Người dân cần chuẩn bị gì khi đi khám bệnh trong mùa dịch

An Chi 14/05/2021 08:00

Hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại một số địa phương đang đạt mức báo động và tăng lên theo từng giờ. Mặc dù người dân đều hiểu được sự nguy hiểm của dịch Covid-19 và thực hiện phòng tránh theo khuyến cáo của ngành Y tế, tuy vậy, đối với trường hợp bệnh nhân đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện thì người bệnh, người nhà bệnh nhân đi cùng nên lưu ý để phòng bệnh cho bản thân và những người xung quanh.

Trách nhiệm của bệnh viện/cơ sở y tế

Được biết, để làm tốt công việc này, hiện tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập, theo chỉ đạo của ngành y tế, đều phải bố trí ít nhất một phòng khám cách ly các trường hợp nghi viêm đường hô hấp (sốt, ho...) chưa rõ nguyên nhân và tiến hành các biện pháp phòng ngừa, cách ly và tiến hành xét nghiệm Covid-19 ngay sau khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm.

Khi người dân bắt buộc phải đi khám chữa bệnh cần lưu ý và thực hiện tốt mọi sự chỉ dẫn của nhân viên tiếp đón tại các bệnh viện và cơ sở y tế để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Về vấn đề này, ngành y tế đã có văn bản chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế trong và ngoài công lập phải tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khâu tiếp đón, khi người bệnh đăng ký khám chữa bệnh. Bệnh viện phải có đủ nhân viên hướng dẫn phân luồng, đặc biệt phải có phòng khám riêng cho những người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, đau họng...) chưa rõ nguyên nhân.

Tại phòng khám đặc biệt này bác sĩ khám bệnh cần hết lưu ý khai thác yếu tố dịch tễ học của người bệnh sống hoặc đến từ vùng dịch Covid-19 trong vòng 14 ngày (ví dụ, đã từng đến Đà Nẵng hoặc có tiếp xúc với người từ Đà Nẵng trở về trong tháng 7/2020 cho đến ngày đi khám bệnh).

Đối với người đến khám bệnh, ngay khi đến cơ sở khám chữa bệnh cần liên hệ ngay với nhân viên tiếp đón, đồng thời khai báo nhanh tình trạng sức khỏe, nhất là khai báo các dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp tính hiệu như ho, sốt… (nếu có) để nhân viên y tế tiếp đón hướng dẫn cụ thể và phân loại vào từng khu vực khám bệnh phù hợp.

Người dân cần chuẩn bị gì?

Song song với các công việc đó, mọi người dân khi đi khám chữa bệnh hay người nhà đi cùng để hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân tại phòng khám bệnh và trong bệnh viện phải đeo khẩu trang đúng quy cách (khẩu trang phải bịt kín miệng, mũi, không cùng một lúc đeo nhiều khẩu trang...).

Ngồi chờ khám bệnh, mỗi người bệnh ngồi phải cách nhau ít nhất là 2 m, không trao đổi, không nói chuyện, không cười nói, không bắt tay nhau, không hôn nhau...

Người bệnh và người nhà đi cùng mỗi khi ho, hắt hơi cần che miệng bằng khăn ướt hoặc bằng khuỷu tay của chính mình và không khạc nhổ bừa bãi. Tại các phòng khám có dung dịch sát khuẩn, người bệnh và người nhà bệnh nhân nên thường xuyên rửa tay hoặc sát khuẩn tay nhanh để phòng tránh Covid-19.

Người bệnh và người nhà cần hết sức chú ý đến các biển báo chỉ dẫn và tuyệt đối không đi lại hoặc đứng, ngồi gần những khu vực có biển báo “Khu vực cách ly”. Khi người bệnh đã khám xong hãy cùng người nhà nhanh chóng rời khỏi bệnh viện, hạn chế đến mức tối đa thời gian lưu lại trong bệnh viện khi không cần thiết.

Khi về đến nhà mình, người bệnh và người nhà, việc đầu tiên là sát khuẩn tay bằng cách rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch (là tốt nhất là sát trùng tay bằng dung dịch sát khuẩn). Cần rửa tay nhiều lần, sau đó mới dùng tay đã rửa sạch tháo khẩu trang ra bỏ vào thùng rác, đậy kín lại. Việc tiếp đến là thay hết quần áo bằng quần áo sạch, quần áo bẩn cần được giặt sạch với xà phòng và phơi nắng.

Lời khuyên của chuyên gia

Theo BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM), virus SARS-CoV-2 lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp (qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh), hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh qua dịch tiết từ miệng và mũi. Dịch tiết này bao gồm nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc các giọt bắn. Dịch tiết được xuất từ miệng hoặc mũi của người nhiễm bệnh khi họ ho, hắt hơi, nói hoặc hát. Người tiếp xúc gần (trong vòng khoảng cách 1 mét) với người đã nhiễm bệnh có thể mắc bệnh Covid-19 khi các giọt bắn nhiễm bệnh này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của người tiếp xúc.

Trong đó, các cơ sở khám chữa bệnh tại những trung tâm thành phố lớn như Hà Nội là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao do số lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh lớn của thành phố và các tỉnh, thành phố khác về khám, chữa bệnh. Do đó chỉ cần lơ là, chủ quan một chút, chuyện lây nhiễm Covid-19 là điều khó tránh.

"Mặc dù vậy, người dân không nên quá hoang mang, sợ hãi đến mức không dám đến bệnh viện khám chữa bệnh. Việc không đến bệnh viện thăm khám, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội vàng chữa bệnh, khiến bệnh tình trở nên nặng hơn, thậm chí không có cơ hội cứu chữa... Điều này xảy ra thì vô cùng đáng tiếc", BS Khanh nhận định.

Điều quan trọng là chúng ta đến bệnh viện khám chữa bệnh cần đảm bảo tuân thủ theo những nguyên tắc nào để vừa khám chữa bệnh thành công vừa tránh nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh tật nói chung, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nói riêng. Theo bác sĩ, khi người bệnh, người nhà bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám, chúng ta nên:

Khám buổi chiều để tránh đông đúc: Thông thường, chúng ta vẫn có tâm lý đi bệnh viện vào buổi sáng sớm, sau đó ngồi xếp sổ, đợi lượt gọi. Với tâm lý đó, mỗi sáng, bệnh viện thường đông nghịt người ngồi chờ đến lượt. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi virus SARS-CoV-2 vô cùng thích những đám đông, thích những khoảng cách gần, dù cho bạn có đeo khẩu trang vẫn không tránh hết khỏi nguy cơ lây nhiễm trong phòng chờ của bệnh viện, trong các phòng khám đông người đợi nhau.

Do đó, BS Trương Hữu Khanh khuyên, tốt nhất nên đi khám buổi chiều nếu như bạn ở trong khu vực thành phố hoặc ở gần nơi khám chữa bệnh. Đối với những người dân ở tỉnh lẻ, khu vực xa xôi thì nên đi sớm hơn vào buổi sáng. Điều này vừa giúp đảm bảo đến lượt khám chữa bệnh vừa tránh tụ tập đông người trong mùa dịch Covid-19.

Khai báo y tế đúng và đầy đủ: Khi đến bệnh viện, mỗi người dân cần đảm bảo khai báo y tế vừa đầy đủ vừa chính xác. Hãy suy nghĩ thật kỹ và trả lời trung thực vào bản khai. Đây là nhiệm vụ "mình vì mọi người" cũng như "mọi người vì mình" trong mùa dịch Covid-19. Bản khai báo là giấy chứng nhận đảm bảo bạn có thuộc yếu tố, nguy cơ lây nhiễm hay không, ở mức độ nào... Tránh tình trạng giấu giếm, khai báo thiếu trung thực. Bởi điều này không chỉ làm hại chính bạn, gia đình bạn mà cả cộng đồng.

Không cần dẫn theo 2-3 người đi cùng, chỉ cần 1 người là đủ: Nhiều người vẫn có thói quen dẫn theo 2-3 người nhà đi cùng đến bệnh viện để có thể giúp đỡ, chăm sóc mình. Ngay từ bước di chuyển cùng nhau đến bệnh viện, bạn chỉ nên đưa theo một người đi cùng. Điều quan trọng là người đi cùng cần nhanh nhẹn, có thể lo các thủ tục, giấy tờ cũng như đảm bảo chăm sóc bạn khi bạn nhập viện...

Theo BS Khanh, trong mùa dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, bạn không nên làm thế. Điều này vừa tránh phiền nhiều người phải đi cùng chăm sóc vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện đúng các bước rửa tay, đeo khẩu trang tại bệnh viện: Khi vào bệnh viện, dù chỉ là ở đó một ngày, vài ngày hay tình trạng bệnh phải ở cả tuần, cả tháng, chuyên gia khuyên người dân cũng không nên quá lo lắng, miễn là đảm bảo liên tục rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay cũng như đeo khẩu trang y tế đúng cách.

Không đi lung tung trong bệnh viện: Theo BS Trương Hữu Khanh, khi đi thăm khám cũng như điều trị dài ngày trong bệnh viện, bệnh nhân cũng như người nhà ở cạnh có thể xuất hiện cảm giác nhàm chán nên đi lại lung tung trong bệnh viện để thăm thú, thư giãn đầu óc. Thế nhưng điều này vô cùng nguy hiểm. Việc đi lung tung rất khó kiểm soát sự tiếp xúc, có thể khiến dịch bệnh lây lan trong bệnh viện.

Do đó, tốt nhất là chỉ nên ở khu vực của mình được phân công, chỉ ra ngoài phòng bệnh khi có việc cần thiết, được bác sĩ, y tá... yêu cầu, tránh tự ý đi lung tung, khám phá, ngồi uống nước lai rai tại bệnh viện cũng như khu vực xung quanh bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân cần chuẩn bị gì khi đi khám bệnh trong mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO