Người dân đợi chờ tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ

PV 16/07/2021 15:40

Những ngày qua, thông tin Bệnh viện Hạnh Phúc, tỉnh An Giang thông báo tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ với giá 1,5 triệu đồng/liều đã gây được nhiều quan tâm của dư luận. Trong đó đặt ra nhiều câu hỏi về việc liệu có nên hay không mở rộng tiêm vaccine Covid-19 tại thời điểm này.

Người dân có nhu cầu tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ

Từ đầu tháng 3 đến nay, Bộ Y tế đã ưu tiên tiến hành tiêm vaccine miễn phí cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch theo Nghị quyết 21, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; quân đội; công an; nhân viên, cán bộ ngoại giao được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian gần đây, trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết, nhiều người dân không nằm trong nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine Covid-19 bày tỏ họ thực sự có mong muốn được tiêm vaccine dịch vụ, dù có phải bỏ ra một số tiền lớn.

Bà Nguyễn Thị Hải (56 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: “Dù không nằm trong vùng dịch nhưng chúng tôi cũng rất lo ngại về tình hình dịch bệnh hiện nay, nhất là công việc buôn bán thường xuyên phải đến các chợ đầu mối tại Hà Nội để nhập hàng về. Hiện tại, tôi cũng mong Nhà nước sẽ mở rộng tiêm vaccine dịch vụ Covid-19 rộng rãi để người dân có thể an tâm làm việc”.

Cùng nỗi băn khoăn của bà Hải, chị Hoàng Thị Hoa (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Cả nhà tôi không có ai nằm trong diện được tiêm chủng ưu tiên, nhưng thực sự chúng tôi đều có mong muốn rất lớn được sớm tiếp cận với các đợt tiêm chủng dịch vụ bởi tình hình dịch bệnh chưa ai nói trước được điều gì. Nếu có phải trả tiền cho việc tiêm dịch vụ thì cũng là dễ hiểu, chẳng ai phải bàn cãi”.

Bày tỏ nỗi lo lắng, ông Trần Văn Bình, 57 tuổi đang làm lao động tự do tại Cầu Giấy, Hà Nội cũng chia sẻ: “Việc các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine miễn phí thì không có gì phải bàn cãi rồi, tuy nhiên, Nhà nước cũng nên cân nhắc đến việc mở rộng tiêm chủng dịch vụ trong thời gian sớm nhất. Đó thực ra cũng là cách để người dân đóng góp và làm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nói chung”.

Có thể nói, nhu cầu về việc sớm mở rộng tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ của người dân là có căn cứ khi số ca nhiễm gần đây tại Việt Nam có dấu hiệu tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ lo ngại khi mở rộng tiêm dịch vụ sẽ khó lòng kiểm soát được nguồn gốc cũng như chất lượng vaccine bởi trên thị trường vaccine thế giới hiện nay, có rất nhiều nhà cung cấp vaccine Covid-19 giả.

Nếu không có các chính sách kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng, việc tiêm nhầm vaccine giả, vaccine kém chất lượng sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Còn nhiều câu hỏi

Thực tế cho thấy, việc mở rộng tiêm chủng vaccine Covid-19 dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ngoài vấn đề về việc kiểm soát chất lượng nguồn vaccine, vấn đề chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ cũng cần được cân nhắc, nhất là trong các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện tư nhân.

Ngoài ra, giá tiêm dịch vụ cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng thổi giá, hét giá, đảm bảo quyền lợi với người dân.

Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 18/6, Bộ Y tế cho biết, sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm ưu tiên, đạt đến miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế sẽ khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ.

Tại Bàn tròn trực tuyến trên báo VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, thông tin liên quan đến kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 dịch vụ được người dân rất quan tâm.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: "Để tăng nhanh nguồn cung, đa dạng hóa nguồn vaccine, đa nguồn lực và đỡ cho ngân sách quốc gia, chúng tôi tin rằng chủ chương tiêm dịch vụ cũng hợp lý và Bộ Y tế sẽ đề xuất xem xét ở một thời điểm phù hợp”.

Tuy nhiên, trao đối với báo chí sau vụ việc Bệnh viện Hạnh Phúc (tỉnh An Giang) thông báo tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ , ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: Hiện Bộ Y tế chưa chấp thuận cho bất kỳ đơn vị nào thực hiện tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ (có thu tiền).

Hơn 36.000 người đăng kí tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ tại Bệnh viện Hạnh Phúc

Ngay sau khi vụ việc Bệnh viện Hạnh Phúc, tỉnh An Giang thông báo tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ với giá 1,5 triệu đồng/liều, Tiến sĩ, bác sĩ Lư Quốc Hùng, Giám đốc BVĐK Hạnh Phúc xác nhận bệnh viện đã đăng tải các thông tin nêu trên.

Trả lời báo chí, vị Giám đốc Bệnh viện này cho biết, khi đăng thông tin cho khách hàng đăng ký tiêm vaccine, từ ngày 10/7 đến trưa 15/7 đã có hơn 36.000 người trong và ngoài tỉnh An Giang đăng ký tiêm ngừa.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang thông tin, sẽ xem xét để có hướng xử lý, xử phạt Bệnh viện Hạnh Phúc theo quy định của pháp luật và có báo cáo sự việc này về Trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân đợi chờ tiêm vaccine Covid-19 dịch vụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO