Người của thời hậu chiến

TRẦN DUY HƯNG 13/03/2022 14:10

Đó là nhà văn Minh Chuyên, chủ nhân Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh được xây dựng ngay tại quê ông, thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Nhà văn Minh Chuyên tại một cuộc hội thảo.

Minh Chuyên là nhà văn, nhà báo chuyên viết về đề tài hậu chiến tranh, kể cả giai đoạn ông công tác ở quê nhà Thái Bình và sau khi chuyển công tác lên Đài Truyền hình Việt Nam.

Việc nhà văn Minh Chuyên lựa chọn, kiên trì theo đuổi đề tài hậu chiến rất dễ lý giải. Trước hết, bản thân ông trước khi cầm bút cũng từng là một người lính, có cả chục năm ở chiến trường. Hơn thế, Thái Bình quê ông trong chiến tranh nổi tiếng là tỉnh “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Những nhân vật trong các tác phẩm của Minh Chuyên không phải do ông hư cấu mà hoàn toàn có thật, hiện hữu bằng xương bằng thịt. Ví như nhân vật trong “Thủ tục làm người còn sống” là anh thương binh Trần Quyết Định, người cùng xã Minh Khai với ông.

Bút ký kể việc trong kháng chiến chống Mỹ, sau thời gian huấn luyện anh Định vào Nam chiến đấu và bị thương nặng ngay ở trận đầu. Sau đó anh được đưa về phía sau điều trị, khi bình phục anh quay lại địa điểm bị thương tìm đơn vị của mình thì đơn vị đã chuyển qua nước bạn chiến đấu…

Đồng hành với anh Định khi ấy, nhất là sau khi viết bút ký “Thủ tục làm người còn sống”, nhà văn Minh Chuyên cũng bị “bầm dập”, phải đối diện với nhiều sóng gió, phiền toái ngoài trang viết. Thật mừng là, sau bút ký gây tiếng vang lớn trên, sau rất nhiều cuộc họp hành, xác minh của các cơ quan liên quan ở địa phương và Trung ương, cuối cùng, đến năm 2007, Trần Quyết Định đã được trả lại danh dự, được công nhận là người còn sống, được giải quyết chế độ thương binh…

Bút ký “Người lang thang không cô đơn” kể về một bi kịch hậu chiến khác, đó là trường hợp quân nhân Nguyễn Đình Thúc, quê ở Thái Bình, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Trong một trận chiến đấu, anh Thúc bị trọng thương, bị địch bắt, tra tấn đã man, rồi bị đày ra Côn Đảo.

Sau hòa bình, do thần kinh bị chấn thương nặng, thân hình biến dạng, anh Thúc không còn nhớ quê mình ở đâu, sống lang thang và được ông bà Lê Minh Châu khi đó sống ở Cầu Giấy (Hà Nội) đón về nuôi dưỡng gần mười năm.

Đến khi tìm được về quê nhà ở Thái Bình, từ bố mẹ đến anh em, xóm giềng đều không còn nhận được ra anh.

Sau khi bút ký được đăng tải, nhiều đoàn nghệ thuật trong nước đã chuyển thể, dàn dựng thành các tác phẩm sân khấu, điện ảnh, gây ám ảnh trong công chúng về hậu quả của chiến tranh nhưng cũng truyền đi thông điệp ấm áp về tình người.

Ám ảnh hơn cả là những tác phẩm Minh Chuyên viết về thân phận của những nạn nhân chất độc da cam ngay ở tỉnh Thái Bình quê ông, những người được coi là “đau khổ nhất trong số những người đau khổ”. Loạt bài về những nữ cựu thanh niên xung phong ở Thái Bình sau chiến tranh của ông, người phải vào chùa nương nhờ cửa Phật, người ốm yếu, sống cô đơn, không chồng không con…gây ám ảnh về sự tủi buồn của những người phụ nữ trong và sau thời chiến. Những tác phẩm về hai đối tượng này của Minh Chuyên cũng đã gây tiếng vang lớn, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, gợi mở, thúc đẩy các cơ quan làm chính sách, hiệu triệu xã hội quan tâm hơn, có những chính sách, hành động kịp thời, thiết thực hơn dành cho họ.

Không dừng lại ở đó, sau khi chuyển công tác về Đài Truyền hình Việt Nam, kể cả sau khi đã nghỉ hưu, tài năng, tâm huyết của Minh Chuyên về đề tài hậu chiến càng được phát huy. Tính đến nay ông đã viết khoảng 75 tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng, trong đó đã xuất bản 30 tác phẩm.

Đặc biệt, ông còn viết kịch bản và đạo diễn 255 tập phim tài liệu, trong đó có những phim đã tham dự liên hoan phim quốc tế như: “Cha con người lính”, “Chuyện ông và cháu”, riêng “Cha con người lính” đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan phim quốc tế lần thứ X, tổ chức tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Tất cả các tác phẩm trên của ông đã góp phần khắc họa tinh thần hào hùng của dân tộc trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.

Với một sức lao động, sáng tạo bền bỉ, không lạ khi sau này nhà văn Minh Chuyên được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận xác lập kỷ lục “Người sáng tác các tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh, truyền hình về thời hậu chiến tranh tại Việt Nam nhiều nhất”.

Đến đây thì thật dễ hiểu tại sao lại có một Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh được lập ở ngay quê nhà của nhà văn Minh Chuyên. Công trình được khánh thành ngày 30/12/2018. Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 250 m2, gồm nhà trưng bày, lưu giữ tác tác phẩm của nhà văn (khoảng 600 tư liệu, hình ảnh), đền thờ liệt sĩ và một số công trình phụ trợ.

Từ ngày được khánh thành, nơi đây vừa là nơi lưu giữ thành quả lao động của chủ nhân, vừa là địa chỉ tìm về của nhiều cựu chiến binh và của nhiều người muốn nghiên cứu, tìm hiểu về chủ đề này…

Cá nhân tôi đã nhiều lần tha thẩn một mình ở đây với nhiều nghĩ suy về chiến tranh, về hòa bình, về giá trị lao động, sáng tạo của một người cầm bút.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người của thời hậu chiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO