Người Công giáo Cộng sản: Cảo thơm lần giở

Hoàng Nam Long 30/07/2020 09:00

Cuốn tiểu thuyết lịch sử “Người Công giáo Cộng sản” của tác giả Trần Việt Trung (NXB Văn học) là một cuốn sách hay.

Đây là đầu sách thứ 4 kể từ tác phẩm đầu tay “Quyền sư” của một ngòi bút tuy không chuyên, nhưng đã bén duyên và không còn xa lạ với độc giả, những người từng yêu mến anh qua từng trang sách câu chuyện kể như thủ thỉ tâm tình.

Thiếu tướng Trần Tử Bình những ngày ở Việt Bắc.

Cảo thơm lần giở trước đèn, đọc hết trang cuối của cuốn tiểu thuyết, gấp sách lại rồi mà trong lòng độc giả còn như lại dư vị những năm tháng hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, còn như bâng khuâng nghĩ về chân dung nhân vật chính Phạm Văn Phu tên khai sinh của thiếu tướng Trần Tử Bình sau này. Ông là một yếu nhân khai quốc công thần, một người góp phần viết nên những trang sử mới cho cách mạng của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhân vật huyền thoại đặc sắc, đại diện cho lớp người đầu tiên tự nguyện dấn thân trải qua biết bao gian lao khổ ải tù đày, làm nên kỳ tích giành lại chính quyền Mùa thu tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lớp người đó là được ví như thế hệ kim cương, sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời cách mạng Hồ Chí Minh soi rọi. Lớp người đó được tôi rèn qua lửa đạn đau thương gian khó tù đày trở nên cứng rắn hơn bất kỳ loại vật chất nào có tự nhiên.

Khép cuốn sách lại, trong lòng độc giả không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về những lớp cán bộ hôm nay không ít trong số họ chưa làm tròn chức phận công bộc của dân.

Mở đầu cuốn sách là tiếng chuông nhà thờ boong… boong… nghe ngân nga bao la trong không gian tại một ngôi làng thuần nông theo Công giáo toàn tòng ở xứ Hà Nam thuộc đồng bằng Bắc Bộ những năm cuối của thế kỷ 19, khi người Pháp đã hoàn thiện bộ máy đô hộ và cai trị của họ tại xứ An Nam.

Tiếng chuông nhà thờ vang lên trong khung cảnh ngôi làng thuần nông tưởng như yên bình đó chợt dấy lên trong lòng ta khúc hát “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao: “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung...”

Chính nơi đây tại ngôi làng có cánh đồng chuối cùng bóng cau với con thuyền, một giòng sông... cậu bé Phạm văn Phu đã chào đời và được làm lễ đặt tên Thánh tại nhà thờ.

Cuộc sống của những người dân lương thiện dù ở xứ Đoài hay xứ Đông không còn bình yên nữa kể từ khi giặc Pháp xâm lăng, đô hộ và cai trị xứ An Nam. Nhiều người dân bản xứ nơi đây, gia tổ mấy đời nơi gắn liền đồng quê đã lâm cảnh bần cùng, ngay cả những người theo công giáo cũng bị dồn vào con đường đói khát, túng quẫn phải rời quê hương bản quán, nơi chôn nhau cắt rốn, đi tha phương cầu thực.

Đời ông của cậu bé Phu đã phải hành khất loanh quanh xứ đạo Hà Nam là như vậy. Đến đời cha của cậu bé, gia đình không khá hơn, vẫn phải chạy bữa từ xứ đạo này sang xứ đạo khác, loanh quanh kiếm miếng cơm, manh áo, thậm chí cha cậu trong bước đường cùng phải để vợ con ở lại quê nhà để xuất dương đi làm lính thợ cho giặc Pháp nơi phương trời xa mấy năm đằng đẵng mong đổi lấy hai chữ sinh tồn.

Bìa cuốn “Người Công giáo Cộng sản”.

Câu chuyện dẫn dắt chúng ta đi qua thời thơ ấu hồn nhiên, tuy đói nghèo nhưng vẫn có nhiều nét “nhất quỷ nhì ma” tuổi học trò. Cậu bé Phu cùng với sự hiếu học, tấm lòng kính Chúa mộ đạo và với tư chất thông minh vốn có nên được các cha bề trên tuyển lựa cho vào học tại chủng viện trường dòng giáo phận Hà Đông nơi chuyên đào tạo những giáo dân xuất sắc để sau này trở thành linh mục.

Có lẽ giáo sinh Phạm Văn Phu lúc bấy giờ ở Chủng viện Hà Đông đã rung động và đồng cảm khi đọc bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của chí sĩ Phan Chu Trinh.

Vì thể hiện sự ủng hộ lòng yêu nước thương nòi của chí sĩ họ Phan và tham gia tuần hành đòi nhà cầm quyền ân xá thả nhà yêu nước Phan Châu Trinh mà chàng giáo sinh 18 tuổi linh mục tương lai Phạm Văn Phu bị chủng viện trục xuất. Kể từ đó Phạm Văn Phu có bước đầu tiên dấn thân, để lại cây thánh giá chỉ mang theo trái tim Đức Chúa đi theo cách mạng.

Bước đầu của cuộc dấn thân là vào đồn điền cao su Phú Riềng thời Pháp thuộc. Và chính tại nơi đây năm 1929 ông cùng đồng chí Ngô Gia Tự tổ chức ra Nông hội đỏ, lãnh đạo 5.000 công nhân nổi dậy làm cuộc đình công lật đổ giới chủ, một sự kiện lớn chưa từng thấy trước đó.

Một thời gian sau phong trào nổi dậy cướp đồn điền của Nông hội đỏ tại Phú Riềng, ông bị bắt và kết án khổ sai đầy đi Côn Đảo. Tại đây ông cùng các đồng chí của mình vượt ngục nhưng không thành.

Cách mạng mùa thu tháng Tám năm 1945 cũng ghi dấu ấn của thiếu tướng Trần Tử Bình tức Phạm Văn Phu, ông đã thay mặt Đảng cùng ông Nguyễn Khang tham gia cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền tại Bắc Bộ phủ Hà Nội. Sau chiến thắng Sông Lô, ông Trần Tử Bình là một trong 11 vị tướng cách mạng đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ký lệnh tấn phong cùng đợt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1948. Còn rất nhiều dấu ấn khác mà ông để lại trên những chặng đường cách mạng kinh qua.

Một trong những dấu ấn điển hình đó là ông thay mặt Trung ương mở cuộc điều tra và đề xuất tuyên tử hình đối với một tên tham quan cách mạng trong vụ án nổi tiếng Trần Dụ Châu

Có lẽ những lời trong tham luận của nhà báo Hoàng Tùng nguyên bí thư Trung ương Đảng trong lễ tưởng niệm nhân ngày sinh của tướng Trần Tử Bình là những đánh giá khái quát đầy đủ và cô đọng nhất về cuộc đời ông: “Trần Tử Bình là một nhân vật rất tiêu biểu, một công nhân xuất thân từ dân công giáo nghèo đã trở thành một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà giáo, một nhà ngoại giao, một người làm công tác chính trị tư tưởng. Ông đã trở thành người tài giỏi có đức độ và có một phong cách đặc biệt”.

Trần Tử Bình thuộc lớp Cộng sản đầu tiên đi theo con đường vô sản. Khi ông tham gia phong trào công nhân làm phu tại đồn điền cao su Phú Riềng cũng là lúc Ngô Gia Tự đề xướng vấn đề “Vô sản hóa những nhà cách mạng xuất thân từ thành phần trí thức, tiểu tư sản”. Vì vậy Trần Tử Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Ngô Gia Tự. Sau cuộc đấu tranh của 5.000 công nhân Phú Riềng đòi quyền sống, ông bị bắt, bị đày ra Côn Đảo thì lại được trang bị lí luận bằng tư tưởng của Quốc tế Cộng sản 6. Năm 1936, do ảnh hưởng của Mặt trận Bình dân mà xu thế cách mạng chuyển từ “giai cấp” sang xu thế “dân chủ”. Năm 1941, khi Cụ Hồ về nước đã đưa vấn đề “dân tộc” lên hàng đầu và Trần Tử Bình phát triển theo tư tưởng của Cụ Hồ.

Trần Tử Bình là con người đức độ rất tiêu biểu, lời nói luôn đi đôi với việc làm, không bao giờ nói một đàng, làm một nẻo. Ông trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, ông rất ghét kẻ nào phản bội, làm phương hại đến sự nghiệp cách mạng. Bản tính công bằng, chính trực, thẳng thắn; với ông bất kì là trên hay dưới phải đều phân rõ phải, trái. Ông luôn mạnh dạn đấu tranh, không sợ gì cả. Không bao giờ nghĩ mình cần địa vị này, địa vị khác nên ông không hề bon chen, kèn cựa với ai. Cuộc sống của Trần Tử Bình trong sạch và rất giản dị; giản dị như những ngày còn đi làm công nhân ở đồn điền cao su, cho dù khi đã gắn trên vai quân hàm cấp tướng, khi đã là ủy viên Trung ương Đảng hay khi đi làm ngoại giao.

Đúng như lời của nhà báo Hoàng Tùng, ông Phạm Văn Phu-Trần Tử Bình trước là vác cây thánh giá nguyện theo Chúa nhưng rồi sống trong cảnh nước mất nhà tan, giáo đường, giáo dân, giáo phận cũng bị kẻ cướp nước đô hộ. Ông đã bất bình mang theo trái tim Đức Chúa một lòng ra đi làm cách mạng, đòi lại sự công bằng đòi lại non sông gấm vóc cho quê hương mình, đòi lại phận được làm người cho nhân dân mình.

Tên ông được UBND thành phố Hà Nội đặt cho một phố thuộc quận Cầu Giấy dài 500m chạy thẳng từ số nhà 387 phố Hoàng Quốc Việt cho đến khu nhà tập thể C6 Nghĩa Tân.

Tại TP Hồ Chí Minh có con đường mang tên Trần Tử Bình tại huyện Củ Chi. Tại TP Phủ Lý-tỉnh Hà Nam quê hương ông có con đường mang tên ông nối từ đường Nguyễn Văn Trỗi sang đường Trường Chinh. Và mới đây, tại Đà Nẵng tên ông cũng được đặt cho một đường của thành phố bên sông Hàn!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Công giáo Cộng sản: Cảo thơm lần giở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO