Người đứng đầu không trong sạch thì không chống được tham nhũng

H.Vũ (thực hiện) 30/11/2020 07:34

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mới đây, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất hoàn thành xét xử sơ thẩm 5 vụ án trọng điểm; kết thúc điều tra 5 vụ án ngay trong năm 2020.

Theo ông Lê Như Tiến, ĐBQH khóa XIII, điều đó một lần nữa cho thấy quyết rất tâm lớn trong công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Ông Lê Như Tiến.

Ông Lê Như Tiến cho rằng, thời gian qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) của chúng ta đã có nhiều bước tiến. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được dư luận xã hội và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Việc Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã thống nhất đưa các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi cần sớm xét xử ngay trong năm 2020 đã thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm trong PCTN. Tuy nhiên, chúng ta cần làm cương quyết, mạnh mẽ hơn nữa.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, xảy ra tình trạng tham nhũng có trách nhiệm lớn của người đứng đầu. Ý kiến của ông?

Ông Lê Như Tiến: Trong nhiều trường hợp tham nhũng bị phát hiện đã cho thấy người đứng đầu không gương mẫu, thậm chí còn tiếp tay cho tham nhũng, tiếp tay cho tội phạm. Tôi nói ví dụ trường hợp của ông Nguyễn Đức Chung chẳng hạn. Ông Chung từng là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Thủ đô của cả nước nhưng lại bị truy tố đến 3 tội danh. 1 tội đã là đau lòng nhưng ở đây lại là 3 tội. Đó chính là điển hình của việc người đứng đầu không gương mẫu, không trong sáng, tham nhũng và tiếp tay để cho tham nhũng hoành hành.

Đưa ra dẫn chứng vụ ông Nguyễn Đức Chung để thấy rằng phải rất quyết liệt trong đấu tranh PCTN. Tôi cho là thời gian tới các cơ quan bảo vệ pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải đồng bộ “tăng tốc”.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thì Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã vào cuộc, xử lý những cá nhân có vi phạm khuyết điểm, nhiều trường hợp đã bị bãi nhiệm, cách chức, điều tra, truy tố, xét xử. Thời gian qua đã làm tốt, bây giờ cần làm tốt hơn nữa.

Ông có thể nói rõ hơn cần làm tốt hơn nữa ở những khâu nào?

-Tôi cho rằng các cơ quan phải phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ. Khi thấy dấu hiệu tội phạm phải có giải pháp ngăn chặn phòng ngừa. Đừng để khi phát hiện ra dấu hiệu phạm tội thì đối tượng lại đã cao chạy xa bay, phải cử người ra nước ngoài để truy bắt. Như trường hợp trước đây là Trịnh Xuân Thanh, còn giờ đây là vụ Nhật Cường, vụ Hồ Thị Kim Thoa. Nếu chúng ta không quyết liệt ngay từ đầu, không có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn thì tài sản bị tẩu tán ra nước ngoài không thu hồi được. Trong PCTN điều rất quan trọng là phải thu hồi được tài sản của nhân dân, đất nước. Cũng cần đặt vấn đề là tại sao lại để họ chạy trốn? Có hay không sự tiếp tay?

Đã nhiều lần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói phải PCTN ngay tại cơ quan PCTN. Phải làm trong sạch ngay chính trong bộ máy PCTN, làm trong sạch bộ máy ngay tại các cơ quan bảo vệ pháp luật. Và, các cơ quan thực thi pháp luật cần thực hiện tốt các quy định pháp luật hiện hành đã có. Bởi hiện nay khâu thực thi pháp luật đang là khâu yếu, nhiều năm chưa được khắc phục.

Vừa qua tại Hội nghị công tác kiểm tra giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói rằng không liêm, không sạch thì không nói được ai. Ở đây, một lần nữa có thể hiểu là trách nhiệm của người đứng đầu, thưa ông?

-Trách nhiệm trong quản lý, trong giải trình của người đứng đầu đều đã được quy định rõ tại các quy định của Đảng, trong Luật PCTN sửa đổi. Nếu người đứng đầu không trong sạch, tiếp tay, nương nhẹ, không làm gương thì không bao giờ chống được tham nhũng và công cuộc PCTN khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đó chính là bài học lớn về sự nêu gương của cán bộ. Cách đây gần một thế kỷ, nhà giáo dục học Xô viết Makarenko đã nói: “gương mẫu là cha đẻ của giáo dục”. Mọi sự giáo dục đều vô nghĩa nếu như người đứng đầu không gương mẫu. Do đó sự nêu gương, gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu là yếu tố quan trọng cần đặt lên hàng đầu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, phòng chống tham nhũng được Đảng xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên vừa khó khăn, phức tạp, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Do đó phải được tiến hành ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Thực hiện đồng bộ các giải pháp và phải thực hiện kiên quyết, kiên trì có trọng tâm, trọng điểm và không ngoại lệ.

PCTN phải được gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn PCTN với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công cuộc PCTN. Phải tăng cường kiểm soát, giám sát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Mọi quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế, phải được ràng buộc trách nhiệm. Quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn, lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người đứng đầu không trong sạch thì không chống được tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO