thực những điều mình chứng kiến - qua góc nhìn và thông tin mà chị thu nhận được. Những cung bậc cảm xúc, lúc vui, khi buồn, thậm chí hoang mang, lo lắng đã xuất hiện trong hành trình di chuyển được chị ghi chép lại, nhiều chỗ khiến độc giả xúc động.

TS Cù Thu Hương dành nhiều trang viết về sự hy sinh thầm lặng, cao cả của đồng bào mình trên chuyến bay về nước, ở khu cách ly, tại các bệnh viện. Chị gọi đội bay đưa người Việt Nam từ nước ngoài về nước trong đại dịch là những “cánh sen vàng”, gọi các anh bộ đội không quản vất vả, mệt nhọc lo cho hàng ngàn người cách ly là những “ngôi sao màu xanh”...

Được đọc những trang viết của TS Cù Thu Hương từ lúc còn là bản thảo, nhà văn Y Ban chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ trạng thái khá thờ ơ, chỉ gọi là đọc cho biết. Và rồi tôi đã bị cuốn hút cực mạnh vào từng con chữ. Tôi đã đọc liền một mạch cho đến dòng cuối cùng. Những con chữ của tác giả Cù Thu Hương như có một ma lực để gắn kết người đọc với những thứ không hề mới lạ. Tại sao? Vì đó là những cảm xúc chân thành mãnh liệt được bật ra từ một trái tim đầy ắp tình yêu thương”- nhà văn Y Ban nói.

Còn TS Lương Hoài Nam đánh giá, những câu chuyện được kể lại trong “Paris+14” hết sức chân thực, với cách viết giản dị, thấy gì kể nấy, nghĩ sao viết vậy, không trau chuốt. “Tác giả đã “chụp hình” một cách sống động nhiều khoảnh khắc của đại dịch mà chính tác giả là người trong cuộc, là nhân vật”-TS Lương Hoài Nam nói, và thêm rằng: Là người đa cảm, tác giả để ý đến những chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống quanh mình thời Covid-19. Cử chỉ tử tế của một chàng trai Pháp xách hộ chiếc vali cho một phụ nữ châu Á khi xuống tàu - giữa làn sóng kỳ thị người châu Á do nguồn gốc của đại dịch Covid-19; những vật dụng nhỏ bé để sẵn trong phòng vệ sinh ở khu cách ly như một sự quan tâm, chăm sóc tận tình đến từng chi tiết của Tổ quốc dành cho những đồng bào về nước tránh dịch… Rất nhiều chi tiết nhỏ như thế được tác giả kể lại một cách sống động trong cuốn sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người ‘chụp hình’ Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO