Người đa tài

Nguyễn Hiếu 18/05/2021 14:00

Trong cuộc đời mỗi người có một thứ gì đấy về mặt hình thức đã làm nên đặc trưng của người ấy. Thiếu thứ đó người ta thấy người đó dường như chưa hoàn chỉnh. Trên đầu nhạc sĩ Trần Tiến là mũ cát két, nhạc sĩ Nguyễn Cường là mũ cao bồi, Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng là bộ ria mép. Hồi chớm già, bộ ria mép của Thế Hùng loang bạc. Là một nhà nghiên cứu cái đẹp chắc ông sợ, mầu ria của tuổi tác ảnh hưởng đến sự toàn diện trong hình thức của mình nên Thế Hùng cạo phăng đi.

TS Thế Hùng.

Trong một lần gặp, tôi ngạc nhiên vì khuôn mặt không ria của ông bèn nói “cậu nên nhớ, ria mép đã tạo ra thương hiệu hình thức của cậu”. Vốn là người nhanh nhạy trước mọi điều góp ý, ông thấy đúng bèn kì công nuôi lại bộ ria. Bây giờ, ở tuổi 74 với bộ ria nổi tiếng của mình, chỉ thoáng nhìn qua đã thấy ở Thế Hùng toát lên vẻ hào hoa, phong lưu, mã thượng. Một cái gì đấy của người Hà Thành vào năm tháng người ta tôn trọng sự lịch lãm của Hà Nội cổ.

Mặc dù quê gốc Thế Hùng ở vùng Yên Mô - Ninh Bình. Sau khi học hết lớp 1, ông theo cha ra Hà Nội và ở từ đó đến nay. Có thể đã trải qua gần 70 năm gắn bó với Hà thành cùng với sự duy mỹ của một tiến sĩ mỹ học đã khiến Thế Hùng giữ được lâu bền chất Hà Nội, không chỉ ở hình thức mà cả cách sống lịch lãm, tôn trọng người và tôn trọng mình. Chơi với bạn bè cùng trang lứa, tôi nhận ra NSƯT Lê Chức, Thế Hùng là hai người nghiêm ngặt, lịch sự khi sử dụng điện thoại. Bất kì một tin nhắn, hay một cú điện thoại nào đều được trân trọng trả lời ngay và đầy đủ. Hùng và Chức cũng là hai gã giữ đúng giờ giấc về lời hẹn.

Trong số những người bạn của tôi, từ góc nhìn riêng và sự am hiểu của một gã bạn thân tôi có thể xếp Thế Hùng là một người hiếm hoi trong nghệ thuật với những thành tựu ít người có được. Ngoài học vị là Tiến sĩ mỹ học ông còn trực tiếp giảng dạy cho 10 trường đại học trong cả nước. Từ Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc quốc gia, Trường Đại học Quốc gia, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn… đến Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Trường Đại học FPT… Ở cương vị là Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng trong thời gian qua đã có 1.500 cuộc thuyết trình cho hơn 1.000 đơn vị trong cả nước với những chuyên đề thuyết trình hấp dẫn như: Văn hóa ứng xử và kĩ năng giao tiếp trong công sở; Đạo đức người thầy, văn hóa giao tiếp trong học đường; Nghệ thuật giảng dạy, hùng biện, thuyết trình, MC; Văn hóa và kĩ năng lãnh đạo hiện đại…

Một bức tranh của Thế Hùng.

Trong lĩnh vực văn chương-nghệ thuật, Tiến sĩ Thế Hùng là hội viên của nhiều hội nghệ thuật lớn như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam… Ở bất kì lĩnh vực nào ông cũng có những thành tựu xứng đáng. Tiến sĩ Thế Hùng đã in 22 đầu sách, có 5 tập thơ trong đó có nhiều bài thơ được vào những tuyển thơ danh giá như “1000 năm thơ tình thế giới”, “từ điển thơ tình”, “1000 câu thơ tài hoa”… Nhiều bài thơ được các nhạc sĩ lớn như Phan Huỳnh Điểu, Văn Ký, Hoàng Vân, Chu Minh, Huy Du, Văn Dung… phổ nhạc. Nhạc sĩ Thế Hùng đã sáng tác 150 ca khúc trong đó có nhiều ca khúc nối tiếng được các ca sĩ danh giá đưa vào anbum như “Em có về Tam Cốc quê tôi”, “Mùa xuân quan họ”… Số lượng tranh vẽ của họa sĩ Thế Hùng lên đến 500 bức, có nhiều tranh đã được chọn trong “Tuyển tập mỹ thuật Thủ đô Hà Nội thế kỉ 20” và nằm trong nhiều bộ sưu tập… Với tư cách là một nhà phê bình nghệ thuật ông đã có hơn 50 bài phê bình về mỹ thuật, âm nhạc và nhiếp ảnh. Nếu tiếp xúc với Thế Hùng, người ta không thể không trầm trồ khi nghe ông chơi piano các bản nhạc nổi tiếng của các bậc thầy âm nhạc thế giới và Việt Nam như Betthoven, Sube, Trịnh Công Sơn… Trong giới văn chương ông cũng là nhà thơ hiếm hoi có những bước khiêu vũ nhuần nhuyễn, điệu đàng cùng vốn ngoại ngữ Pháp, Anh của một tiến sĩ.

Sau khi tốt nghiệp trường cấp 3 Yên Hoà (Hà Nội), Thế Hùng đi bộ đội và đã từng tham gia chiến đấu tại mặt trận đường 9 Nam Lào. Hơn một năm sau khi xuất ngũ, và liên tục hơn chục năm kế tiếp, dường như Thế Hùng coi là giai đoạn nạp năng lượng kiến thức chuẩn bị cho những gặt hái thành tựu đáng nể về văn học - nghệ thuật sau này. Thoạt đầu ông về học Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Sau khi tốt nghiệp ông làm phóng viên nghệ thuật của báo Văn Nghệ. Trong quá trình làm việc, ông tiếp tục đi học ở khoa báo chí Học viện Báo chí tuyên truyền. Tốt nghiệp chương trình báo ông tiếp tục theo học khoá cử nhân triết học. Từ đà đó ông bỏ qua giai đoạn làm thạc sĩ để làm thẳng luận văn tiến sĩ mỹ học với đề tài “Chủ thể sáng tạo cái đẹp trong nghệ thuật tạo hình”. Sau khi nhận bằng Tiến sĩ mỹ học, ông được giữ lại giảng dạy ở Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ông được 10 trường đại học khác mời giảng dạy các môn Mỹ học, Nghệ thuật học, Văn hoá học.

Không phải bỗng nhiên, Tiến sĩ Thế Hùng có đến hàng vạn học sinh trong đó có vài trăm người là phó giáo sư, tiến sĩ… và cũng không ít học trò của ông hiện giữ trọng trách trong các cấp chính quyền trong cả nước…

Bản nhạc “Tình khúc mùa xuân”.

Chưa hết, vừa giảng dạy, vừa học thêm bồi bổ kiến thức. Tiến sĩ Thế Hùng còn tham gia lớp học ngoại ngữ ban đêm, tham gia Khoá 1 lớp sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1990 cùng với các học viên sau này là các nhạc sĩ nổi tiếng như Trương Quý Hải, Lê Vinh, Thế Duy, Bùi Thắng… Học khoá 1 lớp sáng tác của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh 1989…

Đằng sau vẻ hào hoa, lịch thiệp tưởng như ông chỉ biết tận hưởng những gì mà số phận may mắn mang lại cho mình, song thực ra, Thế Hùng là người luôn tính toán, vật lộn bắt đầu từ sự lan toả danh hiệu, tên tuổi của mình để có một cuộc sống đủ đầy. Tất cả những thứ đó xét cho đến cùng là ông đã kế thừa được gen của cụ thân sinh ra ông-một nhà tài chính gạo cội…

Với vốn kiến thức đa dạng nhờ sự chăm chỉ học hành và một trí tuệ mẫn tiệp, Thế Hùng trang bị cho mình một hàm lượng trí tuệ, một phông văn hoá rộng và sâu đa dạng về nghệ thuật, cộng với tố chất của một nhà sư phạm. Nên ở tuổi 74, ông vẫn là một diễn giả đắt khách có uy tín và luôn luôn được các cơ sở mời thuyết trình những vấn đề xã hội quan tâm. Cùng với những buổi thuyết trình ông kết hợp với việc phát hành sách phục vụ cho bài giảng và chuyên đề thuyết trình. Khi về hưu, với trình độ của một hoạ sĩ được đào tạo cơ bản, sau nhiều năm sáng tác tranh, ông đã mở lớp dạy vẽ cho những người yêu hội hoạ nhiều lứa tuổi. Hiện nay có 50 người theo học. Nhiều người kể cả những nhân vật nổi tiếng cũng tìm đến lớp vẽ của ông xin thụ nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người đa tài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO