Người dân có phải chịu cảnh ‘phí có chồng phí’?

QUỐC ĐỊNH 14/08/2020 18:36

Sở Xây dựng TP HCM vừa có Tờ trình gửi UBND TP HCM về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 – 2024, để dùng vào đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước.

Chủ trương thu thêm phí dịch vụ cấp thoát nước của Sở Xây dựng TP HCM được đưa ra trong cảnh ngập lụt, ô nhiễm môi trường không nhận được sự đồng tình của hầu hết người dân.

Theo đó, giá dịch vụ thoát nước bình quân năm 2020 trên mỗi m3 là 1.430 đồng (chưa gồm thuế giá trị gia tăng); năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và có mức 4.237 đồng vào năm 2024. Việc thu phí sẽ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là đơn vị thoát nước) có xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên thành phố. Đơn vị thoát nước đã đóng tiền dịch vụ thoát nước không phải trả phí bảo vệ môi trường.

Về phương thức thu, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) sẽ căn cứ vào khối lượng nước tiêu thụ hàng tháng của đơn vị thoát nước thông qua hóa đơn. Đối với các đơn vị không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước Sawaco tiếp tục đóng phí bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án thu tiền dịch vụ đối với nhóm này. Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được giữ lại 1% để dành chi trả cho dịch vụ đi thu; đóng các loại thuế và nghĩa vụ tài chính (nếu có). Phần còn lại nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, phương án đề xuất tăng giá dịch vụ thoát nước nêu trên cho giai đoạn 2020 - 2024 và dựa trên ý kiến tham vấn cộng đồng do Ngân hàng thế giới thực hiện, mức thu đề xuất tác động đến thu nhập của người dân, đặc biệt là người nghèo ở mức “có thể chấp nhận được”. Trong đó, phương án tăng trung bình 5%/năm được đánh giá là khả thi, đảm bảo không đột biến gây tác động xã hội đáng kể và không ảnh hưởng đột biến nguồn chi ngân sách trong suốt lộ trình.

Người dân mong muốn cần khắc phục tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường.

Trước đó, từ ngày 15/11/2019, giá bán nước sạch ở thành phố giai đoạn 2019-2022 tăng trung bình 5-7% mỗi năm, sau đề xuất của Sawaco. Sawaco cho biết, giá nước từ năm 2013 đến 2019 chưa được điều chỉnh khiến tình hình tài chính của tổng công ty bị ảnh hưởng khi phải đảm bảo, duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và thực hiện "nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội".

Hiện tại nhiệm vụ quản lý hệ thống thoát nước do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố (trực thuộc Sở Xây dựng) đảm nhiệm, sau khi tổ chức lại 4 khu quản lý giao thông đô thị, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố.

Kế hoạch trên của Sở xây dựng TP HCM nghe qua có vẻ hợp lý, bởi cơ quan quản lý sẽ có nguồn vốn để tái đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, nếu so sánh mức giá thu dịch vụ thoát nước của các địa phương như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hà Nội (đang đề xuất thu trong năm 2020 với mức 1.895-2.645 đồng mỗi m3)..., Sở Xây dựng cho rằng, mức thu của thành phố tương đối thấp.

Tuy nhiên, hầu hết người dân và các nhà nghiên cứu đều phản đối, hoặc hoài nghi về kế hoạch này. Chẳng hạn, mỗi một hộ gia đình, hàng ngày họ đều phải mua rất nhiều mặt hàng tiêu dùng để phục vụ sinh hoạt. Trong các mặt hàng tiêu dùng đó, ngoài việc trả tiền mua hàng, người tiêu dùng đồng thời phải đóng luôn cả phí môi trường, phí dịch vụ cấp thoát nước (nếu chủ trương này được áp dụng) do các đơn vị sản xuất đóng, sau đó doanh nghiệp tính luôn vào giá thành sản phẩm. Hay nói cách khác, người dân đã phải trả một khoản phí ngay khi mua hàng để doanh nghiệp đóng các loại phí cho nhà nước. Và như vậy, nếu tính tiếp phí này vào phí dùng nước sinh hoạt sẽ xảy ra tình trạng “phí chồng phí”. Cuối cùng không ngoài ai hết, chính người dân lại tiếp tục phải chịu thêm khoản phí này.

Ý kiến khác cho rằng, phí dịch vụ thành phố tính tương đối cao như vậy nhưng được giữ lại rất thấp, số tiền còn lại không đưa vào đầu tư hạ tầng, trong khi thực tế dân phải sống trong cảnh ngập lụt mỗi lúc mưa đến. Nếu thu thêm phí liệu cơ quan quản lý có cam kết sẽ hết cảnh ngập lụt, ô nhiễm nguồn nước hay không? Người dân mong muốn cần khắc phục tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường trước, rồi đưa ra chủ trương, lúc đó dân “tâm phục khẩu phục”, dân sẽ hoàn toàn ủng hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân có phải chịu cảnh ‘phí có chồng phí’?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO