Người Khmer Trà Tro B thoát nghèo từ nghề đóng giường tre

Theo Nông nghiệp Việt Nam 28/05/2017 19:37

Dọc theo những tuyến đường ấp Trà Tro B (xã Hàm Giang – Trà Cú – Trà Vinh), tiếng đục, cưa, gọt vỏ tre cứ âm vang liên hồi. Nghề đóng giường tre được hình thành...

Anh Thạch Trì Cảnh ở ấp Trà Tro B (xã Hàm Giang – Trà Cú – Trà Vinh) khoan tre bằng máy do Trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh hỗ trợ để giảm bớt công lao động thủ công.

Nghề đóng giường tre được hình thành đến nay trên 50 năm, buổi đầu chỉ vài hộ làm, dần dần người biết chỉ người chưa biết, theo thời gian hình thành nên cả làng nghề. Trong những năm gần đây, hàng trăm người thợ Khmer ở làng nghề đóng giường tre đã vượt qua hoàn cảnh nghèo túng, có được cuộc sống khá sung túc.

Theo ông Thạch Nhanh, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban nhân dân ấp Trà Tro B, trong ấp có 320 hộ dân, trong đó người Khmer chiếm đến 98%. Làng nghề này có khoảng 100 hộ, hàng năm sản xuất hàng chục ngàn sản phẩm.

“Nhờ có điện những năm gần đây đời sống người dân thay da đổi thịt, ngoài trồng lúa, nghề đóng giường tre được mọi người biết đến. Những sản phẩm truyền thống chỉ tiêu thụ cho đối tượng là những khách hàng dùng làm kệ kê hàng buôn bán tại các chợ. Nay còn tham gia vào mặt hàng cao cấp với các tên gọi như salon tre, bàn ghế tre được sơn pê –u, đã vươn xa ra khỏi lũy tre làng” – ông Nhanh nói.

Sản phẩm bàn ghế tre, giường tre, thang tre của làng nghề ấp Trà Tro B bây giờ không chỉ bán cho người dân trong vùng, mà nó đã len lỏi lên phố thị ở các tỉnh vùng ĐBSCL và cả TP HCM.

Sản phẩm chủ yếu của ấp Trà Tro B là thang tre, giường tre, tầm vông với nhiều mẫu mã, kích thước. Với giá bán hiện nay là 250.000 đồng/thang tre cao 3m, 350.000 đồng/giường tre rộng 1m dài 1,7m… Hiện mỗi lao động có thu nhập từ 130.000 – 200.000 đồng/ngày với các công việc, đốn tre, chẻ tre, vót thanh, lắp ráp…

Từ cây tre có nhiều đốt qua bàn tay khéo léo của người thợ Khmer ở làng nghề đóng giường tre ấp Trà Tro B đã tạo nên chiếc giường tre khá đẹp và vững chắc.

Anh Thạch Thon người đã có trên 30 năm hành nghề bán thang, giường tre lưu động kể: “Tuy cực nhưng thu nhập cũng sống được, mỗi chuyến bán lưu động từ 7 – 10 ngày, tui kiếm được từ 3,5 – 4 triệu đồng, đủ nuôi vợ con….”.

Còn vợ chồng anh Thạch Thắng và chị Sơn Thị Phe Ri xuất thân trong một gia đình nghèo chuyên sống bằng nghề làm mướn. Nhưng kể từ ngày theo nghề đóng giường tre, anh Thắng và chị Phe Ri đã thoát được cái nghèo. Hiện anh chị hiện đã xây dựng được một căn nhà tường khang trang trị giá hơn 250 triệu đồng.

Hiện nay, để đảm bảo cho làng nghề đóng giường tre sản xuất bền vững, chính quyền xã Hàm Giang đang vận động, khuyến khích các tổ hợp tác cùng nhau thành lập hợp tác xã để làm ăn.

“Theo đó, cứ 2 thành viên của tổ hợp tác được Trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 1 máy khoan trị giá 6 triệu đồng để giảm bớt công lao động thủ công, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng số lượng sản phẩm làm ra. Bên cạnh đó, xã Hàm Giang còn bảo lãnh với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Trà Cú cho vay vốn ưu đãi từ 5 – 10 triệu đồng/hộ để các thành viên tổ hợp tác chủ động mua trữ nguyên liệu sản xuất” – ông Nhanh chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Khmer Trà Tro B thoát nghèo từ nghề đóng giường tre

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO