Người gieo và giữ tiếng tỳ bà  

Từ Khôi 07/09/2020 09:00

Có những người chọn nghề làm thầy chỉ đơn giản là có một nghề để sinh sống. Có những người làm thầy với mong muốn đào tạo ra những công dân tốt, những nhà khoa học. Nhưng có những người tình cờ chọn nghề làm thầy chỉ vì đau đáu muốn giữ lại được tiếng đàn tỳ bà trong nền âm nhạc dân tộc. Nghệ sĩ đàn tỳ bà Nguyễn Thanh Thư là một người thầy như vậy.

Nghệ sĩ Thanh Thư dạy đàn tỳ bà tại nhà.

Duyên trời với tỳ bà

Đàn tỳ bà xuất xứ từ Ba Tư nhưng du nhập vào nước ta đã hơn ngàn năm. Khi vào Việt Nam, đàn tỳ bà dần biến đổi để phù hợp với phong tục tập quán. Từ thế kỷ 12, hình ảnh đàn tỳ bà đã được nghệ nhân chạm khắc trên kệ đá chùa Phật Tích (Bắc Ninh).

Nghệ sĩ Thanh Thư đến với đàn tỳ bà như duyên trời định. Bà kể: Năm 1970, tôi 9 tuổi, ở thị xã Cao Bằng. Dịp hè năm đó được về Hà Nội thăm ông bà. Đi chơi cùng mấy chị thế nào lại lạc vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Nghe tiếng đàn, nghĩ là có văn công nên mấy chị em vào xem. Thấy một cô đang đứng dẹp trật tự, Thanh Thư lễ phép: “Cô ơi cho cháu ngồi đây nhé. Cháu sẽ giữ trật tự ạ”. Cô gật đầu và hỏi đã lấy phiếu chưa?. Tưởng là phải có phiếu mới được xem nên Thanh Thư đáp: “Chưa ạ”. Sau này Thanh Thư mới biết người phát phiếu cho mình là nghệ sĩ Măng Thị Hội.

Đến lượt Thanh Thư được gọi lên. Sau này mới biết người gọi mình lên là nhạc sĩ Thao Giang và Hồng Thái. Nhạc sĩ Thao Giang hỏi có biết hát không? Thế là cô bé Thanh Thư hát luôn bài “Con cò bé bé”. Hát xong lại xin hát thêm bài “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”. Vì không biết nhạc cụ và hát theo đàn nên hai nhạc sĩ nói sẽ gõ tay xuống bàn để Thanh Thư gõ bắt chước theo.

Một thời gian sau, có thông báo của trường gửi lên Cao Bằng. Bố của Thanh Thư còn tưởng trường gửi nhầm.

Vậy là mới 9 tuổi, Thanh Thư đã trở thành một “ngôi sao” ở thị xã Cao Bằng lúc đó.

Nhập học, vì không biết nhạc cụ gì nên khi được các thầy cô hỏi: “Em học đàn tỳ bà nhé”. Thanh Thư đáp “vâng”. Vậy là nghệ sĩ Vũ Thị Mai Phương (Mai Phương) có học trò.

Loay hoay giữ tiếng đàn

Nghệ sĩ Mai Phương dạy Thanh Thư hết 7 năm sơ cấp, đang dạy dở hai năm đầu trong bốn năm trung cấp (đã học được 10 năm) thì hệ đại học bắt đầu mở. Nghệ sĩ Mai Phương đi học đại học. Vậy là Thanh Thư phải học nốt 2 năm trung cấp còn lại với thầy Vũ Tuấn Đức. Lúc đó thầy đã già (79 tuổi). Thầy là lớp nghệ nhân thời Nguyễn đã trải cả cuộc đời với âm nhạc dân tộc. Thầy là người sáng lập và là vị Chủ nhiệm khoa nhạc cụ dân tộc đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam. Thầy cũng là người nghiên cứu và thay dạy nhạc chữ “Hò xự xang xê cống” sang ghi nhạc theo 5 dòng kẻ.

Cùng đến nhà thầy Vũ Tuấn Đức học với Thanh Thư còn có Bích Ngọc. Hai cô học trò cho đàn vào bao tải và vác đến nhà thầy. Trên đường đi còn tranh thủ mua thức ăn đến để nấu cơm luôn cho mấy thầy trò vì thầy chỉ có một mình.

Vừa học, Thanh Thư lại phải kiêm làm thầy cho những nghệ sĩ học sơ cấp. Cứ vậy, Thanh Thư học hết đại học. Tổng thời gian là 14 năm học tỳ bà. Nghề y là nghề cứu người mà chỉ học có 6 năm. Thế mới biết nghệ thuật cầu kỳ và khổ luyện đến chừng nào. Trong quá chừng học, số sinh viên học tỳ bà vốn đã ít, khi tốt nghiệp chỉ đếm đầu ngón tay. Ngoài học tỳ bà, học tam thập lục, Thanh Thư còn tự học đàn tơ rưng, đàn tranh, đàn tứ, k'long put.

Xinh đẹp, đàn hay, Thanh Thư còn được mời đóng một số phim truyện nhựa như “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Thị xã trong tầm tay”…

Khi đang làm giảng viên, năm 1975, Thanh Thư được mời dẫn chương trình Bông hoa nhỏ của Truyền hình Việt Nam và tham gia chuong trình phát thanh Thiếu niên tiền phong của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thanh Thư kể: “Một hôm, tôi đem việc bên truyền hình đặt vấn đề với tôi là xin về làm nghề dẫn chương trình với cô Mai Phương. Cứ tưởng cô sẽ ủng hộ. Ai ngờ, cô đứng phắt dậy, bực bội: “Đi. Đi ngay đi. Trồng cây đến ngày hái quả mà toàn quả ủng, quả thối”. Chưa bao giờ Thanh Thư thấy cô bực đến vậy. Nhưng cũng vì câu nói ấy mà Thanh Thư ở lại và gắn chặt với nghiệp đàn tỳ bà.

Chính vì thấy Thanh Thư và một số nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc hay nên nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương – Giám đốc Nhạc viện Hà Nội kiêm Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam quyết định chuyển công tác cho nhóm nghệ sĩ sang nhà hát.

Sau năm 1983, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương nghỉ hưu, Thanh Thư dần ít được biểu diễn. Có được ra thì phải biểu diễn đàn tứ chứ không phải tỳ bà. Chỉ vì vị chỉ huy dàn nhạc cứ quan niệm đàn tỳ bà là của Trung Quốc. Không ít lần khi biểu diễn chính thức, Thanh Thư “ngang ngạnh” ôm đàn tỳ bà ra sân khấu.

Lực cản ập đến với lớp nghệ sĩ trung tuổi... Lần lượt các nghệ sĩ dời sân khấu đi làm việc vặt trong đoàn. Lòng tự trọng nghệ sĩ nổi lên, năm 1999, khi mới 39 tuổi, Thanh Thư quyết định về “một cục”.

Nghệ sĩ Thanh Thư và học trò trong một lần quay chương trình âm nhạc.

Chỉ một niềm tin

Không lương hưu, Thanh Thư kiếm sống bằng cửa hiệu nhỏ bán sữa, bánh ngọt ở nhà. Tiếng đàn tỳ bà vì thế khi vang khi lặng. Rồi một hôm, NSƯT Nguyễn Huỳnh Tú, bạn cùng học đang công tác ở Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long điện thoại tới. Biết chuyện, Huỳnh Tú nói: “Nghĩ lại đi. Người như bà mà bỏ nghề ư? Thật uổng phí”.

Câu nói đánh thức “thiên chức”. Vậy là Thanh Thư cho thuê lại cửa hàng, quyết tâm gieo và giữ tiếng đàn tỳ bà.

Vạn sự khởi đầu nan. Nghệ sĩ Thanh Thư nghĩ tới người thầy Vũ Tuấn Đức năm xưa. Trước Cách mạng, để giữ cây đàn, ông phải lăn lộn tự thành lập các đoàn nghệ thuật, rong ruổi các vùng miền biểu diễn. Sáng kiến nảy ra: Tại sao không giúp sinh viên các trường biểu diễn các tiết mục để tham gia các phong trào?. Thật trùng hợp, vì lúc đó CLB Đam San từ Tây Nguyên lan về TP HCM và ra Hà Nội. Thanh Thư nhập vào CLB Đam San. Khi duyên khởi thì trùng trùng duyên khởi. Nhiều sinh viên của các trường mời Thanh Thư dạy đàn tỳ bà và dàn dựng tiết mục. Phong trào lên cao, Thanh Thư được mời vào Ban giám khảo…

Tiếng thơm bay xa. Nhiều phụ huynh của học sinh tiểu học tìm đến nhờ Thanh Thư dạy đàn.

Với sứ mệnh nghệ sĩ, Thanh Thư còn tham gia nhiều chương trình thiện nguyện. Đến nay, dàn nhạc hòa tấu tỳ bà đông nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam do Thanh Thư tổ chức dàn dựng có tới 50 người. Đó là chương trình Xuân yêu thương năm 2015. Thanh Thư kể: Cánh màn nhung mở ra, ngập tràn sân khấu là một dàn nhạc tỳ bà đồ sộ. Nhiều khán giả vui sướng không kìm được hét lên: “Ôi các nàng tiên. Các nàng tiên giáng trần. Ôi đẹp quá”. Hòa tấu xong rồi mà tiếng vỗ tay còn dào dạt nhiều lớp. Đêm ấy, hai cô trò NSND Mai Phương, Thanh Thư đã ôm nhau khóc.

Sứ mệnh gieo tiếng đàn tỳ bà được NSND Mai Phương trao lên Thanh Thư. Năm 2011, chứng kiến trong dàn nhạc của trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội không có đàn tỳ bà, NSND Mai Phương nói với Thanh Thư: “Tôi phải giao cho cô trọng trách mở môn tỳ bà ở trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội”. Cũng lúc đó, một nghệ sĩ, giảng viên của trường nói: “Chị có biết ở trường em cây đàn tỳ bà tuyệt chủng rồi”.

Lòng quặn đau, nhưng nó càng khiến Thanh Thư thêm quyết tâm. Trước quyết tâm của Thanh Thư, cả nghệ sĩ Dương Minh Ánh - Hiệu trưởng và Trưởng khoa Nhạc dân tộc Nguyễn Hữu Hậu đều đồng ý.

Thông báo vài lần, đến năm 2014 mới có một học sinh là Vũ Ngọc Nguyên Khanh đăng ký học. Hai năm tiếp theo, không có ai. Thế nhưng sang đến năm thứ 3 thì có 7 người đăng ký. Đến nay thì có tới 10 học sinh học đàn tỳ bà. Hiệu trưởng và Trưởng khoa nói với Thanh Thư: “Chị cứ dạy các cháu ở nhà. Đến kỳ thi thì đưa đến”. Thế nhưng, dù ít, và đi lại đôi khi vất vả, nhưng nghệ sĩ Thanh Thư vẫn muốn cho học sinh tới trường để cây đàn được hiện diện trong không gian này. Phải tới năm 2019, nhà trường mới bố trí được phòng học cho bộ môn tỳ bà.

Học sinh một số tỉnh lân cận nghe danh Thanh Thư cũng đã tìm về tận nơi nhờ dạy. Có học sinh điều kiện khó khăn Thanh Thư không thu tiền lại còn tặng đàn. Kinh phí học cũng thấp. Số tiền thu được, Thanh Thư không dám tiêu mà tích lại để thi thoảng thực chương trình hay phụ giúp các con thuê trang phục, thuê âm thanh để biểu diễn.

Thanh Thư kể: Cũng có lúc phải viết đôi ba bài báo để nói lại những quan niệm sai lầm về đàn tỳ bà của một số nhà nghiên cứu âm nhạc.

Không nộp đơn xin xét các danh hiệu nghệ sĩ. Nhưng những đóng góp của Thanh Thư với cây đàn tỳ bà của dân tộc thật lớn lao. Nghệ sĩ Thanh Thư đã biết xã hội hóa công việc nghệ thuật. Một công việc mà không mấy nghệ sĩ tên tuổi làm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người gieo và giữ tiếng tỳ bà  

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO