Người dân 'nhẹ gánh'?

Ngọc Quang 14/09/2022 06:33

Từ 15h ngày 12/9, giá xăng dầu đồng loạt giảm hơn 1.000 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng E5RON92 đang có giá 23.359 đồng/lít, sau khi giảm 1.128 đồng/lít, còn 22.231 đồng/lít. Giá xăng RON95-III đang ở mức 24.230 đồng/lít, sau khi giảm 1.015 đồng/lít, còn 23.215 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S đang có giá 25.188 đồng/lít, giảm 1.308 đồng/lít, về mức giá 23.880 đồng/lít... Trước kỳ điều chỉnh, nhiều người cho rằng do giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục đà giảm nên lần này này giá xăng trong nước sẽ về mức 20.000 đồng/lít. Nhưng rồi đã không được như kỳ vọng.

Thông tin từ Bộ Công thương, giá xăng dầu bán lẻ tại thị trường Singapore (giá tham chiếu cho thị trường Việt Nam) đến ngày 8/9 tiếp tục lao dốc về dưới mốc 100 USD/thùng, thấp nhất trong vòng 8 tháng. Xăng RON 95-III về mức 98,83 USD/thùng, xăng E5 RON 92 về 94,11 USD/thùng, dầu diesel cũng về 130,81 USD/thùng. Giá dầu thô thế giới cũng giảm hơn 4% so tuần trước. Lúc 14 giờ chiều ngày 9/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ về giá 83,7 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu dao động quanh mức 89,4 USD/thùng.

Hiện Việt Nam đang điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày 1 lần. Tuy nhiên, đặc điểm của mặt hàng xăng dầu là hợp đồng giao sau, mất thêm thời gian vận chuyển, nhà nhập khẩu phải có kho lưu trữ, không thể mua về bán ngay. Bản chất của thị trường này có độ trễ nhất định. Thế nên, không cần thiết áp dụng bao nhiêu ngày thì điều chỉnh giá, bởi giá đi theo thị trường.

Ở thời điểm hiện tại, giá xăng nhập khẩu đang ở mức thấp tương đương giá nhập khẩu ngày 17/1/2022. Tại thời điểm đó, xăng E5 RON92 trong nước bán lẻ ở mức 23.159 đồng/lít, xăng RON 95-III 23.876 đồng/lít. Nếu trừ đi 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường được giảm trên 1 lít xăng sau 2 lần (ngày 1/4 và ngày 11/7) thì giá xăng trong nước sẽ ở ngưỡng 20.000 đồng/lít.

Như vậy, lần này, giá xăng dầu vẫn không xuống tương ứng, trong đó có nguyên nhân do quy định 10 ngày điều chỉnh giá 1 lần.

Trên thực tế, việc bao nhiêu ngày thì nên điều chỉnh giá xăng dầu một lần đã được bàn đi bàn lại. Trước kia, theo Nghị định 84 của Chính phủ, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu là 30 ngày, sau đó theo Nghị định 83 rút xuống 15 ngày và hiện Nghị định 95 (sửa đổi Nghị định 83) quy định là 10 ngày, trong khi dự thảo trước đó được đề nghị là 7 ngày.

Như vậy, cho dù mốc thời gian điều chỉnh nào thì cũng cách khá xa so với diễn biến giá thế giới. Theo ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá thì, 10 ngày điều chỉnh giá một lần vẫn là quá dài trước nhiều biến động, nên điều chỉnh từ từ, xuống 7 ngày, 5 ngày, rồi 2 - 3 ngày một lần.

Quan trọng nhất là cần có cơ chế quản lý điều hành giá xăng dầu đúng bản chất của thị trường, thay vì mấy ngày sẽ điều chỉnh giá một lần vì sẽ thiếu đi tính cạnh tranh. Văn phòng Chính phủ cũng đã ra thông báo truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đối với mặt hàng xăng dầu: Yêu cầu Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước sát với diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Vậy, trong cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu như hiện nay (10 ngày 1 lần), thì còn cách nào giá xăng dầu xuống nữa hay không? Vẫn có cách, đó là cùng với việc đã giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường thì còn có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng này; kể cả trong trường hợp giá dầu thế giới tăng cao.

Việc giảm giá xăng dầu là hết sức quan trọng giúp giảm giá các mặt hàng hóa khác. Thực tế cho thấy, sau một thời gian ngắn giá xăng dầu tăng thì các mặt hàng khác lập tức “té nước theo mưa”, đồng loạt tăng giá. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, gây áp lực lên lạm phát mà còn tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân, đặc biệt là với công nhân, người lao động.

Vì thế, việc xăng dầu dù đã 6 lần giảm giá thời gian qua, nhưng do việc giảm “chừng mực”, không kéo giảm đúng với giá thị trường thế giới, nên cũng có thể coi là một trong những tác nhân khiến giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác vẫn neo cao. Người dân vẫn chưa thực sự “nhẹ gánh” với mức giảm như vậy. Trong những tháng còn lại của năm, theo đánh giá của Chính phủ, nguy cơ tiềm ẩn lạm phát vẫn còn vì thế giá xăng dầu vẫn cần tiếp tục giảm. Mà trước hết cơ quan quản lý nhà nước cần sớm rút ngắn thời gian chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, sớm áp dụng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng chiến lược này.

Khi đó, giá xăng dầu đi xuống, gánh nặng đối với người dân sẽ thực sự giảm bớt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân 'nhẹ gánh'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO