Người giữ nghề áo dài Trạch Xá

NGUYỄN PHÚC NAM DƯƠNG 20/10/2022 08:19

Hơn 60 năm qua, nghệ nhân áo dài Lê Thị Quyến vẫn luôn dành tâm huyết nâng niu vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống. Ngoài những khách hàng Hà Nội đã thân thuộc với tiệm may Vinh Trạch, còn có nhiều vị khách nước ngoài say mê trước tà áo dài được may bởi đôi bàn tay tài hoa của bà Quyến.

Nghệ nhân Lê Thị Quyến bên bàn may.

Gắn bó với tà áo dài

Nằm trên phố Lương Văn Can (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có một tiệm may áo dài với cái tên Vinh Trạch tồn tại tới nay đã hơn 60 năm, chứng kiến biết bao đổi thay của phố phường đông đúc. Mặc cho rất nhiều cửa hàng may áo dài hiện đại đã mọc lên trên khắp các con phố trung tâm của Hà Nội, tiệm may giản dị của bà Quyến vẫn là địa chỉ quen thuộc của nhiều người. Trong không gian nhỏ bé đặc trưng nhà phố cổ, có một người phụ nữ năm nay đã ngoài 80 vẫn miệt mài với từng đường kim, mũi chỉ, ngồi bên cạnh chiếc máy khâu cổ hiệu Butterfly. Đó là bà Lê Thị Quyến (sinh năm 1940), người phụ nữ hơn nửa thế kỉ chăm chút cho vẻ đẹp phái nữ qua những tà áo dài truyền thống.

Bà Quyến rất khéo để ý những người trên đường mặc áo dài ra sao, thấy họ mặc mẫu áo ấy là đẹp hay chưa đẹp, bà sẽ tự rút ra cho mình kinh nghiệm để may cho hoàn chỉnh hơn. Bà luôn tâm niệm, điều khiến bà cảm thấy vui mừng nhất không phải là may cho mình chiếc áp dài đẹp nhất, mà là mà phải may làm sao để khách hàng sau khi đến với bà có thể mặc lên mình chiếc áo đẹp và ưng ý nhất, được nhìn thấy nụ cười của khách hàng, đó là điều bà vô cùng hạnh phúc. Chính vì sự tâm huyết với nghề ấy, thương hiệu Vinh Trạch với cửa tiệm nhỏ bé đã tồn tại bền bỉ trên con phố Lương Văn Can này qua bao tháng năm.

Bà Lê Thị Quyến vốn là con “nhà nòi” có truyền thống 3, 4 đời may áo dài từ làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), năm lên 12 tuổi, bà đã được bố chỉ bảo cho từng đường cơ bản khi mới chập chững bước vào nghề, đơn giản như thùa khuyết hay đính khuy. Khi 13 tuổi, bà đã có thể tự mình chần một chiếc áo bông.

Bà kể về người bố của mình -người thầy đã dẫn dắt bà, cùng những kỉ niệm hồi còn bé được bố dạy nghề với một niềm tự hào. Sinh thời, cụ ông từng là một thợ may tài hoa, từng may trang phục biểu diễn cho các nghệ sĩ ở rạp hát Chuông Vàng (số 72 phố Hàng Bạc). Cụ còn được các nghệ sĩ đặc biệt quý mến, nên hằng năm cứ tới dịp giỗ Tổ nghề sân khấu, họ lại mang đồ ăn tới tận nhà biếu cụ.

Thuở nhỏ, bà sống cùng gia đình ở ngõ Phất Lộc. Tới khi lấy chồng, bà cùng ông Lê Thành Vinh-chồng của bà chuyển sang phố Lương Văn Can sinh sống và mở tiệm may Vinh Trạch vào năm 1958. Theo lời giải thích của bà, lấy tên Vinh Trạch, vì tên của ông là Vinh, mà hai ông bà có gốc gác ở làng Trạch Xá nên lấy tên là Vinh Trạch, chữ “Trạch” như khẳng định cho sự tiếp thu những tinh hoa làng nghề quê hương.

Thời bao cấp, bà làm ở Công ty Bông Vải sợi (số 63 Hàng Trống) phụ trách cắt vải. Còn ông Vinh, ngoài là một thợ may áo dài lành nghề, ông làm cửa hàng trưởng của Hợp tác xã Dân chủ. Ngày ấy, hai ông bà cũng vất vả, sáng đi làm ở công ty nhà nước, tối về cùng nhau may áo dài, vậy mới có tiền nuôi 7 người con ăn học.

Con cái bà bây giờ đều đã có gia đình riêng, và người con trai út là “truyền nhân” của nhà may Vinh Trạch. Để phát triển cho nghề may áo dài của gia đình, anh đã mở cửa hàng to hơn, trưng bày nhiều mẫu áo dài hơn ở số 8 phố Lương Văn Can, ngay phía đối diện cửa hàng ở số 23, là nơi mà mẹ anh đang sống.

Một số mẫu áo dài trong cửa hiệu Vinh Trạch. Ảnh: Lê Vân.

Tâm huyết làm đẹp cho phái nữ

Bà Quyến kể rằng, trong thời gian làm công nhân, bà đã tích lũy được nhiều kiến thức cắt, may đo, từ đó, bà vận dụng những kiến thức mình học được, kết hợp với kinh nghiệm trong suốt hàng chục năm làm nghề may để làm nên tà áo dài đẹp nhất, duyên dáng nhất, tôn vinh sắc vóc của người phụ nữ.

Bà rất khéo để ý những người trên đường mặc áo dài ra sao, thấy họ mặc mẫu áo ấy là đẹp hay chưa đẹp, bà sẽ tự rút ra cho mình kinh nghiệm để may cho hoàn chỉnh hơn. Bà luôn tâm niệm, điều khiến bà cảm thấy vui mừng nhất không phải là may cho mình chiếc áo dài đẹp nhất, mà là mà phải may làm sao để khách hàng sau khi đến với bà có thể mặc lên mình chiếc áo đẹp và ưng ý nhất, được nhìn thấy nụ cười của khách hàng, đó là điều bà vô cùng hạnh phúc.

Chính vì sự tâm huyết với nghề ấy, thương hiệu Vinh Trạch với cửa tiệm nhỏ bé đã tồn tại bền bỉ trên con phố Lương Văn Can này qua bao tháng năm. Trong hơn 60 năm qua, cửa hiệu của hai ông bà đã đón không biết bao nhiêu người khách lui tới, và có những người tới hiệu của bà Quyến may rất nhiều lần.

Ngoài những người khách sống ở Hà Nội đã quá thân quen với tiệm may Vinh Trạch, còn có cả những vị khách nước ngoài say mê trước tà áo dài được may bởi đôi bàn tay tài hoa của bà. Vì không giao tiếp được bằng tiếng Anh, nên bà thường chỉ vào ngày cụ thể trong lịch để hẹn khách hàng ngày tới lấy. Vỏn vẹn trong 2 ngày, nhưng từng công đoạn làm nên một tà áo dài đều được bà cùng các con thực hiện rất cẩn thận, tỉ mỉ. Bà quan niệm, những vị khách nước ngoài tới cửa hàng bà đều là những đại sứ văn hóa, và chính họ sẽ là người đưa quốc phục Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, nên tuyệt đối không được làm cẩu thả.

Đối với một nghệ nhân có thâm niên như bà Quyến thì các công đoạn đo, cắt, may, hay bất kì chi tiết nào cũng đòi hỏi sự hoàn hảo. Trong khi đo, người thợ may giỏi còn phải biết nhận định thật chuẩn xác dáng vóc của khách hàng. Tùy vào vị khách ấy có bờ vai, vòng eo như thế nào để điều chỉnh cho người mặc dễ dàng vận động khi mặc. Cho tới công đoạn khâu lại càng đòi hỏi ở người nghệ nhân sự khéo léo hơn cả. Để có thể tạo nên đường khâu đẹp, một người thợ lành nghề như ông Vinh cũng phải mất 8 năm miệt mài với nghề.

Nói là khó vậy, nhưng theo bà Quyến, một người thợ giỏi khi đã có “điểm tựa”, tức có nền tảng cơ bản về kiến thức và tay nghề, thì khách hàng muốn may ngắn thì chỉnh cho ngắn, muốn may dài thì chỉnh cho dài, thích cổ tay rộng, hay thích cổ kiềng, cổ thuyền, bà đều có thể đáp ứng được mong muốn của khách hàng. Bà không chỉ trung thành với những kiểu dáng áo truyền thống, mà bà còn chịu khó cập nhật những xu hướng mới của áo dài để có thể làm hài lòng khách hàng.

Nhờ đó mà hơn 60 năm qua, bà Quyến vẫn miệt mài bên chiếc máy khâu Butterfly cổ, ngày ngày thầm lặng may nên những tà áo dài để nâng niu vẻ đẹp của không chỉ người phụ nữ Hà thành, mà cả những người phụ nữ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người giữ nghề áo dài Trạch Xá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO