Người giàu gấp rút tiêm vaccine

Phan Quang Vũ 26/12/2020 07:34

Trong tuần, chuyện nóng nhất vẫn là những chuyển động của cuộc chiến chống Covid-19.

Cụ thể hơn là việc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 khiến châu Âu rúng động, cùng với việc một số quốc gia ào ạt tiến hành tiêm chủng trên diện rộng. Nói như các chuyên gia dịch tễ của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) thì đây phải được xem là bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống đại dịch, tính trong vòng 1 năm.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã chính thức thông qua vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp phát triển, mở đường cho Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm chủng mở rộng vaccine ngừa Covid-19 trong toàn khối. Nói như vậy cũng ngầm hiểu là EU (gồm 28 quốc gia) đã “loại” nước Anh ra vì trước sau gì Brexit cũng dẫn đến cuộc “li hôn chính thức”; trong khi kể từ ngày 14/12, Anh đã thực hiện việc tiêm chủng vaccine Pfizer/BioNtech trên người.

Biến thể virus SARS-CoV-2 có thực sự nguy hiểm?

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ấn định thời điểm bắt đầu chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19 trên toàn châu Âu ngay sau lễ Giáng sinh, trong khoảng từ ngày 27 đến ngày 29/12. Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc EMA Emer Cooke nói: “Tôi vui mừng thông báo rằng Ủy ban khoa học của EMA đã họp và đề nghị cấp phép có điều kiện tại EU đối với vaccine Pfizer/BioNTech. Quan điểm khoa học này sẽ mở đường cho giấy phép đầu tiên tại EU đối với vaccine phòng Covid-19)”.

Bà Emer Cooke cho biết thêm, điều này không chỉ là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch, mà vaccine Pfizer/BioNTech thực sự là thành tựu khoa học lịch sử, khi trong vòng chưa đầy một năm một loại vaccine mới đã được phát triển và được cấp phép chống lại chủng virus đã và đang đẩy thế giới vào tình trạng khủng hoảng nặng nề.

Theo dự kiến của EU, giới sinh viên y khoa, bác sĩ về hưu, dược sĩ và binh sĩ sẽ được huy động tham gia vào chương trình tiêm chủng quy mô chưa từng có này. Chương trình sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, trong đó các nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi tại các trung tâm dưỡng lão là nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên. Tuy nhiên, bà Cooke cũng cho rằng, nhanh nhất thì cũng phải đến cuối quý 1/2021, chương trình này mới được triển khai rộng khắp EU.

Trong khi đó, trước những thông tin trái chiều về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (được phát hiện đầu tiên tại Vương quốc Anh vào ngày 14/12), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra nhận định: Đây là diễn biến thông thường của đại dịch. Nhận định đó ít nhiều cũng làm người ta dịu xuống nhưng tất nhiên là cũng không thể bỗng chốc nỗi lo âu tan biến.

Vận chuyển vaccine Covid-19 an toàn cũng là một thách thức. Ảnh: CNN.

Nhận định của WHO được cho là thận trọng trước những cảnh báo nghiêm trọng liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, khi nó có thể lây lan nhanh hơn tới 70% so với virus SARS-CoV-2 “cũ”.

Các quan chức WHO thậm chí còn tỏ ra lạc quan trước việc phát hiện các biến thể mới, bởi điều này đồng nghĩa rằng các công cụ theo dõi virus đang hoạt động hiệu quả.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc Tình trạng y tế khẩn cấp của WHO, tiến sĩ Mike Ryan, nhấn mạnh minh bạch thông tin là quan trọng và biến thể mới cũng chỉ là sự phát triển bình thường của virus.

Ông Ryan cũng cho biết, với dữ liệu tại Anh, các quan chức WHO không thấy có bằng chứng nào về việc biến thể mới khiến người bệnh nặng hơn hoặc làm tăng nguy cơ tử vong, “dù chúng dường như lây lan nhanh hơn”.

Để củng cố thêm, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan khẳng định cho đến thời điểm này, dù virus SARS-CoV-2 đã có một số sự đột biến, nhưng những thay đổi đó không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả khả năng kháng thuốc, các liệu pháp điều trị hay tránh được các vaccine hiện nay của virus.

Theo bà Swaminathan, virus SARS-CoV-2 còn biến thể chậm hơn so với virus cúm thông thường. Tương tự, tiến sĩ Maria Van Kerkhoven - Trưởng nhóm kỹ thuật Tình trạng Khẩn cấp y tế của WHO, cho rằng biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Anh thậm chí còn không ảnh hưởng đến phần lớn các xét nghiệm chẩn đoán Covid-19. Tuy nhiên, bà Kerkhoven vẫn đưa ra khuyến cáo người dân cần duy trì các biện pháp phòng ngừa, bao gồm đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, đảm bảo giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, nỗi ám ảnh dịch bệnh quá lớn khiến hàng loạt quốc gia đã “đóng cửa” với nước Anh.

Trong bối cảnh đó, Cố vấn khoa học “Chiến dịch Thần tốc” của Mỹ, tiến sĩ Moncef Slaoui, nhận định có khả năng biến thể này của virus đã xuất hiện tại Anh từ lâu, nhưng các nhà khoa học chưa để ý đến, dẫn đến cảm giác số ca nhiễm tăng vọt khi nó được phát hiện.

Nhà khoa học này cũng cho biết, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã bắt đầu nghiên cứu về biến thể mới, để xác định xem liệu các kháng thể lấy từ bệnh nhân đã phục hồi hay được tổng hợp trong phòng nghiên cứu có hiệu quả trong việc chống lại biến thể mới này không. Quá trình nghiên cứu này sẽ mất khoảng vài tuần. Mặc dù tin tưởng rằng kháng thể do vaccine tạo ra sẽ vẫn hiệu quả, do chúng sẽ nhắm vào protein gai mà virus SARS-CoV-2 dùng để xâm nhập vào tế bào khỏe mạnh, song tiến sĩ Slaoui cũng không loại trừ khả năng virus đột biến và vaccine không hiệu quả vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Dù vậy, ông vẫn kêu gọi thế giới phải tiếp tục thận trọng.

Những hành khách lên chuyến tàu điện cuối cùng giữa Anh và Pháp tại London trước khi Pháp ngừng đi lại giữa hai nước, ngày 20/12, do lo ngại biến chủng virus SARS-CoV-2 mới. Ảnh: Reuters.

Vẫn đẩy mạnh “chiến dịch vaccine”

Trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong do đại dịch Covid-19 không ngừng tăng khiến nhiều nước phải siết chặt các biện pháp hạn chế để khống chế, kể cả lo ngại đến từ biến thể của SARS-CoV-2 thì EU và Mỹ vẫn kiên quyết triển khai chiến dịch tiêm đại trà vaccine phòng ngừa. Nói như giới truyền thông nước này thì “người giàu đang gấp rút tiêm vaccine”.

Tại Pháp, một trong những quốc gia châu Âu bị Covid-19 tấn công dữ dội, kể cả Tổng thống nước này -ông Emmanuel Macron - cũng từng dương tính với SARS-CoV-2, hiện đã sẵn sàng tiếp nhận 1,16 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và thêm 2,3 triệu liều trong 2 tháng đầu năm 2021. Hiện Pháp đã đặt mua tổng cộng 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, đủ để có thể tiêm cho 100 triệu người, trong khi dân số nước này chưa đến 70 triệu người.

Tại Italy, sau cuộc họp giữa đại diện Chính phủ Trung ương và thống đốc 20 vùng, giới chức nước này đã thông qua một kế hoạch quốc gia tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19. Theo đó, đối tượng ưu tiên sẽ là những nhóm có nguy cơ cao nhất như nhân viên y tế và người già, sau đó mới mở rộng ra cộng đồng. Vaccine sẽ được tiêm miễn phí và không bắt buộc. Những liều vaccine đầu tiên sẽ đến với người dân ngay sau lễ Giáng sinh này.

Còn tại New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern thông báo nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine miễn phí cho người dân vào giữa năm sau, với hai thỏa thuận ký với Công ty Dược phẩm AstraZeneca (cung cấp 7,6 triệu liều vaccine) và Novavax (10,72 triệu liều), đủ để đáp ứng cho tất cả 5 triệu người dân nước này.

Tại Mỹ, ngày 21/12, vợ chồng Tổng thống đắc cử Joe Biden đã tiêm vaccine phòng Covid-19. Đây là nỗ lực của ông Biden nhằm thuyết phục công chúng Mỹ rằng việc tiêm vaccine là an toàn. Trước đó, vào ngày 19/12, Phó Tổng thống đương nhiệm, ôngMike Pence; Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cùng nhiều chính khách khác của nước Mỹ cũng đã công khai tiêm vaccine phòng Covid-19.

Đặt hy vọng vào vaccine, Quốc hội Mỹ công bố dự luật ngân sách và gói cứu trợ 2.300 tỷ USD. Đây được coi là một nỗ lực lớn phục hồi nền kinh tế. Thỏa thuận đạt được gồm dự luật ngân sách Chính phủ trị giá 1.400 tỷ USD; trong đó có 740,5 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng và 664,5 tỷ USD cho các chương trình trong nước và dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD được các nhà lãnh đạo lưỡng đảng nhất trí vào cuối tuần vừa qua.

Đây là thỏa thuận với những dự luật chi tiêu lớn nhất được Quốc hội Mỹ xem xét để thông qua sau Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD được phê chuẩn vào cuối tháng 3/2020.

Bất chấp lo ngại của nhiều nước, các quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra những nhận định lạc quan về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 khi cho rằng đây là “một phần bình thường trong quá trình tiến hóa của virus”.

Theo TS Mike Ryan, Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO thì “chúng ta đã chứng kiến một tỉ lệ lây nhiễm cao hơn nhiều ở các thời điểm khác nhau trong đại dịch lần này nhưng vẫn kiểm soát được. Vẫn theo TS Ryan, điều quan trọng là phải hiểu rằng đây là một phần bình thường trong quá trình tiến hóa của virus.

Tương tự, bà Soumya Swaminathan - một chuyên gia của WHO, khẳng định chưa ghi nhận tình trạng kháng thuốc hoặc nhờn thuốc dù các biến thể của SARS-CoV-2 đã xuất hiện nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người giàu gấp rút tiêm vaccine

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO